Nằm sâu trong khu rừng Kętrzyn của Ba Lan có một tàn tích đổ nát từng là sở chỉ huy bí mật của trùm phát xít Adolf Hitler được biết đến với cái tên "Hang sói". Khu phức hợp này bao gồm 5 boongke và 70 doanh trại với hai sân bay và một nhà ga xe lửa gần đó.
Hitler đã dành hơn 850 ngày ở Hang sói, nơi ông ta đưa ra các chiến lược chiến tranh ngày càng rời rạc, tạo ra những chia sẽ sâu sắc ngay bên trong hàng ngũ chỉ huy của mình.
Hang sói, hay "Wolfsschanze", bắt đầu được xây dựng vào cuối năm 1940 và hoàn thành vào ngày 21/6/1941. Tại thời điểm này, đội quân của Hitler đã xâm lược Tiệp Khắc, Ba Lan, Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg và Pháp.
Một ngày sau khi phát động Chiến dịch Barbarossa, cuộc xâm lược của ba triệu quân Đức Quốc xã nhằm vào Liên Xô, Hitler chuyển tới Hang sói và biến nó thành trung tâm chỉ huy các hoạt động của Đức Quốc xã trên Mặt trận phía Đông.
Nơi này được bao quanh bởi những bức tường bê tông cốt thép dày hai mét cùng nhiều ụ pháo phòng không. Hầm trú ẩn riêng của Hitler có trần dày gần 8 mét.
Hitler hầu như chỉ đạo mọi hoạt động trên tất cả các mặt trận từ Hang sói, nơi được trang bị mọi tiện nghi mà ông ta cần, bao gồm cả tiệm cắt tóc, nhà hàng hay thậm chí sòng bạc.
Không phải rời khỏi boongke là yêu cầu tối quan trọng với Hitler bởi ông ta ngày càng trở nên hoang tưởng và thất thường trong quãng thời gian này, đặc biệt là sau khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng, buộc Hitler phải tuyên chiến với Mỹ do Đức Quốc xã có liên minh với Nhật.
Hang sói có khoảng 2.000 người lưu trú, từ các quan chức cấp cao và binh lính đến nhân viên phục vụ, những người bị ép phải nếm thử các bữa ăn chay của Hitler để phát hiện chất độc trước khi ông ta thưởng thức chúng.
Theo Margot Wölk, nhân viên từng phục vụ tại Hang sói, "nhiều cô gái đã bật khóc khi nếm thử thức ăn bởi họ quá sợ hãi. Chúng tôi phải ăn, sau đó chờ khoảng một tiếng. Đôi lúc, chúng tôi ứa nước mắt bởi quá vui mừng vì mình còn sống".
Nhưng có một kế hoạch khác diễn ra ở Hang sói mà Hitler không hay biết.
Năm 1944, đại tá Claus von Stauffenberg, một trong những sĩ quan cấp cao nhất của Hitler, đã vỡ mộng trước ham muốn quyền lực không thể kiềm chế của Quốc trưởng.
Giống như Stauffenberg, nhiều sĩ quan Đức Quốc xã khác cũng trở nên cảnh giác trước những quyết định của Hitler. Họ quyết định cùng Stauffenberg thực hiện âm mưu ám sát Hitler và đưa Quân đoàn Dự bị vào kiểm soát thủ đô Berlin.
Kế hoạch ám sát, với mật danh "Chiến dịch Valkyrie" hay "Âm mưu 20/7", được hình thành dựa trên những am hiểu tường tận của Stauffenberg về Hang sói. Ngày 20/7/1944, đại tá này giấu một quả bom trong valy và tới dự một cuộc họp ở Hang sói.
Tuy nhiên, ngay trước khi kíp nổ hẹn giờ kích hoạt, chiếc valy của Stauffenberg vô tình bị đẩy qua vị trí khác, làm chệch hướng vụ nổ và Hitler thoát chết.
Âm mưu bị vạch trần, Stauffenberg bị hành quyết ngay ngày hôm sau. Ông đã hét lên "Nước Đức tự do muôn năm" ngay trước lúc bị xử tử. 4 tháng sau, Hồng quân Liên Xô tiến vào Mặt trận phía Đông, buộc Hitler phải chạy khỏi Hang sói vào ngày 20/11/1944.
Dù Hitler đã ra lệnh đặt mìn phá hủy Hang sói vào tháng 1/1945, nhiều boongke tại đây không bị ảnh hưởng vì quá vững chắc.
Chỉ mất một tuần để phát xít Đức đầu hàng sau khi Hitler tự tử tại hầm trú bom Führerbunker ở Berlin ngày 30/4/1945. Hang sói bị bỏ hoang trong lúc thế giới xây dựng lại sau chiến tranh. Bị rêu phong bao phủ, nó sau cùng trở thành một khu chơi trò bắn súng sơn tạm bợ và một điểm du lịch không được kiểm soát mà giám đốc Bảo tàng Khởi nghĩa Warsaw Joanna Berendt gọi là "Disneyland kỳ cục".
Năm 2017, Cục Kiểm lâm Ba Lan tiếp quản khu vực và lắp đặt thêm các bảng thông tin cùng hướng dẫn du lịch phù hợp với từng địa điểm lịch sử tại Hang sói.
Ngày nay, phòng họp nơi diễn ra vụ ám sát hụt Hitler vẫn được bảo tồn, hàng loạt hiện vật vẫn tiếp tục được phát hiện ở đây. Mãi tới năm ngoái, người ta mới tìm thấy những cánh cửa bọc thép, cầu thang lên boongke của Hitler và một phiến đá khắc biểu tượng của tiểu đoàn bảo vệ ông ta.
Mỗi năm có khoảng 300.000 lượt khách chi trả 4 USD tiền vé mỗi người để tìm hiểu về lịch sử của Hang sói. Tuy nhiên, một số nhà phê bình không muốn nơi này trở thành một địa danh lịch sử vì lo sợ rằng nó có thể trở thành nơi quy tụ những người theo chủ nghĩa phát xít mới. Dù vậy tới nay, vai trò chủ đạo của Hang sói vẫn chỉ là phục vụ cho mục đích giáo dục.
Vũ Hoàng (Theo Allthatsinteresting.com)