Hôm 12/6, trong buổi gặp mặt giới truyền thông, đại diện liên doanh Geleximco - Omoda, Jaecoo cho biết tham vọng của hãng đến 2028 bán ra 10 sản phẩm, thị phần doanh số đạt khoảng 10% và thuộc top 5 hãng lớn nhất thị trường.
Năm 2023, hãng xếp thứ 5 thị trường về doanh số là Mazda với hơn 35.600 chiếc. Có nghĩa, hai thương hiệu Trung Quốc ít nhất phải vượt qua cột mốc này. Với 10 xe bán ra, mỗi sản phẩm của hãng phải bán khoảng 3.500 chiếc/năm, tương đương với một số mẫu xe như Toyota Avanza phân khúc MPV, Kia K3 phân khúc sedan cỡ C bán trong 2023.
Đại diện hãng cho biết, Omoda C5 phân khúc crossover (CUV) cỡ B và Jaecoo J7 (SUV cỡ C) chạy xăng dự kiến có mặt trên thị trường vào cuối tháng 8 tới. Trong khi mẫu hybrid sạc ngoài Jaecoo J7 PHEV và Omoda E5 thuần điện bán vào cuối 2024 hoặc đầu 2025. Các sản phẩm này được nhập từ Indonesia cho tới khi nhà máy của liên doanh tại Thái Bình dự kiến đi vào hoạt động từ quý I/2026. Giá xe chưa được tiết lộ.
Mục tiêu của hãng xe Trung Quốc là vận hành 20 đại lý 3S (bán hàng, dịch vụ, phụ tùng) trong 2024 tại Việt Nam. Trong đó, 15 đại lý của Omoda và Jaecoo đang được xây dựng. Đến 2026, số lượng đại lý tăng lên khoảng hơn 50. Con số đến 2028 là hơn 100 đại lý, tức nhiều hơn số đại lý của Toyota vào 2023 (87 đại lý).
Omoda và Jaecoo là hai thương hiệu mới thuộc Chery - hãng cũng đã xuất hiện ở Việt Nam trước đây. Omoda và Jaecoo chuyên phục vụ xuất khẩu và bán ở các thị trường ngoài Trung Quốc, trong khi Chery chuyên trách nội địa.
Hãng định vị Omoda là thương hiệu hướng đến giới trẻ, những người ưa thích thiết kế hiện đại, thời trang. Còn Jaecoo cao cấp hơn với tạo hình và trang bị mang hơi hướng sang trọng và có khả năng off-road.
Theo các chuyên gia bán hàng, Chery chọn những thương hiệu con mới thành lập như Omoda, Jaecoo để bán tại Việt Nam thay vì chính Chery để tiếp cận thị trường như một cách để loại bỏ những hình dung không tốt của người dùng từ lần xâm nhập thị trường hơn 10 năm trước. Việc hợp tác xây dựng nhà máy cũng là cách để những thương hiệu này giảm giá bán, tăng tính cạnh tranh với các đối thủ hiện diện lâu năm kèm sức mạnh thương hiệu đã được thừa nhận.
Nhà máy của liên doanh Geleximco - Omoda, Jaecoo đang được triển khai tại Thái Bình. Công suất của nhà máy khoảng 200.000 xe mỗi năm. Việc xây dựng nhà máy thực hiện theo 3 giai đoạn, tổng vốn đầu tư ước tính hơn 800 triệu USD. Giai đoạn một dự kiến hoàn thành vào quý I/2026, công suất khoảng 50.000 xe mỗi năm.
Chery không phải là hãng xe lớn nhất về doanh số nội địa, nhưng là hãng xuất khẩu với số lượng hàng đầu nước này. Riêng 2023, hơn 1 triệu xe Chery xuất đi khoảng 90 thị trường trên thế giới.
Omoda và Jaecoo nằm trong làn sóng xe Trung Quốc đổ bộ thị trường ôtô Việt Nam trong khoảng 3 năm trở lại đây. Sau những cái tên như Wuling, Hongqi, BAIC, Haval, Haima, những BYD, Aion, GAC sẽ xuất hiện trong 2024.
Trước Omoda và Jaecoo, thương hiệu Anh, MG, thuộc sở hữu của tập đoàn công nghiệp ôtô Thượng Hải - Trung Quốc (SAIC) đặt mục tiêu vào top 3 thị trường về doanh số vào 2028. Hãng dự đoán thị trường Việt Nam có doanh số xe mới khoảng 800.000 xe vào năm này. Năm 2022 vẫn là năm có doanh số cao nhất của thị trường ôtô Việt với hơn 500.000 chiếc bán ra.
Tuy đặt mục tiêu cao, chưa có hãng xe Trung Quốc nào công bố doanh số tại Việt Nam để thể hiện khả năng đạt được những gì đã đề ra.
Hyundai và Toyota hiện là hai hãng thống trị thị phần ôtô trong nước. Năm 2022, Hyundai bán 81.582 xe, Toyota là 91.115 xe các loại. Đến 2023, Hyundai vươn lên dẫn đầu khi bán 67.450 xe so với 57.414 xe của đối thủ Nhật.
Thành Nhạn