Làm thế nào để tăng giá trị thương hiệu Việt trong mỗi sản phẩm là câu hỏi chính được đưa ra tại Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức ngày 17/4.
Theo bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 được Brand Finance công bố, "Vietnam" được định giá 235 tỷ USD và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Vị trí của thương hiệu được cải thiện 2 bậc trên bảng xếp hạng, lên thứ 43 nhờ đóng góp của chương trình thương hiệu quốc gia (Vietnam Value) và nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Thạo - Phó chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Việt Nam vẫn chưa có những thương hiệu uy tín nên giá trị thu được rất thấp. "Nhiều năm nay, Việt Nam vẫn bị gắn tiếng là nước xuất khẩu nguyên liệu thô, gia công và lắp ráp cung cấp các yếu tố đầu vào cho các tập đoàn lớn để họ tạo nên những thương hiệu lớn", ông Thạo nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, việc thiếu quyết liệt trong xây dựng và quản trị thương hiệu đang là yếu kém tồn tại của nhiều doanh nghiệp. Thậm chí, một bộ phận doanh nghiệp vẫn chưa thực sự coi thương hiệu là công cụ để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng.
Khắc phục điểm yếu này, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, cơ quan này đang xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt đề án chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam, tạo sự gắn kết thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp với hoạt động thu hút đầu tư, du lịch...
Nhà chức trách cũng sẽ công nhận các nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý và đẩy mạnh hoạt động quảng bá, truyền thông cho các thương hiệu này. Chẳng hạn, công nhận thương hiệu quốc gia vùng trồng nhãn lồng Hưng Yên, Bưởi Diễn, cam Canh... nhằm quảng bá các đặc sản vùng miền của Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Anh Minh