Khi một loạt quốc gia gấp rút đóng biên với Anh tuần này để lập "hàng rào" ngăn chặn chủng nCoV mới, các động thái gợi lại ký ức về cách thế giới phản ứng khi nCoV bắt đầu xuất hiện trên diện rộng vào mùa xuân. Hầu hết những lệnh đi lại ban đầu đó đến quá muộn, được đưa ra sau khi virus đã lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng.
Lần này, khi các quốc gia đang cố gắng ngăn chặn sự lây lan của chủng nCoV mới được phát hiện tại Anh, các biện pháp đóng biên cũng có thể đã quá muộn. Các chuyên gia cho biết chưa rõ chủng mới này đã lây lan đến mức nào và các lệnh cấm đi lại có nguy cơ gây ra nhiều khó khăn hơn về kinh tế và tâm lý.
"Thật là ngớ ngẩn", Tiến sĩ Peter Kremsner, Giám đốc Bệnh viện Đại học Tübingen ở Đức, nói. "Nếu chủng mới chỉ xuất hiện ở Anh thì việc đóng biên với Anh mới có ý nghĩa. Nhưng nếu nó đã lan rộng thì chúng ta phải chiến đấu với chủng mới ở khắp mọi nơi".
Ông nhấn mạnh rằng giới khoa học mới chỉ có hiểu biết hạn chế về chủng mới và mức độ nguy hiểm của nó còn chưa rõ ràng. Ông mô tả quan điểm cho rằng chủng mới chưa phổ biến rộng rãi ở bên ngoài nước Anh là "ngây thơ".
Hans Kluge, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, nói rằng các quốc gia thành viên sẽ cố gắng đưa ra cách tiếp cận nhất quán đối với bất kỳ mối đe dọa nào do chủng mới gây ra. Ông viết trên Twitter: "hạn chế đi lại để ngăn chặn lây lan là biện pháp thận trọng cho đến khi chúng ta có thông tin tốt hơn". Nhưng ông nhấn mạnh "không ai an toàn cho đến khi mọi người đều an toàn".
Khi ngày càng có nhiều lời kêu gọi Washington theo chân các quốc khác đóng biên với Anh, Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, khuyến cáo nên thận trọng và nói rằng nhiều khả năng chủng mới đã đến Mỹ.
"Tôi không nghĩ kiểu tiếp cận khắc nghiệt đó là cần thiết", ông nói hôm 21/12. "Tôi nghĩ chúng ta nên xem xét nghiêm túc phương án yêu cầu người đi từ Anh làm xét nghiệm trước khi lên máy bay đến Mỹ".
Thống đốc New York Andrew M. Cuomo cho biết British Airways, Delta Air Lines và Virgin Atlantic đã đồng ý yêu cầu hành khách phải trình kết quả xét nghiệm âm tính trước khi lên chuyến bay từ Anh đến New York. Do không có quy định liên bang nào được đưa ra, lãnh đạo các bang và địa phương khác cũng đang kêu gọi các biện pháp tương tự trước cao điểm đi lại vào dịp nghỉ lễ.
Nhiều quốc gia đã yêu cầu hành khách phải có kết quả xét nghiệm âm tính mới được nhập cảnh, nhưng việc đóng biên là một phương án gay gắt hơn. Ủy ban châu Âu đã kêu gọi các thành viên EU dỡ bỏ lệnh cấm đối với Anh để việc đi lại vì mục đích thiết yếu có thể diễn ra. Nhưng hiện tại, các quốc gia dường như thích đặt ra quy tắc của riêng mình hơn.
Tối 22/12, Pháp nới lỏng lệnh đóng biên mà họ áp đặt hôm 20/12, đã khiến hơn 1.000 tài xế xe tải mắc kẹt. Giờ họ cho phép một số nhóm người có thể nhập cảnh nếu họ làm xét nghiệm nCoV gần đây.
Tình hình đang làm chao đảo ngành du lịch vốn đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch, buộc hàng triệu người phải thay đổi kế hoạch kỳ nghỉ và càng làm tăng thêm lo lắng vào cuối một năm vốn đã quá ảm đạm.
Trong khi đó, một chủng nCoV khác đang gây lo ngại khi nó lây lan ở Nam Phi. Ít nhất 5 quốc gia gồm Đức, Israel, Arab Saudi, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng biên với Nam Phi.
Thụy Điển đã dừng cho người đi từ Đan Mạch nhập cảnh sau khi chủng nCoV mới ở Anh được phát hiện ở đây. Arab Saudi thậm chí còn đi xa hơn, đình chỉ tất cả chuyến bay quốc tế đến nước này trong ít nhất một tuần.
