Theo Tổng cục Thống kê, tính đến 1/5, chỉ số tồn kho của các doanh nghiệp tăng 29,4% so với cùng kỳ. Chỉ số này đã giảm liên tiếp trong vòng 3 tháng qua nhưng vẫn cao hơn nhiều so với con số 19,3% của giai đoạn cuối năm 2011.
![]() |
Chỉ số tồn kho và tiêu thụ khu vực chế biến chế tạo 5 tháng đầu năm. Đơn vị: %. Nguồn: GSO |
Sức tiêu thụ một số mặt hàng đầu vào quan trọng cho xây dựng, nông nghiệp đã bắt đầu có xu hướng tăng. Cụ thể, tồn kho xi măng - vôi vữa giảm liên tiếp, từ mức tăng 72,7% hồi đầu tháng một xuống còn 42,3% tại thời điểm này. Sắt thép, từ mức 59,1% vào tháng 3, cũng được đưa ra khỏi danh sách các mặt hàng tồn kho nhiều trong vòng 2 tháng qua (riêng tồn kim loại đúc sẵn giảm từ 101,5% hồi tháng 4 xuống còn 62,8% trong tháng 5).
Với nông nghiệp, tồn kho phân bón và các hợp chất nitơ giảm mạnh từ gần 72% tại thời điểm 1/2 xuống còn chưa đến 40% trong tháng 5. Tuy vậy, các sản phẩm chế biến - bảo quản rau quả lại tăng mạnh lên hơn 123% vào thời điểm này, so với mức trên 80% hồi đầu tháng 2.
Trên thực tế thì thực trạng tồn kho các doanh nghiệp đã được cơ quan thống kê cảnh báo từ tháng 3, khi chỉ số này tăng lên mức 34,9%, trong khi con số của cùng kỳ chỉ chưa đầy 20%. Các mặt hàng được lưu ý tại thời điểm đó là: chế biến - bảo quản rau quả, thuốc lá, xi măng - vôi vữa, giày dép, xe có động cơ…
Cùng với tồn kho thì chỉ số tiêu thụ tại khu vực chế biến - chế tạo hiện cũng “giậm chân tại chỗ” trong vòng 2 tháng qua với mức tăng 3,5% so với cùng kỳ (con số của 5 tháng đầu năm 2011 là 17%). Tuy nhiên, mức bán hàng này cũng đã được cải thiện đáng kể so với mức -17% hồi đầu tháng 2.
Theo đánh giá của Chính phủ thì cùng với khó tiếp cận vốn, vấn đề tồn kho nhiều - sức tiêu thụ chậm đang là một trong những trở ngại lớn nhất, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tình hình tài chính của doanh nghiệp hiện nay, dẫn đến tình trạng nợ đọng thuế. Theo báo cáo của Tổng cục Thuế gửi Bộ Tài chính, tổng số nợ thuế của các doanh nghiệp trong quý I/2012 lên tới gần 38.000 tỷ đồng, trong đó có gần 5.000 tỷ thuộc về các doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, bỏ trốn hoặc mất tích.
Nhật Minh