Tại buổi tọa đàm "Chắp cánh hàng Việt" ở TP HCM, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công thương TP HCM dẫn một vài nghiên cứu gần đây cho thấy, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến thực phẩm sạch, hữu cơ và an toàn.
Ông cho biết, trung bình một tuần một hộ gia đình chi 1,1 triệu đồng cho thực phẩm tươi sống. Trong khi đó, thành phố có 2,3 triệu hộ dân nên quy mô thị trường nông sản có thể lên tới 6 tỷ USD một năm. Thế nhưng, hiện sản phẩm VietGAP cung ứng ở TP HCM mới chỉ chiếm chưa tới 30%.
Theo ông Hòa, TP HCM cũng đang đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp Việt sản xuất và kinh doanh sản phẩm sạch, an toàn có truy xuất nguồn gốc đầy đủ. Ngoài ra, thành phố cũng phối hợp với các địa phương lân cận để đẩy mạnh sản xuất các đặc sản của từng vùng có đầy đủ các chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ.
Sở vừa cùng các doanh nghiệp sản xuất lớn và các hệ thống phân phối hiện đại như MM Market, Saigon Co.op, Big C... ký biên bản ghi nhớ tham gia chương trình "chắp cánh hàng Việt" với mục đích đưa những sản phẩm Việt sạch phân phối trên thị trường. Song song đó, các bên liên quan sẽ cùng nhau hỗ trợ doanh nghiệp và loại bỏ các đơn vị làm ăn gian dối, kém chất lượng.
"Nếu các doanh nghiệp sản xuất hàng thiếu chứng nhận, sản phẩm kém chất lượng sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi của các hệ thống phân phối hiện đại. Chỉ cần gian dối một lần, doanh nghiệp đó sẽ mất luôn cơ hội bán hàng tại bất cứ một hệ thống nào khác. Ngược lại, nếu sản phẩm tốt, họ không chỉ được bán ở một hệ thống mà còn có cơ hội phân phối và tất cả các siêu thị trên địa bàn, tạo cơ hội cho hàng Việt chất lượng nhanh chóng chinh phục được người tiêu dùng", ông Hòa cho hay.
Là đơn vị đang có kế hoạch lựa chọn sản phẩm sạch, đại diện hệ thống siêu thị MM Mega Market (Metro cũ) vừa đưa ra tiêu chí chỉ bán hàng thực phẩm đạt chứng nhận VietGAP và sẽ không bán sản phẩm kém chất lượng, thiếu truy xuất nguồn gốc trong thời gian tới. Ngoài ra, siêu thị sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các sản phẩm chất lượng xuất khẩu qua các thị trường nơi mà doanh nghiệp có hệ thống phân phối tại nước đó.
Big C thì cho biết, đang thực hiện thu mua nông sản trực tiếp từ người nông dân, hợp tác xã đạt chuẩn an toàn, VietGAP. Sắp tới, hệ thống này cũng sẽ ưu tiên giới thiệu sản phẩm hàng Việt chất lượng tại Thái Lan.
Là địa phương có nguồn nông sản khá dồi dào, ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho hay, tỉnh đã thực hiện nhiều mô hình thí điểm liên kết và sản xuất theo chuỗi giá trị của 5 ngành chủ lực (lúa, xoài, hoa kiểng, cá tra, vịt). Các hợp tác xã đang ngày càng áp dụng biện pháp khoa học kỹ thuật để tạo ra sản phẩm chất lượng, giảm giá thành. Rất nhiều sản phẩm của Đồng Tháp như xoài, nhãn, thanh long... đã qua thị trường Mỹ, Nhật, Hàn Quốc.
Do đó, để sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng dễ dàng hơn, ông Dũng đề nghị thành phố vận động doanh nghiệp phân phối tham gia hỗ trợ địa phương xây dựng chuỗi giá trị nông sản để sản phẩm sạch không bị tắc đầu ra và nhanh chóng thay thế sản phẩm kém chất lượng. Song song đó, địa phương này cũng đề nghị TP HCM chỉ đạo hệ thống phân phối chỉ bán hàng hóa đạt chất lượng, có truy xuất nguồn gốc. Từ đó, giúp hình thành chuỗi liên kết sản phẩm sạch giữa nhà sản xuất phân phối và người tiêu dùng.
Thi Hà