Đúng ngày Giáng sinh, các thủy thủ trên tàu New Phoenix - một trong 16 con tàu của Vinashinlines đã viết thư từ Đại Liên (Trung Quốc) gửi về cho công ty tại Việt Nam. Sau 3 tháng mắc kẹt tại thành phố này, các thuyền viên cho biết họ đã rơi vào cảnh cùng cực.
Thời tiết ở Đại Liên những ngày này rét cắt da cắt thịt, nhiệt độ về đêm xuống tới âm 15 độ C và còn tiếp tục giảm xuống. Thủy thủ cho biết tàu rơi vào cảnh không điện, không thực phẩm, thiếu nước ngọt vì toàn bộ nước trên tàu đã bị đóng băng. Để có nước sử dụng, họ phải đi đập từng cục băng rồi đun chảy.
Ảnh do các thuyền viên tàu New Phoenix gửi về. Để có nước sinh hoạt, họ phải đun chảy từng cục băng trong cái rét âm 15 độ. |
Họ đang vô cùng chán chường vì phải sống trên một đống sắt giữa biển, chịu đựng cái rét "vô cùng khủng khiếp" và quá nhiều bệnh tật đã phát sinh. "Đến quyền lợi thiết thực nhất là tiền lương cũng đã 8 tháng nay không nhận được đồng nào", các thuyền viên cho biết. Cũng như trong những thư cầu cứu trước đó, thủy thủ đề nghị công ty bằng mọi biện pháp đưa họ về Việt Nam trước khi có điều gì đáng tiếc xảy ra.
Không chỉ riêng New Phoenix, hàng loạt bức thư "tố khổ" khác của thuyền viên làm việc trên tàu của Vinashinlines liên tục truyền về từ khắp nơi trên thế giới. Cũng trong dịp lễ Giáng sinh, 22 thủy thủ trên tàu Cái Lân 4 cho biết suốt từ cuối tháng 10 đến nay, họ đã phải cầm cự qua ngày bằng mỳ tôm và rau dại. Vì Vinashinlines nợ tiền dầu một đối tác ở Singapore, tàu Cái Lân 4 đã bị nhà chức trách Ấn Độ bắt giữ khi tàu vào cảng Kolkata từ 2 tháng trước. Không phải chịu cái rét "khủng khiếp" như thủy thủ tàu New Phoenix, nhưng tình cảnh trên tàu Cái Lân 4 cũng khó khăn chồng chất vì thiếu lương thực, nước ngọt. Dầu DO hết nên điện không có, khi đêm đến mọi thứ chìm vào tối tăm.
Trước đó, hồi tháng 11, 9 thủy thủ trên tàu Sea Eagle cũng đã gửi thư kêu cứu từ Chiết Giang, Trung Quốc. Không còn khả năng hoạt động, con tàu Sea Eagle nay chỉ như một đống sắt vụn giữa biển khơi. Không điện đóm, tiền ăn cũng lâu ngày không được cấp, các thuyền viên phải lên bờ hái rau dại, xuống nước mò cua bắt ốc ăn trong sự ngạc nhiên và thương hại của những người dân địa phương.
Thủy thủ cho biết do neo đậu quá lâu, tiền chi phí cảng và tiền sửa chữa đã vượt quá giá trị của tàu. Trong tình cảnh công ty Vinashinlines không có khả năng tài chính, 9 thuyền viên trên tàu đã gửi thư cho báo chí, mong muốn công ty được bán tàu để có tiền đưa họ sớm về quê hương.
Cũng mắc kẹt ở Chiết Giang, tàu Hoa Sen của Vinashinlines đang trong tình cảnh không hoạt động dù đây là một trong những con tàu "đẹp mã" nhất của công ty hiện nay. Suốt 4 tháng liền trên tàu không có điện. Nhiều người làm việc trên tàu 13 tháng thì 11 tháng bị nợ lương. Những lúc trên tàu không ai còn tiền mua thực phẩm, các thuyền viên cũng phải tự làm lồng bắt cua, cá để sống qua ngày.
Tàu chở khách Hoa Sen của Vinashinlines cũng đang mắc kẹt ở Chiết Giang, Trung Quốc do không có tiền sửa chữa. Ảnh: Mỹ Giang |
Đáp lại những bức thư khẩn thiết này, vị Tân Tổng giám đốc của Công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines), ông Nguyễn Quế Dương chỉ biết động viên thuyền trưởng và thuyền viên. Còn tình trạng Vinashinlines cũng không khá hơn gì. Trong thư gửi đến thuyền viên tàu New Phoenix, ông Nguyễn Quế Dương cho biết công ty "đang thực sự quá khó khăn nên không thể giải quyết hết được nhu cầu tối thiểu của tất cả các tàu".
Hiện Vinashinlines có 16 tàu mắc kẹt cả trong lẫn ngoài nước, trong đó chỉ 2 tàu hoạt động có thu nhưng nguồn thu rất hạn chế vì bị trừ các chi phí sữa chữa, khai thác. Trong tài khoản không còn đồng nào, công ty đang nợ nhà cung cấp Singapore tiền dầu của nhiều con tàu và không có khả năng thanh toán.
Nếu được cho phép, Vinashinlines sẽ bán tàu ngay tại nơi neo đậu vì đưa về Việt Nam còn tốn kém hơn. Hiện nay, chi phí duy trì 16 con tàu hầu như không có doanh thu này là 10 tỷ đồng mỗi tháng.
Biện pháp duy nhất Vinashinlines đang áp dụng là báo cáo và chờ đợi. Công ty cho biết đã báo cáo tình trạng các tàu với Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và các bộ ban ngành liên quan. Công ty cũng đã gửi công văn cho Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đề nghị có biện pháp giúp đỡ bảo đảm an toàn cho thuyền viên trong trường hợp điều kiện sống, an toàn sức khỏe và tính mạng thuyền viên bị đe dọa buộc phải rời tàu.
Tình cảnh của các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam, trong đó có Vinahinlines được biết đến nhiều hơn sau cú ngã ngựa của hai người hùng một thời là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Không chỉ ở nước ngoài, ngay cả trong nước cũng có tình trạng doanh nghiệp bỏ mặc tàu nằm bến, thậm chí trôi nổi ở các cảng mà không có tiền kéo về. Suy thoái kinh tế, đơn đặt hàng từ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước và thế giới ngày một ít là đòn giáng mạnh vào cảnh khốn cùng của các hãng hàng hải.
Một nguồn tin cho hay Chính phủ đang chỉ đạo rốt ráo để tìm giải pháp đưa các con tàu đang vất vưởng ở nước ngoài về.
Thanh Bình