Hội nghị quốc tế "Gặp gỡ Quy Nhơn lần thứ 5: Hội nghị Sinh học 2022" diễn ra từ ngày 17-19/8 tại Trung tâm Quốc tế khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), Quy Nhơn, Bình Định. GS Jean Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam, cho biết, đây là dịp để các nhà khoa học, đặc biệt là nhà nghiên cứu trẻ trong lĩnh vực khoa học sự sống trình bày các kết quả nghiên cứu mới nhất, trao đổi nghiên cứu và học thuật.
Hội nghị Sinh học 2022 hướng tới tạo môi trường tương tác giữa các nhà khoa học, đồng thời đào tạo và trợ giúp những nhà khoa học trẻ trong quá trình phát triển sự nghiệp nghiên cứu tại Việt Nam thông qua kết nối với nhà khoa học gạo cội.
Tại phiên chính các nhà khoa học trong nước và quốc tế chia sẻ nghiên cứu thuộc nhóm sinh học thực vật. GS David Jackson (Mỹ) trình bày báo cáo tập trung về các cơ chế kiểm soát ở tế bào gốc thực vật trong quá trình sinh trưởng và phát triển. Trên cơ sở đó ứng dụng kỹ thuật CRISPR-Cas9 để chỉnh sửa gene nhằm tạo được các giống cây trong có năng suất và chất lượng cao. Nghiên cứu cho thấy, sự hiểu biết của con người về các con đường truyền tín hiệu ở thực vật vẫn chưa đầy đủ, bởi vì nhiều yếu tố bị che khuất bởi sự dư thừa di truyền. Theo đó, GS David Jackson cũng thảo luận về việc áp dụng CRISPR trong việc chống lại sự dư thừa di truyền và tìm hiểu các cơ chế bù trừ ở thực vật.
GS Michio Tanaka, Đại học Kagawa, Nhật Bản chia sẻ những thành tựu nghiên cứu cả đời về các nguồn ánh sáng phù hợp cho công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật. Công trình nhằm tối ưu hóa quá trình nuôi trồng thực vật kỹ thuật cao. Trong khi đó, GS Paek Kee Youep đến từ Hàn Quốc tập trung vào các hệ thống vi nhân giống tiên tiến trong nuôi cấy mô tế bào thực vật phục vụ sản xuất cây giống chất lượng cao.
Trong ngày 18/8, các nhà khoa học sẽ thảo luận về các vấn đề sinh học người, sinh học động vật và vi sinh vật. Trong đó có báo cáo về nghiên cứu cơ chế già hóa tế bào để cải thiện sức khỏe và kéo dài tuổi thọ ở người hay nghiên cứu điều trị nhiễm khuẩn Staphylococcus aureus trên người và động vật. PGS. TS Nguyễn Thị Hiệp, Đại học Quốc tế, ĐH QG TP HCM đề cập đến "mực in sinh học" hydrogel dựa trên các polymer tự nhiên ứng dụng trong sản xuất vật liệu y sinh.
Lĩnh vực vi sinh vật sẽ là nhóm chủ đề chính ngày cuối cùng (19/8) của hội thảo, tập trung vào những tiến bộ mới nhất trong công nghệ nghiên cứu vi tảo hay việc ứng dụng các công nghệ tiên phong trong vi nhân giống cây hoa lan từ các giáo sư nước ngoài.
Được tổ chức lần đầu năm 2017, qua 4 lần tổ chức, Hội nghị thu hút đông đảo sự quan tâm của các nhà khoa học, tạo hợp tác và kết nối khoa học. Năm nay, lần đầu tiên được tổ chức ở hình thức hội nghị quốc tế, sự kiện thu hút gần 400 người tham dự là các nhà khoa học, các đại biểu từ các trường, đại học, cơ quan từ 16 quốc gia trên thế giới, với 240 báo cáo.
Hội nghị cũng có 14 báo cáo mời của các nhà khoa học uy tín hàng đầu trong nước và quốc tế. Dự kiến hội nghị sẽ trao những giải thưởng cho những nhà khoa học trẻ có báo cáo xuất sắc, những người tham dự tích cực nhất trong mọi hoạt động khoa học, nhà khoa học nữ.
Chương trình năm nay được hỗ trợ tổ chức bởi Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Quỹ Đổi mới sáng tạo VinIF và trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.
Trung tâm Khoa học giáo dục liên ngành (ICISE) được khánh thành năm 2013 do vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân cùng những người bạn thiện nguyện xây dựng, đã trở thành ngôi nhà chung cho khoa học Việt Nam và thế giới.
Như Quỳnh