Trước đó, một phân tích kinh tế của Tổ chức Đối tác thương mại Mỹ cũng chỉ ra rằng tỷ lệ giữa số việc làm trong các ngành liên quan đến chế biến và phân phối tôm và ngành khai thác tôm là 20: 1, cụ thể là có tới 250.000 người lao động Mỹ hiện đang làm việc trong các ngành công nghiệp chế biến và phân phối tôm so với gần 13.000 lao động trong ngành khai thác. Vì vậy, theo tổ chức này, việc giá tôm tăng do thuế nhập khẩu cao sẽ khiến nhiều người lao động Mỹ trong ngành chế biến và phân phối mất việc làm.
Bà Laura Baughman thuộc Tổ chức Đối tác Thương mại cho biết phân tích của họ được dựa trên các thông tin từ Uỷ ban Thương mại Quốc tế (ITC), Cục Thống kê Lao động (BLS), Cục nghề cá biển Quốc gia Mỹ (NMFS) và từ chính những người đâm đơn kiện.
Trong khi đó, tấm bản đồ do CITAC đưa ra cụ thể hoá hơn những thông tin trên, giúp các nhà hoạch định chính sách có cái nhìn rõ ràng về số việc làm được “bảo vệ” so với số việc làm bị mất đi do vụ kiện chống lại tôm nhập khẩu. CITAC cũng chỉ rõ sự chênh lệch quá lớn giữa số lượng việc làm trong các ngành chế biến và phân phối tôm so với số việc làm trong ngành khai thác, sản xuất tôm.
Hiện nay, gần 90% lượng tôm tiêu thụ ở Mỹ được nhập khẩu, trong đó 75% được nhập từ các nước đang nằm trong vụ kiện bán phá giá tôm.
Chủ tịch Hiệp hội Phân phối Hải sản Mỹ Wally Stevens cho rằng không thể coi việc làm trong ngành khai thác tôm quan trọng hơn trong các ngành khác và những người đâm đơn kiện không được phép dựa vào luật tự do thương mại để đe doạ cướp đi việc làm của những người lao động Mỹ. Ông Stevens còn nhấn mạnh vụ kiện này sẽ không giúp ích được gì mà chỉ làm cho tình hình ngành tôm Mỹ càng trầm trọng thêm.
Song Linh