Giáo sư Trần Văn Khê mất vào ngày 24/6/2015 (tức ngày 9/5 Âm lịch) tại TP HCM, thọ 94 tuổi. Tro hài của ông được mang về đặt bên tổ tiên tại ngôi nhà ở làng Vĩnh Kim, Tiền Giang.
Từ sáng 22/6, con đường nhỏ dẫn vào ngôi nhà từ đường của dòng họ Nguyễn Tri, phía họ ngoại của Giáo sư Trần Văn Khê ở làng Vĩnh Kim, đã xôn xao tiếng người, trái hẳn với không khí tĩnh lặng thường ngày. Đây là dịp giỗ đầu của ông. Nhiều người từ nơi xa về để thắp hương tưởng nhớ người đã dành trọn đời cho âm nhạc dân tộc.
Trong số hơn 100 người đến lễ giỗ, có các đoàn xe từ TP HCM, tỉnh thành lân cận. Người tóc bạc màu chen chân với các bạn trẻ. Họ cùng thắp cho ông nén hương, ngồi lại với gia đình dùng bữa cơm ấm cúng. Trong số này có nhà thiết kế Sĩ Hoàng, bà Nguyễn Thế Thanh (nguyên phó giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin TP HCM trước đây), nghệ sĩ ngâm thơ Hồng Vân, nghệ sĩ đàn tranh Thúy Hoan...
Sau bữa cơm, mọi người quây quần trước di ảnh Giáo sư Khê đàn, hát, gợi nhớ không khí các buổi sinh hoạt chuyên đề về văn hóa, âm nhạc do Giáo sư tổ chức tại nhà 32, Huỳnh Đình Hai, TP HCM lúc sinh thời.
Ở tuổi U70, ca sĩ - nghệ sĩ ngâm thơ Hồng Vân hát tặng mọi người ca khúc Giận nhau - một nhạc phẩm do chính Giáo sư Khê sáng tác, ít được nhiều người biết, nói về những giận dỗi đáng yêu của thời hoa niên. Anh Hồ Nhựt Quang, một môn sinh của giáo sư, biểu diễn lại bài thuyết trình nổi tiếng của ông về các điệu thức cười trong nghệ thuật tuồng cổ, hát bội. Nhóm Du ca Sài Gòn vừa đàn guitar vừa hát các điệu lý, câu hò. Một em bé lên sân khấu thể hiện Dạ cổ hoài lang. Màn biểu diễn văn nghệ "cây nhà lá vườn" nhận được tràng vỗ tay nhiệt tình của người xem.
Xen kẽ giữa các tiết mục là những cuộc trò chuyện, kể lại kỷ niệm về cố giáo sư. Anh Nguyễn Quốc Thệ - 36 tuổi - làm nghề hướng dẫn viên du lịch ở TP HCM - nằm trong số lứa học trò đầu tiên của Giáo sư Khê khi ông từ Pháp quay vể TP HCM đầu những năm 2000 để giảng dạy môn Âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Thời điểm đó, anh Thệ là sinh viên năm thứ hai. Cũng như nhiều bạn trẻ, anh ít chú ý đến âm nhạc truyền thống. Nhưng khi được học 30 tiết môn âm nhạc dân tộc với thầy Khê, nhiều sinh viên thấy như được khai tâm.
"Tôi nhớ hoài câu đầu tiên thầy nói trước lớp 'Ngày hôm nay thầy rất hạnh phúc bởi lẽ thầy được dạy âm nhạc truyền thống cho sinh viên Việt trên quê hương'. Thầy ví von: "Các con hãy xem âm nhạc dân tộc như cơm còn âm nhạc nước ngoài như ớt. Chúng ta cần chút ớt cay cay để thêm hương vị nhưng không thể chỉ ăn ớt để sống' ", anh Thệ kể. Từ những bài giảng ngày nào, người đàn ông này và bạn bè anh đến với điệu lý, câu hò, lời ru, bài cải lương, vọng cổ với tất cả lòng biết ơn và nguyện tiếp nối, giữ gìn, nâng niu vốn âm nhạc dân tộc.
Một năm ngày Giáo sư mất, những tấm lòng hướng về ông vẫn đong đầy. Tác giả Mỹ Dung (ở Hà Nội) nhờ người dâng lên bàn thờ ông cuốn sách mang tên Một tâm hồn Việt Nam. Đây là ấn phẩm bà Mỹ Dung thực hiện nhân dịp 100 ngày mất của Giáo sư Khê nhưng chưa kịp gửi tặng gia đình. "Tôi nay 78 tuổi, lại ở quá xa, không thể hiện diện trong lễ tưởng niệm một năm ngày mất của người tôi hằng kính quý, ngưỡng mộ. Vì thế, tôi gửi quyển sách lưu giữ những trang hồi ức về thầy như lời tri ân", bà Dung nhắn gửi.
Trước đó vào ngày 21/6, cũng có hơn 100 người từ các nơi hội ngộ về ngôi nhà từ đường của dòng họ ngoại Giáo sư Khê để thắp hương viếng ông. Tối cùng ngày, mọi người tổ chức đêm ca trù, đờn ca tài tử, không khí vui vẻ, rộn ràng đến tận khuya.
Nhân dịp tưởng niệm Giáo sư Khê, số phận và hoạt động thời gian sắp tới của ngôi nhà Huỳnh Đình Hai, TP HCM là câu chuyện được nhiều người nhắc đến.
Năm 2006, Giáo sư Khê về nước định cư sau nửa thế kỷ sống và làm việc ở Pháp. Ủy Ban Nhân Dân TP HCM trao cho ông căn nhà là nơi an dưỡng tuổi già và là địa điểm để ông tiếp tục các hoạt động nghiên cứu, quảng bá âm nhạc dân tộc, lưu trữ các hiện vật, tư liệu... Từ năm 2003, ý tưởng về đề án xây dựng Nhà lưu niệm Trần Văn Khê cũng được Sở Văn hóa - Thông tin TP HCM đề xuất.
Sau khi ông qua đời, ngôi nhà được quản lý theo chế độ công sản. Sở Văn hóa, Thể thao TP HCM vẫn đang chờ chủ trương của UBND để quyết định về hình thức hoạt động của địa điểm này. Liệu ngôi nhà này có trở thành nhà lưu niệm mang tên Giáo sư Trần Văn Khê như mong ước của ông hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Sáng 23/6, dự kiến Giáo sư Trần Quang Hải - con trai trưởng Giáo sư Khê - cùng đại diện Sở Văn hóa, Thể thao TP HCM có cuộc gặp gỡ để trao đổi về vấn đề này.
>> Xem thêm:
Con trai trưởng Giáo sư Khê về nước làm giỗ đầu cho cha
Con trai GS Trần Văn Khê bỏ ý định thực hiện di nguyện của cha