Thay vì nghỉ hưu, ông Hu và vợ chuyển đến ngoại ô Bắc Kinh. Hàng ngày, hai vợ chồng thức dậy lúc 4h sáng để nấu cơm trưa mang đi, rồi di chuyển hơn một tiếng để đến trung tâm mua sắm ở thành phố, bắt đầu công việc dọn dẹp theo ca 13 tiếng với thù lao 4.000 tệ (552 USD) hàng tháng mỗi người.
Nếu không bám trụ thành phố tiếp tục làm việc, vợ chồng ông sẽ phải về quê, sống nương vào ruộng đồng với mức lương hưu tối thiểu hàng tháng 123 tệ (17 USD). "Không ai có thể chăm sóc chúng tôi. Tôi không muốn thành gánh nặng cho hai con, trong khi trợ cấp quá thấp", ông Hu vừa nói vừa lau sàn.
Ông Hu là là một trong hàng triệu người đã đổ về các thành phố lớn của Trung Quốc cuối thế kỷ trước, tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, làm công nhân trong các nhà máy, biến nước này thành nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới. Nhưng giờ đây, ở tuổi xế chiều, họ đang đối mặt với mức sống giảm sút.
Trung Quốc dự kiến có 100 triệu người thuộc nhóm này về hưu trong 10 năm tới. Các chuyên gia cho rằng nước này chưa xây dựng được hệ thống an sinh xã hội phù hợp để đối phó với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ngày càng tồi tệ đang khiến nhu cầu dịch vụ xã hội tăng cao.
Nếu các lao động nhập cư chỉ dựa vào lương hưu cơ bản khi về nông thôn dưỡng già, mức sống của họ sẽ thấp hơn ngưỡng nghèo của Ngân hàng Thế giới là 3,65 USD một ngày. Nhiều người như ông Hu tuyệt vọng tìm những công việc thù lao thấp để kiếm thêm thu nhập.
Năm 2022, Trung Quốc có khoảng 94 triệu người lao động trên 60 tuổi, chiếm gần 13% tổng lực lượng lao động nước này, tăng từ mức 8,8% năm 2020.
Tỷ lệ này thấp hơn Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng dự kiến tăng vọt khi 300 triệu người sẽ bước sang tuổi 60 trong thập kỷ tới, trong đó hơn 30% là lao động nhập cư từ nông thôn.
"Họ có thể sẽ phải đối mặt với những ngày dài và vất vả trong phần đời còn lại", Fuxian Yi, chuyên gia nhân khẩu học cấp cao tại Đại học Wisconsin-Madison, cảnh báo.
Hệ thống trợ cấp hưu trí ở Trung Quốc được thực hiện dựa theo hộ khẩu, phân bổ theo hai nhóm thành thị - nông thôn, với khoảng cách lớn về thu nhập và khả năng tiếp cận phúc lợi xã hội giữa các nhóm.
Lương hưu hàng tháng ở thành thị dao động từ 415 USD ở các tỉnh kém phát triển cho đến khoảng 830 USD ở Bắc Kinh và Thượng Hải, trong khi khoản hư trí ở nông thôn rất thấp. Hồi tháng 3, chính phủ nâng mức lương hưu tối thiểu thêm gần 3 USD, lên 17 USD mỗi tháng.
Một cố vấn chính phủ giấu tên cho biết Bắc Kinh chưa thiết lập mạng lưới an sinh xã hội mạnh mẽ hơn, do các nhà hoạch định chính sách lo ngại bẫy thu nhập trung bình, nên ưu tiên phát triển quy mô nền kinh tế. Trong khi đó, các chuyên gia tại tập đoàn tài chính Nomura, Nhật Bản, cho rằng san sẻ nguồn lực cho các hộ nghèo là cách hiệu quả nhất để thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) ước tính quỹ hưu trí nước này sẽ cạn vào năm 2035. Bắc Kinh đang thúc đẩy các chương trình hưu trí tư nhân, phân bổ quỹ đến các tỉnh thâm hụt ngân sách lớn không thể tự bù đắp.
Nhiều nước nỗ lực tăng quỹ hưu trí bằng cách nâng tuổi nghỉ hưu, trong khi mốc này ở Trung Quốc thuộc hàng thấp nhất thế giới, ở ngưỡng 60 tuổi đối với nam, 50-55 đối với nữ tùy ngành nghề. Bắc Kinh cho biết có kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng không cho biết thời điểm triển khai.
Các khảo sát của CASS cũng cho thấy mức độ tiếp cận phúc lợi y tế cho lao động thành thị ở một số trường hợp cao gấp 4 lần so với những người có hộ khẩu nông thôn, trong khi hơn 16% người dân vùng nông thôn trên 60 tuổi gặp vấn đề sức khỏe, so với 9,9% ở thành thị.
"Phúc lợi xã hội không đủ nguồn lực hỗ trợ những người có xu hướng tái nghèo này", Dan Wang, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại ngân hàng Hang Seng ở Hong Kong, cho biết.
Tại Bắc Kinh, Yang Chengrong, 60 tuổi, và chồng 58 tuổi dành cả ngày để nhặt phế liệu đem bán cho một trạm tái chế ở Bắc Kinh với giá chưa đến 0,14 USD mỗi kg. Bà Yang có vấn đề về tim, còn chồng bị gout, nhưng cả hai không đủ tiền điều trị.
"Người nhà quê như chúng tôi làm việc đến gần chết nhưng không dám nghỉ hưu. Tôi chỉ yên tâm khi có việc, kể cả phải chui vào những nơi bẩn thỉu", hai vợ chồng nói.
Hầu hết trong số 300 triệu người Trung Quốc bước qua 60 tuổi trong thập kỷ tới chỉ có một con, do chính sách hạn chế sinh nở ban hành trong giai đoạn 1980-2015, nên chuyện dựa vào con cái phụng dưỡng không còn khả thi, Cai Fang, chuyên gia kinh tế CASS nhận định. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tăng cao cũng làm trầm trọng thêm vấn đề.
"Trung tâm thương mại không tìm được người trẻ chịu làm lao công, còn tôi sẽ tiếp tục làm việc khi vẫn còn đi lại được", ông Hu nói.
Đức Trung (Theo Reuters)