* Có 1.000 tỷ đồng mới được lập ngân hàng |
* Sàng lọc nhà đầu tư ngân hàng |
* Ngân hàng nội dè chừng nhà băng ngoại |
* Ngân hàng chưa lập đã có cổ phiếu rao bán |
Theo dự thảo, ngoài yêu cầu về vốn điều lệ do Thủ tướng quy định trong từng thời kỳ, một ngân hàng muốn thành lập phải có tối thiểu 100 cổ đông tham gia, trong đó ít nhất 3 cổ đông sáng lập là tổ chức có quy mô tài sản từ 2.000 tỷ đồng và vốn điều lệ 500 tỷ đồng trở lên. Trong trường hợp cổ đông sáng lập là ngân hàng thương mại, phải đảm bảo tổng tài sản tối hiểu 20.000 tỷ đồng, vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Các cổ đông không được chuyển nhượng cổ phần trong thời gian 3 năm kết từ khi được cấp phép thành lập. Riêng các cổ đông sáng lập, chỉ được phép chuyển nhượng lẫn nhau trong thời gian 5 năm kể từ khi ngân hàng được cấp phép.
Để đảm bảo tính đại chúng của ngân hàng, mỗi cổ đông pháp nhân (tổ chức) và người có liên quan chỉ được phép sở hữu tối đa 20% vốn điều lệ. Nếu là cổ đông cá nhân, tỷ lệ sở hữu của cá nhân đó và những người có liên quan không quá 10% vốn điều lệ của ngân hàng. Riêng trường hợp cổ đông là tập đoàn tài chính, được phép sở hữu với tỷ lệ tối đa 40%. Trong trường hợp sở hữu vượt tỷ lệ cho phép, phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên cơ sở lợi ích quốc gia.
Phần được xem là "khoai" nhất trong bộ hồ sơ xin cấp phép đó là bản đề án thành lập ngân hàng. Theo dự thảo, phần tài liệu này phải chứng minh được năng lực tài chính, quản trị và quản lý rủi ro của ngân hàng, trong đó yêu cầu áp dụng quản lý rủi ro theo những chuẩn mực quốc tế như Basel 1, Basel 2, quy định mới nhất của Ngân hàng Nhà ước về phân loại nợ và trích lập dự phòng xử lý rủi ro... Đề án cũng phải chứng minh khả năng áp dụng công nghệ thông tin, phân tích và đánh giá thị trường, chiến lược của ngân hàng trong phát triển mở rộng mạng lưới hoạt động...
![]() |
Hơn 10 năm qua, Việt Nam chưa cấp phép thành lập mới ngân hàng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Dự thảo mới nhất Quy chế cấp giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần được hoàn tất trong sáng nay và đang được gửi đi trưng cầu ý kiến của các cơ quan liên quan. Theo một chuyên gia ngân hàng, những yêu cầu đưa ra trong dự thảo quy chế được xem là khắt khe nhất từ trước tới nay. Đặc biệt, để hoàn tất bản đề án, có thể phải thuê tư vấn quốc tế với thời gian thực hiện tới 5-6 tháng và chi phí không dưới vài triệu USD. Khi hồ sơ trình lên Ngân hàng Nhà nước, cũng phải mất chừng ấy thời gian thẩm định trước khi được duyệt và chấp thuận về mặt nguyên tắc.
"Với những quy định khắt khe như vậy, cơ hội kinh doanh ngân hàng chỉ dành cho những ai có thực lực, chứ không phải dành cho những người thành lập ngân hàng để mua bán giấy phép. Ở Việt Nam, chưa có trường hợp mua bán giấy phép ngân hàng nào được ghi nhận chính thức, song tôi đã được nghe nói về nguy cơ này", vị chuyên gia này nói.
Cùng với chứng khoán, ngân hàng cũng được dự báo là một lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn trong con mắt các nhà đầu tư, do có tốc độ tăng trưởng cao, khả năng mở rộng và huy động vốn dễ dàng. Hơn 10 hồ sơ xin thành lập ngân hàng đã được gửi tới Ngân hàng Nhà nước. Hàng loạt ngân hàng cổ phần nông thôn trước đây tưởng chừng không thể phát triển, nay lại được các nhà đầu tư mạnh tay rót vốn và nâng cấp thành ngân hàng đô thị, mở rộng quy mô và mạng lưới hoạt động.
Một quan chức Ngân hàng Nhà nước cho biết, nếu căn cứ theo các tiêu chí trong dự thảo, không có bộ hồ sơ nào trong số hơn 10 trường hợp kể trên thỏa mãn yêu cầu. 3 trường hợp, đề án thành lập ngân hàng tài chính dầu khí, ngân hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngân hàng dịch vụ công nghiệp, đáp ứng yêu cầu về vốn điều lệ tối thiểu (trên 1.000 tỷ đồng) song cũng sẽ phải làm lại đề án.
S.L.