Ông Hà Đình Nhiên, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh Sơn La cho biết, trong đợt rét thứ ba kéo dài từ 26/12/2010 đến nay, toàn tỉnh có khoảng 100 con trâu bò tại huyện Mộc Châu và Thuận Châu bị chết.
"Số này chủ yếu là trâu già và bê, nghé, khả năng chống rét kém. Sở Nông nghiệp đã chỉ đạo người dân tuyệt đối không thả rông trâu bò, giữ ấm chuồng trại", ông Nhiên nói.
Tỉnh Lào Cai cũng đã có hơn 40 con trâu bò chết, chủ yếu ở huyện Mường Khương, một số ở Si Ma Cai. Tỉnh Yên Bái có khoảng 30 con trâu bò chết rét, chủ yếu ở huyện Trạm Tấu, Văn Chấn và Mù Căng Chải.
Người dân ở huyện Sapa (Lào Cai) lùa đàn trâu xuống vùng thấp để tránh giá rét. Ảnh: Mã Anh Lâm. |
Ông Ma Quang Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai cho biết, rút kinh nghiệm từ đợt rét đầu năm 2008 làm 19.000 trâu bò bị chết, tỉnh đã có chỉ đạo từ đầu mùa đông.
Theo đó, các huyện phải vận động người dân đưa trâu bò về nhà, không thả rông trong rừng; những hộ nghèo được hỗ trợ mua bao tải dứa về che chắn chuồng trại để chống gió lùa; tại những huyện vùng cao, người dân được khuyến khích lùa gia súc xuống vùng thấp, khuất gió để tránh rét.
"Đặc biệt, tỉnh đang nhân rộng mô hình làm chuồng gia súc bằng đất. Vừa rồi chúng tôi đã cho làm thí điểm 100 chuồng như vậy ở các huyện Sapa, Bắc Hà, Si Ma Cai, thấy hiệu quả rất tốt. Các biện pháp này đã hạn chế tối đa thiệt hại do giá rét", ông Trung nói.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung, rét đậm rét hại sẽ kéo dài đến ngày 20/1 vì khoảng 14-15/1 và 17- 18/1 sẽ có thêm 2 đợt không khí lạnh tăng cường liên tiếp xuống miền Bắc.
Đầu năm 2008, miền Bắc đã trải qua đợt rét đậm, rét hại kéo dài 38 ngày làm 52.000 trâu bò chết tập trung phần lớn ở các tỉnh Đông Bắc, thiệt hại khoảng 180 tỷ đồng. Thủ tướng đã phải gia hạn thời gian trả nợ cho những hộ dân vay vốn các ngân hàng thương mại nhà nước để chăn nuôi.
Hồng Khánh - Tuệ Lâm