Hơn ba năm trước, anh Trần Nhật Linh (40 tuổi) giao ngôi nhà rộng hơn 100 m2 ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, để thành phố thực hiện công trình bờ kè sông Cần Thơ. Từ đó đến nay, gia đình anh gồm ba người được chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ hỗ trợ mỗi tháng hai triệu đồng, thuê nhà trong hẻm ở phường An Bình sinh sống, chờ cấp nền tái định cư.
"Trước đây có nhà, tôi mở tiệm hớt tóc, có đồng ra đồng vào để nuôi vợ con, còn khi giao mặt bằng đến nay thất nghiệp", anh Linh nói và mong sớm được cấp nền tái định cư để cất nhà, ổn định cuộc sống.
Cùng cảnh khó, chị Trần Thị Diễm Phương (30 tuổi) từ khi giao mặt bằng tại phường An Bình, quận Ninh Kiều cho công trình, cũng phải thuê phòng trọ khoảng 20 m2 tại quận Cái Răng để ở tạm. Ba năm qua, gia đình chị chỉ mong sớm có nền tái định cư cất nhà, thoát cảnh sống chật chội, yên tâm làm ăn.
Trong khi đó, gia đình ông Nguyễn Văn Đỏ, 65 tuổi, có bảy người sinh sống trong căn nhà tạm ở huyện Phong Điền. Ông cho biết, sau khi giao mặt bằng cho chủ đầu tư, không chịu nổi cảnh phòng trọ chật chội, gia đình ông từ quận Ninh Kiều dọn về huyện Phong Điền mua nhà ở tạm, làm thuê kiếm sống qua ngày. Từ đó đến nay, cả nhà ông luôn ngóng chờ tái định cư.
Những hộ dân trên thuộc dự án kè bờ sông Cần Thơ dài hơn 5 km, qua địa bàn các quận Ninh Kiều, Cái Răng và huyện Phong Điền. Công trình có tổng vốn 810 tỷ đồng, từ nguồn ODA do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ và nguồn đối ứng địa phương.
Năm 2016, dự án được phê duyệt, thời hạn thực hiện đến năm 2020, sau khi hoàn thành kỳ vọng giúp ngăn chặn sạt lở, góp phần thay đổi bộ mặt đô thị vùng sông nước Cần Thơ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân công trình chậm tiến độ, đội vốn, đến cuối năm 2021 mới triển khai hơn 38%. Sau đó, dự án được tăng thêm vốn hơn 284 tỷ đồng, thời gian thực hiện kéo dài hết năm 2023.
Người dân phản ánh việc chậm tái định cư khiến cuộc sống gặp khó khăn. Những hộ đã giao mặt bằng, nhận tiền bồi thường nhưng do chưa có nơi tái định cư, phải lấy tiền hỗ trợ để chi dùng, thuê trọ. Đến lúc họ nhận được nền, chi phí xây dựng, vật liệu đội giá, số tiền ít ỏi còn lại khó có thể xây được nhà. Nhiều trường hợp phải bán những suất tái định cư để có tiền chi xài hàng ngày.
Ông Đường Vĩnh Cường (78 tuổi), một trong các hộ dân ảnh hưởng bởi dự án, cho biết nhiều lần thành phố mời họp về tiến độ cấp nền tái định cư, song không lần nào yêu cầu của người dân được giải quyết triệt để. "Các ngành chức năng chỉ hứa sẽ cố gắng sớm cấp đất, giải quyết chế độ cho bà con, nhưng không chốt thời gian cụ thể lúc nào", ông Cường nói.
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ, có 544 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án kè sông Cần Thơ trong diện được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đến nay, gần 330 trường hợp đã nhận được bồi thường, hỗ trợ. Riêng 215 hộ dân thuộc dự án vẫn bị "treo" nền tái định cư nhiều năm qua.
Lý giải việc chậm trễ nói trên, ông Lê Hoàng Đức, Phó ban quản lý dự án và phát triển quỹ đất quận Ninh Kiều, cho biết ban đầu dự án tính lấy quỹ đất ở khu dân cư Cửu Long (quận Bình Thủy) để bố trí cho người dân. Tuy nhiên quá trình thực hiện khu dân cư này gặp nhiều vướng mắc, nên chủ đầu tư tính chuyển tái định qua khu đô thị mới An Bình, quận Ninh Kiều.
"Người dân đã thống nhất bố trí nền đất ở khu vực này, nhưng sau rà soát lại phát sinh nơi đây được quy hoạch xây nhà ở xã hội, không thể bố trí tái định cư", ông Đức nói.
Theo ông Đức, UBND quận Ninh Kiều đã phê duyệt chính sách hỗ trợ tái định cư cho hơn 200 hộ dân. Có hai khu vực bố trí gồm khu tái định cư quận Ninh Kiều, phường An Bình (do UBND quận Ninh Kiều làm chủ đầu tư) và khu tái định cư ở khu đô thị dọc đường Nguyễn Văn Cừ (do Trung tâm Phát triển quỹ đất TP làm chủ đầu tư). Việc bố trí nền tái định cư sẽ triển khai trong tháng 5 này.
Nguyên Anh