Shimamura có một công thức rất đơn giản để bán được quần áo khi nền kinh tế Nhật Bản đang ì ạch. Việc này đã giúp tăng trưởng lợi nhuận hoạt động của chuỗi bán lẻ quần áo lớn nhì Nhật Bản này vượt đối thủ lớn hơn - Fast Retailing (công ty mẹ Uniqlo) trong 5 quý vừa qua.
Họ không tuyển nhà thiết kế thời trang hay người mẫu là người nổi tiếng. Hầu hết cửa hàng trong hệ thống 2.000 chi nhánh đặt gần khu dân cư, thay vì khu mua sắm cao cấp. Hàng hóa của họ - từ những chiếc áo cardigan 10 USD đến quần skinny 8 USD - chủ yếu được làm bởi các nhà sản xuất giá rẻ nước ngoài.
"Chúng tôi không đánh bạc, chúng tôi đi thẳng vào mảng mình có thể thắng và làm những việc mình am hiểu", Chủ tịch công ty - Masato Nonaka cho biết trên Bloomberg, "Đó là chính sách nền tảng của công ty chúng tôi".
Chiến lược này đặc biệt thành công, giúp doanh thu của họ tại Nhật Bản tăng mạnh, bất chấp chi tiêu hộ gia đình tại nước này giảm liên tục 11 trong 12 tháng, tính đến hết quý III năm nay. Còn chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã đi xuống 7 tháng liên tiếp.
Cổ phiếu Shimamura một năm qua chỉ giảm 3,1%, thấp hơn nhiều so với 15% của Fast Retailing. Doanh thu của hãng tăng trung bình 6,2% trong 3 quý vừa qua, cao hơn so với 5,4% của Fast Retailing.
Dĩ nhiên, doanh thu hằng năm của Fast Retailing vẫn lớn gấp 3 lần. Chủ tịch Tadashi Yanai cho biết đại gia bán lẻ này sẽ chuyển sang "mức giá thấp nhất có thể" tại các cửa hàng bán đồ mặc thường ngày của Uniqlo. Họ cũng chọn thương hiệu bình dân GU làm cột trụ tăng trưởng thứ hai.
Những hãng thời trang Nhật Bản chọn người trẻ làm khách hàng mục tiêu đang gặp khó, do dân số ở đây ngày một già đi. Trong khi đó, chi phí kết nối dữ liệu trên điện thoại ngày càng tăng, khiến ngân sách dành cho thời trang của giới trẻ cũng giảm, Nonaka cho biết. "Tuy nhiên, một công ty bán hàng hóa giá rẻ như chúng tôi thì ít chịu ảnh hưởng", ông nói.
Shimamura mở cửa hàng đầu tiên tại Tokyo năm 1978, sau khi thành lập tại Saitama năm 1953. Thập niên 90, họ ngày càng có nhiều cửa hàng trên khắp Nhật Bản. Đến cuối năm ngoái, hãng đã có 2.000 cơ sở.
Việc này đã làm tăng thị phần của Shimamura tại Nhật Bản lên 4%, nhưng vẫn sau Fast Retailing với 12%, Euromonitor International cho biết.
"Fast Retailing cách xa chúng tôi quá, như là trên trời ấy. Và chúng tôi cũng chỉ là một công ty bình thường thôi. Chúng tôi không thể copy họ, mà phải hoạt động theo cách của riêng mình", Nonaka cho biết.
Lợi nhuận hoạt động của Shimamura đã tăng 46% lên 16,7 tỷ yen trong 6 tháng, tính đến hết 20/8. Trước đó, họ chỉ dự báo 14,8 tỷ yên. Hãng ước đoán lợi nhuận hoạt động cả năm nay đạt 46,2 tỷ yen - tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhà đầu tư và giới phân tích cũng cho biết Shimamura và đối thủ Uniqlo rất khác nhau. "Họ khác cả ở những việc đã làm và những gì đang muốn làm. Trong khi Uniqlo có doanh số quốc tế chiếm tỷ lệ lớn, Shimamura chủ yếu hoạt động nội địa", Dairo Murata - nhà phân tích tại JP Morgan Securities nhận xét.
2 năm trước, Shimamura đã số hóa hệ thống quản lý tồn kho. Hiện họ sử dụng thuật toán để quyết định việc giảm giá hàng hóa. Dù vậy, công ty vẫn chưa bán hàng online. Và hơn chục cửa hàng của họ tại Trung Quốc vẫn đang chật vật tồn tại suốt 4 năm qua, do thiếu nhận diện thương hiệu.
Trái lại, Uniqlo lại đang tăng mở rộng ở nước ngoài, nâng số cửa hàng quốc tế lên 958, tính đến cuối tháng 8.
"Chúng tôi vẫn gặp khó khăn tại Trung Quốc. Chúng tôi không có sức mạnh thương hiệu và sẽ đóng cửa các cơ sở không hoạt động tốt", Nonaka cho biết. Thay vào đó, Shimamura đang tìm cách thâu tóm đối thủ trong những mảng mình còn thiếu. "Chúng tôi sẽ tránh rủi ro hết mức có thể trong quá trình mở rộng hoạt động", Nonaka cho biết. Năm 2009, công ty này đã mua lại 2 hãng bán lẻ Tawaraya và Avail.
Còn hiện tại, họ vẫn rất hài lòng với việc doanh thu tăng sau mùa hè. "Tôi chỉ có thể nói là 'tốt' mà thôi. Tôi không thể ngừng mỉm cười khi sự thật là chúng tôi vẫn đang bán rất chạy".
Hà Thu (theo Bloomberg)