Dân Hà Nội không lạ gì các khu phố chuyên bán hàng thùng - hay còn gọi bằng tên khác như "hàng second-hand", hàng "sida" - Phạm Ngọc Thạch, Đào Duy Anh, Kim Liên, Tôn Đức Thắng, Thợ Nhuộm hay chợ Hàng Da. Ở những khu vực này, đặc biệt là Kim Liên, hàng thùng được bày bán la liệt từ vỉa hè tới cửa hàng. Chỉ cần dừng xe, khách có thể sà ngay xuống sạp hàng đủ loại, từ quần áo bò cho tới những chiếc áo phông hay những chiếc váy, đầm...
Ngày nào cũng vậy, hầu hết những nơi này đều rất đông khách. Giới trẻ, đặc biệt là sinh viên ở Hà Nội rất hay tới thăm khu vực Kim Liên hay Phạm Ngọc Thạch để kiếm hàng. Hương - một sinh viên trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội đang thử đồ tại một cửa hàng second-hand trên phố Kim Liên cho biết: "Em rất thích mua quần áo ở những hàng thùng như thế này bởi nó rẻ lại cũng khá đẹp. Nếu tinh mắt và chịu khó một chút sẽ chọn được những chiếc áo "độc" mà chỉ một mình mình có".
Khác với những hàng thùng tương đối đại trà như ở phố Kim Liên, hay Thợ Nhuộm, hàng thùng ở chợ Hàng Da lại phù hợp hơn với giới sành điệu bởi đồ ở đây khá "độc". Có những món hàng với thương hiệu rất nổi tiếng mà nếu mua mới nhiều người không dám mơ tới. Cũng vì lý do này nên hàng thùng ở chợ Hàng Da là địa chỉ quen thuộc với giới người mẫu. Đến đây người ta có thể mua được những chiếc quần jeans nổi tiếng với giá lên tới hàng triệu đồng mà nếu không phải "dân chơi" thì khó đành lòng bỏ tiền ra mua.
Thơm, chủ một cửa hàng quần áo second-hand hạng 3 trên đường Nguyễn Trãi, TP HCM cho biết, 2 tuần một lần, cô tìm đến một đầu nậu chuyên khai thác đường dây mang hàng từ Campuchia qua cửa khẩu Châu Đốc (An Giang) về Sài Gòn - để lấy hàng. Muốn chọn được hàng "độc", cô phải có mối quan hệ rất tốt với chủ hàng, dặn dò trước và là một trong những người được lựa hàng đầu tiên.
![]() |
Ở Hà Nội có những con phố chuyên bán hàng thùng. Ảnh: Anh Tuấn |
Trao đổi với VnExpress, Toàn, một trùm đầu nậu hàng quần áo sida chuyên đi cửa khẩu Mộc Hóa cho biết, thông thường anh ta mua hàng tại các chợ trời Campuchia, gần biên giới càng tốt để tiết kiệm chi phí chuyên chở. Tùy may rủi, Toàn nhìn và chọn những kiện hàng lớn, mua bao nguyên hàng kiện thì giá mới rẻ, về bán càng có lời. Nếu may, kiện hàng sẽ toàn đồ xịn, mang về bán giá rất cao. Còn xui, chắc chắn kiện hàng xứng đáng để làm giẻ lau nhà, hoặc tốt lắm thì chỉ có thể bán được theo kiểu hàng đổ đống với 5.000-10.000 đồng/chiếc.
Mua xong, Toàn không thể tự mang về Việt Nam được mà phải thuê một đường dây vận chuyển qua cửa khẩu với giá trót lọt 100.000-200.000 đồng/kiện hàng. Thông thường chỉ sau 1 buổi là Toàn đã có thể nhận hàng tại Tây Ninh, từ đây mang về Sài Gòn phân loại để giao cho khách hàng.
Theo Toàn, bung một kiện hàng ra, đầu tiên phải chọn nước 1, tức là hàng cực kỳ tốt, đẹp, hợp thời trang để cung cấp cho các fashion ở những trung tâm thời trang. Tính ra, nếu xô nguyên kiện thì giá bình quân chỉ vài chục nghìn đồng mỗi chiếc là cao nhất, nhưng hàng tuyển khi giao cho các shop giá tăng lên gần 100.000 đồng/chiếc. Đến khi hàng đến tay người tiêu dùng, giá được đẩy lên 200.000-500.000 đồng/chiếc là thường, trong khi người mua cứ đinh ninh là được sở hữu quần áo thời trang mới 100%.