Chủng mới ở Nam Phi đã trở thành chủ đề thu hút nhiều nghiên cứu sau khi các bác sĩ phát hiện ra những người nhiễm nó có tải lượng virus cao hơn trong đường hô hấp trên. Đối với nhiều bệnh do virus gây ra, điều này đồng nghĩa với việc có triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Vì chưa rõ mức độ lây lan của hai chủng mới này, không thể đánh giá tác động của những nỗ lực "cách ly" Anh và Nam Phi trong việc kiềm chế virus.
Hơn nữa, còn một nguyên nhân khác cần chú ý là Anh vốn có nỗ lực giám sát gene hàng đầu thế giới, nên việc phát hiện chủng mới ở Anh là điều dễ hiểu, trong khi nó có thể không được phát hiện nếu xuất hiện ở nước khác.
Anh đã giải mã trình tự khoảng 150.000 bộ gene nCoV trong nỗ lực xác định các đột biến, chiếm một nửa dữ liệu bộ gene của thế giới về nCoV, Sharon Peacock, giám đốc của Covid-19 Genomics U.K. Consortium, giáo sư vi sinh vật học tại Đại học Cambridge, cho biết. "Vì vậy, nếu xuất hiện thứ gì mới, có lẽ bạn sẽ tìm thấy nó ở Anh trước tiên".
Ở xứ Wales, nơi có ba triệu dân, các nhà di truyền học tuần trước giải mã nhiều trình tự gene nCoV hơn so với các nhà khoa học ở Pháp, quốc gia 67 triệu người, đã thực hiện kể từ khi đại dịch bắt đầu, Thomas Connor, giáo sư chuyên nghiên cứu về biến đổi mầm bệnh tại Đại học Cardiff, nói.
"Có khả năng các biến chủng tương tự đang xuất hiện trên khắp thế giới", ông nhận định. "Có thể có những biến chủng đang xuất hiện ở những nơi khác và lây lan cục bộ mà không bị phát hiện".
Giới chức Anh cho biết họ phát hiện những ca nhiễm chủng nCoV mới đầu tiên ở Kent, đông nam nước Anh, vào ngày 20/9. Đến tháng 11, khoảng 1/4 trường hợp ở London liên quan đến chủng mới. Chỉ vài tuần sau, nó được cho là nguyên nhân gây ra gần 2/3 trường hợp ở Vùng đô thị Đại London.
Điều đó có nghĩa là đến thời điểm Thủ tướng Boris Johnson phát biểu tối 19/12 để thông báo các biện pháp phong tỏa mới với hàng triệu người ở và xung quanh London, chủng này đã lan rộng trong nhiều tháng.
Giới chức Pháp và Đức hôm thứ 22/12 thừa nhận chủng mới có thể đã lây lan ở nước mình. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu cho biết một số trường hợp nhiễm chủng mới đã được phát hiện ở Đan Mạch, Iceland và Hà Lan. Giới chức y tế ở Australia và Italy đã báo cáo các trường hợp người đến từ Anh nhiễm nCoV dù chưa rõ có phải là chủng mới hay không.
Những người ủng hộ lệnh đóng biên cho rằng chúng có thể giúp giữ cho trường hợp nhiễm chủng mới thấp hơn. "Các con số là vấn đề quan trọng", Emma Hodcroft, nhà nghiên cứu tại Đại học Bern ở Thụy Sĩ, viết trên Twitter. Số người nhiễm chủng mới ở châu Âu có thể vẫn còn ít. Với các biện pháp xét nghiệm, truy vết tiếp xúc, nhận diện và hạn chế, chúng ta có thể ngăn virus lây lan thêm".
Nếu chủng mới được chứng minh là dễ lây lan hơn và đã xuất hiện trên diện rộng, nó có thể làm phức tạp các nỗ lực tiêm chủng toàn cầu. Ugur Sahin, người đồng sáng lập BioNTech, cảnh báo rằng sẽ mất hai tuần trước khi kết quả từ các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cung cấp cái nhìn đầy đủ về cách các đột biến có thể thay đổi hiệu quả của vaccine. "Chúng tôi tin rằng không có lý do gì để lo ngại cho đến khi chúng tôi có được dữ liệu", ông nói.
Sahin nói trong một cuộc họp báo hôm 22/12 rằng nếu cần chỉnh sửa vaccine để đối phó chủng mới thì họ có thể hoàn thành trong 6 tuần, nhưng họ sẽ cần phải xin các cơ quan quản lý cấp phép thêm và điều đó có thể làm tăng thời gian chờ đợi.
Ông cũng nói rằng nếu virus trở nên mạnh hơn, mục tiêu đạt được mức độ miễn dịch cần thiết để chấm dứt đại dịch sẽ trở nên khó khăn hơn. "Nếu virus trở nên mạnh hơn thì chúng ta có thể cần tỷ lệ tiêm chủng cao hơn, để đảm bảo cuộc sống bình thường có thể tiếp tục mà không bị gián đoạn".
Phương Vũ (Theo NYTimes)