Ngày 26/10, hàng trăm người dân ở xã Yên Tâm và một số xã lân cận như Yên Giang, Yên Trung, Nông Trường (huyện Yên Định, Thanh Hóa) tiếp tục kéo về khu trang trại chăn nuôi công nghiệp của Công ty TNHH P.N.T ở thôn Mỹ Hòa (xã Yên Tâm) gây áp lực.
Họ dựng lều lán, la ó, căng băng zôn… trước cổng trang trại đòi doanh nghiệp di dời toàn bộ đàn lợn nái hơn 1.200 con đang được chăn nuôi tại đây. Chính quyền địa phương đã cử công an, dân quân tự vệ túc trực ngày đêm nhằm đảm bảo an ninh, tránh để xảy ra sự cố.
“Bà con bỏ hết công việc đồng áng tập trung về đây để hợp sức phản đối chủ trang trại. Mục đích của chúng tôi là yêu cầu doanh nghiệp P.N.T thực hiện đúng những điều khoản từng cam kết cũng như chỉ đạo của tỉnh Thanh Hóa”, ông Trịnh Văn Thao (50 tuổi, nông dân thôn Mỹ Hòa) nói.
Theo ông Thao, lý do người dân gây áp lực với chủ doanh nghiệp là khu chuồng nuôi lợn này đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong suốt thời gian dài khiến sinh hoạt, sức khỏe của bà con trong vùng bị đảo lộn.
“Gia đình tôi sống cách trang trại chưa đầy 150 m, mỗi khi trời nắng, mùi hôi thối xộc thẳng vào nhà rất khó chịu, ruồi nhặng bay khắp nơi…”, bà Trần Thị Liên (thôn Yên Trường, xã Yên Tâm) cho hay.
Cũng theo phản ánh của người dân xã Yên Tâm, không chỉ môi trường không khí bị ô nhiễm mà nguồn nước ngầm cũng có dấu hiệu nhiễm độc nặng. “Hoa màu vụ đông bà con trồng gần trang trại đang mơn mởn xanh tốt bỗng chuyển màu vàng, héo úa rồi cứ thế chết dần. Chúng tôi nghi ngờ công ty đã dùng hóa chất độc hại xử lý nước thải, nguồn nước từ kênh Hón Măng sau đó được hút lên phục vụ tưới tiêu khiến cây trồng chết đứng…”, ông Thao cho biết thêm.
Trước đó vào trung tuần tháng tư, hàng trăm người dân xã Yên Tâm kéo đến cổng trại lợn dựng lều lán, ngăn chặn việc vận chuyển thức ăn vào công ty. Chính quyền đã tổ chức nhiều cuộc họp dân tìm phương án giải quyết.
Mãi hơn một tuần sau, người dân mới chịu dời đi khi đại diện doanh nghiệp ký cam kết chuyển toàn bộ đàn lợn (cả thương phẩm và lợn nái) đi nơi khác. Theo công văn chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 29/9, hạn chót để Công ty P.N.T di chuyển đàn lợn ra khỏi Trang trại Yên Tâm là ngày 24/10. Tuy nhiên, sau thời hạn này, doanh nghiệp chưa thực hiện khiến người dân tiếp tục tập trung phản ứng.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Thành Chinh, Phó giám đốc Công ty TNHH P.N.T cho biết, sau sự cố hồi tháng tư, ngoài việc chuyển toàn bộ đàn lợn thương phẩm đi nơi khác, doanh nghiệp đã triển khai nhiều biện pháp cải tạo môi trường, như xây dựng thêm nhà chứa phân, cải tạo hầm bioga, kiên cố hệ thống khử mùi và vớt bèo xử lý ô nhiễm trên kênh Hón Măng…
Theo ông Chinh, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về quỹ đất, nguồn vốn nên chưa thể di chuyển đàn lợn nái đi nơi khác. “Đã là chăn nuôi thì không tránh khỏi việc có mùi đặc trưng, chúng tôi đã hạn chế tối đa những tồn tại trước đó và được cơ quan chức năng ghi nhận nỗ lực. Nguyện vọng của doanh nghiệp là tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, thân thiện với môi trường và người dân…”, ông Chinh nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đang giao các ngành Công an, Tài nguyên môi trường và chính quyền huyện Yên Định theo dõi sát sao diễn biến vụ việc, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân nhằm ổn định tình hình.
Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu chủ trang trại tiếp tục thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường, thu gom xử lý chất thải… theo đúng đánh giá tác động môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trang trại nuôi lợn của Công ty P.N.T đi vào hoạt động từ năm 2009 với quy mô đăng ký 1.200 lợn nái giống. Tuy nhiên, sau đó công ty này cơi nới, mở rộng trang trại nuôi thêm gần 5.000 lợn thương phẩm khiến tình trạng quá tải, ô nhiễm xảy ra nghiêm trọng. Sau khi có phản ứng từ người dân hồi tháng 4, doanh nghiệp đã dừng toàn bộ hoạt động nuôi heo thương phẩm và chỉ giữ lại đàn heo nái. |
Lê Hoàng