Quần áo nước thứ 2 sẽ được đưa vào các cửa hàng chuyên bán sida ở đường Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trãi, Nguyễn Cảnh Chân. Giày dép, túi xách "nghĩa địa" sẽ tập trung về khu vực chợ Tân Định, quận 1, một số cửa hàng ở đường Nguyễn Trãi. Nước thứ 3, 4 xứng đáng được treo bán ở các cửa hàng sida nhỏ khác. Những mặt hàng thuộc cơ hội lựa chọn sau cùng dạt về các điểm bán hàng đổ đống ở chợ, khu phố.
Gần đây, TP HCM lại rộ lên phong trào mua hàng máy tính laptop, mắt kính "nghĩa địa" từ Campuchia về. Khiêm, một đầu mối chuyên đi hàng laptop sida về cung cấp cho các công ty kinh doanh máy vi tính, cơ sở sửa chữa máy tính, cho biết, các chợ "nghĩa địa" nằm cạnh biên giới Cam - Việt chuyên đổ đống kinh doanh hàng này. Khiêm chỉ cần đến, chọn hàng, trả giá, trả tiền, đối tác Campuchia sẽ có trách nhiệm đưa hàng qua biên giới. Theo Khiêm, việc chung chi ở cửa khẩu Campuchia dễ dàng hơn cửa khẩu Việt Nam, nếu quen biết thì mọi việc đều trót lọt.
Phố Lê Thanh Nghị ở Hà Nội cũng nổi tiếng với mặt hàng máy tính cũ. Cả một khu phố có tới hàng chục cửa hàng chuyên kinh doanh mặt hàng này. Khách hàng chủ yếu là những sinh viên và cán bộ với đồng lương không được "xông xênh" cho lắm. Ngày nào cũng vậy, từ sáng đến tối, khách cứ nườm nượp vào ra. Nếu mua một bộ máy tính mới mất khoảng 7-8 triệu thì tới đây, chỉ cần 3-4 triệu là có thể sở hữu một chiếc máy cũng không đến nỗi tồi. Để thu hút khách, các cửa hàng còn sử dụng công nghệ Internet - giới thiệu hàng trên mạng thông qua các trang web chuyên về hàng điện tử cũ.
Trao đổi với VnExpress, Chi cục trưởng Quản lý thị trường TP HCM Huỳnh Tấn Phong thừa nhận rất khó kiểm soát được tình hình nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán mặt hàng sida trên địa bàn thành phố vì chủ yếu là hàng tiểu ngạch. Trước đây, Chi cục cũng đã tổ chức một vài cuộc kiểm tra các bãi rác điện tử, máy tính được đưa về từ Campuchia tại huyện Bình Chánh. Tuy nhiên việc kiểm tra, xử lý cũng chỉ làm vài lần rồi quên lãng. Ông Phong cũng "đá trái bóng" trách nhiệm quản lý về cho hải quan các cửa khẩu, vì cho rằng phải thắt chặt kiểm tra, kiểm soát ngay tại cửa khẩu.
Trong khi đó, Quyền cục trưởng Cục quản lý thị trường Nguyễn Hùng Dũng cũng cho biết, Cục chỉ làm công tác quản lý về mặt chuyên môn, việc quản lý cụ thể được giao cho các địa phương. Ông Dũng cũng thừa nhận là hiện nay, các chi cục mới chỉ tập trung kiểm tra đối với các mặt hàng thuộc danh mục hàng nhạy cảm như rượu, thuốc lá...chứ chưa thực sự quan tâm tới mặt hàng giày dép, quần áo hay điện tử cũ.
Thực tế này được một cán bộ của Chi cục hải quan tỉnh An Giang minh chứng khi cho biết, công an cửa khẩu Châu Đốc chủ yếu kiểm soát chặt các mặt hàng lậu như rượu, thuốc lá, tân dược... chứ chưa làm gắt gao đối với hàng tiêu dùng. Vị cán bộ này cũng thừa nhận rất khó quản lý được việc nhập khẩu tiểu ngạch các mặt hàng tiêu dùng sida. "Sắp tới, chúng tôi sẽ thắt chặt việc kiểm tra các mặt hàng tiêu dùng hơn nữa, nhưng chỉ sợ không đủ người, đủ lực", ông ta cho biết.
Theo ông Lê Văn Tới, Chi cục trưởng hải quan Quảng Trị, hàng lậu tràn sang VN bằng rất nhiều đường, trong khi đó, lực lượng phòng chống lại mỏng nên việc kiểm soát chỉ được một mức độ nào đó.
Hà Vy - Phan Anh