Ngày 1/1, Giáo sư Trần Quang Hải - con trai trưởng của Giáo sư Trần Văn Khê - gửi đến thành viên ban tổ chức tang lễ cố giáo sư lá thư ngỏ bày tỏ việc ông mong muốn có thay đổi trong chuyện thực hiện di nguyện của cha mình.
Lá thư có ba phần chính. Ở hai phần đầu, Giáo sư Hải trình bày những khó khăn cá nhân ông gặp phải trong việc thành lập một quỹ văn hóa mang tên cha ông, cũng như việc liên lạc với cơ quan chức năng trong nước để giải quyết các vấn đề thủ tục thành lập Trung tâm Trần Văn Khê (hay nhà lưu niệm Trần Văn Khê) từ ngôi nhà số 32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh, TP HCM. Ngôi nhà này được Ủy ban Nhân dân TP HCM cấp cho cố giáo sư vào năm 2006 khi ông từ Pháp trở về quê hương và sống cho đến khi qua đời vào năm 2015.
Phần cuối cùng trong thư ngỏ, con trai trưởng của Giáo sư Trần Văn Khê đề xuất hướng sử dụng số tiền phúng điếu 700 triệu đồng từ tang lễ của cha mình vào các việc như: giải thưởng Trần Văn Khê, quà tặng những nghệ sĩ nghèo ở nhà dưỡng lão nghệ sĩ quận 8, TP HCM, quà tặng cho nghĩa trang nghệ sĩ, quà tặng cho những cây đại thụ của nền cổ nhạc hiện sống trong túng thiếu... (Nguyên văn lá thư ngỏ của Giáo sư Trần Quang Hải).
"Tôi mong những vị trong ban tang lễ sẽ chấp nhận đề nghị của tôi để cho việc này được hoàn thành tốt đẹp. Tôi xin thành thật cám ơn tất cả quý vị trong ban tang lễ đã bỏ rất nhiều thời giờ quý báu giúp gia đình chúng tôi lo việc tang lễ của cha chúng tôi một cách thật chu đáo và long trọng. Lá thư này sẽ được gởi cho tất cả những người trong ban tang lễ để thông tin và được thỉnh ý của quý vị", Giáo sư Trần Quang Hải bày tỏ.
Về lá thư của Giáo sư Hải, bà Nguyễn Thế Thanh - nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thông Tin TP HCM và là một thành viên trong ban tang lễ cố giáo sư - khẳng định: "Ông Hải không thể thay mặt toàn bộ gia đình giáo sư Khê cũng như những người yêu quý Giáo sư Khê để từ bỏ việc một quỹ hay nhà lưu niệm mang tên cha ông có thể có trong tương lai. Ông Hải cũng không có quyền quyết định trong vấn đề này dù rằng cá nhân ông có quyền từ chối tham gia".
Nguyên Phó Giám đốc Sở giải thích ngôi nhà số 32 Huỳnh Đình Hai không thuộc sở hữu của gia đình Giáo sư Khê. "Ngôi nhà này thuộc về nhà nước nên việc quyết định thành lập nhà lưu niệm thuộc về quyền quyết định của cơ quan chức năng. Chỉ khi cơ quan chức năng thông qua thủ tục xin phép biến nhà thành nhà lưu niệm và muốn phối hợp cùng gia đình để xây dựng nội dung, thì lúc đó, gia đình có thể nêu ý kiến đồng ý cùng thực hiện hay không. Nếu gia đình từ chối, cơ quan chức năng vẫn có thể đứng ra làm vì Giáo sư Khê là người của công chúng, một người có nhiều đóng góp cho nền văn hóa dân tộc. Hậu duệ của ông và khán giả yêu quý ông đều mong muốn di nguyện của ông được thực hiện", bà Thế Thanh chia sẻ.
Hiện nay, đề án nhà lưu niệm Trần Văn Khê được Sở Văn hóa, Thể thao trình cho Ủy ban Nhân dân TP HCM và đang chờ được duyệt, chưa có ý kiến cuối cùng.
Về vấn đề thành lập quỹ văn hóa mang tên Giáo sư Trần Văn Khê, trong di nguyện, cố giáo sư bày tỏ mong muốn ban tang lễ dùng số tiền này lập một quỹ học bổng hoặc giải thưởng mang tên ông. Hàng năm, quỹ này có thể trao cho người được giải thưởng về nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Sau khi chu toàn hậu sự cho cố giáo sư, ban tang lễ tổng kết số tiền phúng điếu là 700 triệu đồng. Các thành viên ban tang lễ xem số tiền này là vốn ban đầu để về sau tiếp tục bàn bạc việc thành lập quỹ theo di nguyện cố giáo sư.
"Theo tôi, để trả lời các ý kiến của ông Trần Quang Hải trong lá thư, có lẽ cần phải có cuộc hội ý giữa các thành viên của ban chức tang lễ. Nhưng hiện tại, chúng tôi chưa làm được điều đó vì vợ của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân vừa qua đời tại Huế, ông phải lo tang lễ cho vợ, nên chưa vào Sài Gòn để họp mặt với mọi người. Tôi cũng chỉ có thể nêu ý kiến ở riêng góc độ của tôi", bà Thế Thanh bày tỏ.
Rạng sáng 24/6/2015, Giáo sư Trần Văn Khê - nhà nghiên cứu lớn của làng nhạc dân tộc Việt Nam - qua đời tuổi ở 94. Trước khi mất, trên giường bệnh, ông lập di chúc nêu rõ các tâm nguyện của mình. Trong số đó có hai di nguyện lớn. Thứ nhất, giáo sư mong tiền phúng điếu tại tang lễ ông được dùng lập quỹ học bổng hoặc giải thưởng cho người nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam. Thứ hai, ông mong mỏi căn nhà ở đường Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh, TP HCM - được dùng làm Nhà lưu niệm Trần Văn Khê.
Để chuẩn bị hậu sự, cố giáo sư cũng đề nghị lập một tiểu ban lo cho vấn đề tang lễ, trong đó có sự góp mặt của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân và ông Trần Bá Thùy (chồng của nữ thi sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương), bà Nguyễn Thế Thanh...
Thoại Hà