Trận chung kết vừa diễn ra là cuộc đọ sức giữa Stan Wawrinka và Novak Djokovic. Trong khi Wawrinka mặc đồ thi đấu của Yonex, Djokovic lại được tài trợ bởi Uniqlo. Góp mặt trong các trận bán kết còn có một vận động viên khác mặc đồ Uniqlo - Kei Nishikori, và Gael Monfils - mặc đồ Asics - cũng là một thương hiệu Nhật Bản.
Trong hệ thống giải Grand Slam năm nay, các thương hiệu Nhật Bản áp đảo đối thủ phương Tây. Họ tài trợ trang phục cho 7 vận động viên tham gia các trận bán kết, nhiều hơn cả Nike, Adidas và New Balance cộng lại.
Marketing đã giúp họ tăng doanh thu toàn cầu và bù đắp lại ảnh hưởng của dân số già và nền kinh tế ì ạch tại Nhật Bản. Uniqlo giờ còn có nhiều cửa hàng ở nước ngoài hơn Nhật Bản. Còn đối thủ đồng hương của họ - Yonex cũng có doanh thu tại quê nhà tăng liên tục từ 2012, sau 3 năm liên tiếp đi xuống. Doanh thu từ thị trường quốc tế năm ngoái cũng gấp đôi, lên 23,5 tỷ yên (230 triệu USD).
Dĩ nhiên, việc các thương hiệu Nhật Bản thống trị Grand Slam năm nay còn do Nike không may mắn. Từ năm 2005 đến 2015, hai tay vợt Roger Federer và Rafael Nadal mà họ tài trợ đều thống trị các giải tennis. Nhưng năm nay, Federer đã hủy tham gia hàng loạt giải do vấn đề sức khỏe. Còn Nadal cũng dừng chân tại vòng 4 giải Mỹ mở rộng.
Sự vượt lên của Djokovic và gần đây là Nishikori chính là cú hích cho Uniqlo. Năm 2012, họ đã ký hợp đồng 5 năm với Djokovic, sau khi ký với Nishikori một năm trước đó.
"Nishikori đã nâng tầm thương hiệu cho chúng tôi. Cậu ấy còn phản hồi về những loại trang phục mình đang mặc. Và chúng tôi đã chỉnh sửa chúng trong các thiết kế về sau", Naoto Miyazawa - người phát ngôn của Fast Retailing – công ty sở hữu thương hiệu Uniqlo cho biết.
Bob Dorfman - Giám đốc sáng tạo tại Baker Street Advertising nhận xét sự hiện diện này rất quan trọng. "Là tân binh trong lĩnh vực cung cấp trang phục thi đấu tennis, việc này chắc chắn sẽ giúp các thương hiệu Nhật Bản nổi tiếng với những khán giả trung thành".
Hà Thu (theo Bloomberg)