Chờ gần 20 phút tại điểm giao dịch ở đường Lê Văn Lương (Hà Nội) ngày cuối tuần, Đỗ Huyền, 28 tuổi, cho biết cô thuộc diện cần chuẩn hóa sau khi chủ động tra cứu. Dù có thể chỉnh sửa thông tin trên ứng dụng, Huyền vẫn quyết định ra cửa hàng để kiểm tra toàn diện và "đổi một lần cho xong". "Tốn thời gian một chút nhưng hy vọng yên tâm sử dụng vì sim này đã dùng gần 10 năm", cô nói.
Huyền là một trong hàng trăm nghìn người dùng di động trên cả nước đi chuẩn hóa thông tin trong bốn ngày qua.
Sau khi Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo thuê bao có thông tin không khớp cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ bị khóa chiều gọi đi, số lượng người đến các điểm giao dịch tăng vọt. Nhà mạng VinaPhone cho biết tính riêng trong ngày đầu 15/3, khoảng 200.000 khách hàng đã thực hiện việc này, trong đó phần lớn tới cửa hàng làm thủ tục trực tiếp.
Quản lý một điểm giao dịch Viettel tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) không đưa ra con số cụ thể, nhưng cho biết tuần qua, lượng khách hàng đến đây tăng gấp đôi trước đó, 70-80% có mục đích chuẩn hóa thông tin. Không ít người không nhận được tin nhắn từ nhà mạng vẫn chủ động đến kiểm tra, hoặc đổi từ CMND sang CCCD.
Tất cả nhà mạng đều cung cấp công cụ cập nhật thông tin qua website và ứng dụng, nhưng người dùng vẫn tìm đến sự hỗ trợ trực tiếp của các giao dịch viên. "Con cháu cũng hướng dẫn cách đổi qua mạng nhưng tôi thấy phức tạp, muốn đến trực tiếp, nếu trục trặc có thể được hỗ trợ luôn", ông Xuân Hoành, 70 tuổi ở quận Cầu Giấy, nói.
Đi chuẩn hóa dù thông tin đã chuẩn
Tại cuộc họp triển khai ngày 13/3, Cục Viễn thông cho biết chiến dịch lần này chỉ nhằm đảm bảo thông tin thuê bao di động trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Những trường hợp cần chuẩn hóa sẽ nhận được thông báo từ nhà mạng qua tin nhắn trong năm ngày, mỗi ngày một lần.
Thực tế, đại diện các nhà mạng cho biết, nhiều người không nhận được tin nhắn cũng đến làm thủ tục.
Đầu giờ sáng 16/3, tại điểm giao dịch Viettel trên đường Nguyễn Phong Sắc (Hà Nội), hơn 20 khách hàng lấy vé chờ đến lượt. Đa số là người lớn tuổi đến kiểm tra thông tin thuê bao, nếu sai hoặc thiếu sẽ làm thủ tục chỉnh sửa, bổ sung.
Ông Xuân Hoành cho biết không nhận được thông báo, nhưng số điện thoại của ông đăng ký bằng giấy CMND cũ và sợ bị khóa vì đã đổi sang CCCD. Bà Huệ Tuyết ở Đống Đa cũng nói do sim đang sử dụng là con trai mua và đăng ký theo thông tin của anh, bà lo bị khóa vì sim không chính chủ. Tuy nhiên, khi làm thủ tục chỉnh sửa, giao dịch viên yêu cầu hai mẹ con phải cùng đến để tiến hành xác nhận sửa đổi.
Vũ Tiến, ở Bắc Từ Liêm, cũng tranh thủ đợt chuẩn hóa để đổi sang CCCD. Anh cho biết sim đã đăng ký từ lâu nhưng sử dụng CMND. "Đến khi có việc cần làm thủ tục ở Cổng dịch vụ công quốc gia, tôi mới biết là thông tin của số điện thoại phải khớp với số CCCD nên phải đi đổi", anh nói.
Hiện nay, thuê bao đáp ứng đủ ba trường thông tin gồm số giấy tờ, họ tên, ngày sinh trùng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là đã chuẩn hóa, không cần điều chỉnh. Ngược lại, thuê bao có thông tin chưa khớp sẽ nhận được thông báo của nhà mạng và cần thực hiện trước 31/3 để tránh bị khóa một chiều. Để kiểm tra, người dùng có thể truy cập ứng dụng hoặc soạn tin nhắn TTTB gửi 1414.
Trong khi đó, sim không chính chủ, đăng ký bằng CMND nhưng đúng thông tin không nhất thiết chuẩn hóa đợt này. Tuy nhiên, nhà mạng khuyến nghị người dùng nên sử dụng sim với đúng thông tin của mình, sớm cập nhật CMND sang CCCD. Việc này là để đảm bảo quyền lợi, tránh rủi ro pháp lý như sự cố lừa đảo, tranh chấp thuê bao có thể phát sinh. Ngoài ra, sim chính chủ liên kết với số CCCD còn phục vụ quá trình sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến.
Theo thống kê của Cục Viễn thông, Việt Nam hiện có hơn 127 triệu thuê bao di động, trong đó 96% thuộc về ba nhà mạng lớn là VinaPhone, Viettel, MobiFone. Mỗi nhà mạng này đều cho biết họ còn hơn một triệu thuê bao cần chuẩn hóa thông tin.
Minh Hoàng - Lưu Quý