Ngồi trên ban công một quán cafe ở thành phố Chateauroux, miền trung Pháp, Daniel, 60 tuổi, không muốn đề cập nhiều đến ý định bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử ngày 30/6.
Tuy nhiên, nhà thầu xây dựng đã về hưu này tỏ ra phẫn nộ với Tổng thống Emmanuel Macron. Daniel cho rằng ông chủ Điện Elysee cũng tự mãn giống như giới tinh hoa ở Paris, hành động rất ít để ứng phó tình trạng tội phạm gia tăng và quyết định tăng tuổi nghỉ hưu thêm hai năm là không công bằng.
Những đảng cánh hữu và cánh tả truyền thống mà Daniel từng bỏ phiếu ủng hộ trong quá khứ cũng gây thất vọng. Do đó, ông dự định lần này sẽ bầu cho các ứng viên trong đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen.
"Tôi không nói mình chắc chắn sẽ bỏ phiếu cho RN, nhưng họ cũng có những điều thú vị riêng", Daniel nói, nhấn mạnh đảng cực hữu này có quan điểm quyết liệt trong vấn đề nhập cư. Ông không quan tâm đến việc Jean-Marie Le Pen, nhà sáng lập RN, bố của bà Le Pen, từng có phát biểu thân phát xít. "RN không còn là đảng của Jean-Marie Le Pen nữa".
Quan điểm của Daniel phần nào phản ánh sự ủng hộ ngày càng tăng dành cho chủ nghĩa cực hữu ở Pháp, khi những tiêu chuẩn truyền thống đóng vai trò như hàng rào giúp ngăn các nhóm cực hữu lên nắm quyền đang dần sụp đổ.
Trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) hồi đầu tháng, RN nhận 33% số phiếu, gấp đôi kết quả mà đảng Phục hưng theo đường lối trung dung của ông Macron thu được. Điều này được coi là cú sốc lớn làm rạn nứt liên minh cầm quyền, buộc ông Macron phải giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm, bắt đầu từ ngày 30/6 và vòng thứ hai ngày 7/7.
Nhiều thế hệ chính phủ Pháp đã thiết lập một thỏa thuận ngầm giúp ngăn các đảng cực hữu tiến gần đến quyền lực. Nhưng quyết định tổ chức bầu cử sớm của Tổng thống Macron đang tác động mạnh mẽ đến chính trường Pháp, khiến ngay cả các đồng minh của ông cũng lo ngại rằng Macron sẽ trao chìa khóa quyền lực cho phe cực hữu.
Ngay sau khi ông Macron giải tán quốc hội, các đảng đối lập từ nhiều cánh chính trị đã gấp rút đàm phán để thiết lập các liên minh, giúp họ tối đa hóa cơ hội chiến thắng trong cuộc bầu cử. Điều này đã mở ra cơ hội cho phe cực hữu.
Kết quả các thăm dò gần đây cho thấy RN đang dẫn đầu, tiếp theo là liên minh cánh tả New Popular Front mới thành lập ngày 10/6. Cả hai lựa chọn này đều có thể mang đến những chính sách cực đoan và bất ổn tài chính cho nước Pháp. Đảng Phục hưng của ông Macron, bị phe cánh tả và cánh hữu cùng công kích, đang ở vị trí thứ ba.
Lợi thế đang gia tăng với RN, khi New Popular Front, liên minh 6 đảng xoay quanh đảng cực tả Nước Pháp Bất khuất, được thành lập vội vàng và cho thấy nhiều dấu hiệu rời rạc. Tình trạng này làm suy yếu cái gọi là "mặt trận cộng hòa", hàng rào mà các chính đảng Pháp chung sức xây dựng để đẩy lùi chủ nghĩa cực hữu.
Ngày 16/6, nhằm ổn định liên minh, lãnh đạo Nước Pháp Bất khuất Jean-Luc Melenchon tuyên bố sẽ để người khác làm thủ tướng nếu New Popular Front giành đa số ghế tại quốc hội. Ông Melenchon, từng bị kết tội vì bạo lực gia đình, cũng rút khỏi cuộc bầu cử sau khi vấp phải sự phản đối từ các đảng khác.
Thủ tướng Pháp Gabriel Attal ngày 17/6 nói đảng của ông Macron quyết định không đăng ký ứng viên tại 65 khu vực bầu cử để mở đường cho những đảng khác có cơ hội chiến thắng cao hơn trước ứng viên cực hữu và liên minh cánh tả mới thành lập.
Trong khi đó, bà Le Pen cùng các đồng minh đang tận dụng cơ hội để tiếp cận các cử tri, nhấn mạnh họ có thể tin tưởng RN về mặt kinh tế. "Tôi sẽ khôi phục trật tự trên các con phố và ngân sách", Chủ tịch RN Jordan Bardella nói với kênh France 3. Le Pen từng cho biết ông Bardella, 28 tuổi, sẽ là thủ tướng nếu bà xây dựng được liên minh giữ đa số ghế tại quốc hội.
RN chưa công bố cụ thể cam kết của họ, nhưng tuyên bố sẽ giảm thuế với nhiên liệu và năng lượng, lấy lại quyền kiểm soát chính sách năng lượng từ EU, hạ tuổi nghỉ hưu và tăng lương công chức.
Giới quan sát nhận định tính toán chính trị của Tổng thống Macron khi tổ chức bầu cử sớm đang khiến Pháp đối mặt tương lai khó đoán. Quốc hội Pháp có 577 ghế. RN giữ 88 ghế trong quốc hội khóa 16 vừa bị giải tán.
Theo kết quả khảo sát gần đây của đơn vị thăm dò IFOP, RN có thể thắng vòng một với 33% phiếu. Cộng với đảng Cộng hòa bảo thủ sẵn sàng liên minh với RN, phe này sẽ có 37% số phiếu. Liên minh cánh tả nhận được 28%, trong khi đảng Phục hưng của ông Macron về thứ ba, chỉ 18%.
"Chúng ta chuẩn bị tiến vào một tương lai khó đoán. Chúng ta khả năng sẽ có quốc hội treo", cử tri Maxime Chetrit, 60 tuổi, nói với Reuters, ý nhắc đến tình trạng không phe nào ở quốc hội có đủ đa số ghế để thành lập chính phủ.
Tuy nhiên, một số khảo sát cho rằng RN sẽ hội đủ phiếu để nhắm đến vị trí thủ tướng Pháp, thậm chí có thể thắng đa số phiếu mà không cần liên minh. Điều này sẽ buộc ông Macron phải chia sẻ quyền lực với Bardella, người sẽ giữ chức thủ tướng.
RN thắng cử sẽ là kịch bản gây chấn động lịch sử Pháp hiện đại. Phe cực hữu chưa từng lên nắm quyền từ sau thời kỳ Vichy, giai đoạn phát xít Đức chiếm đóng Pháp những năm 1940. Ngoài ra, do bà Le Pen có quan điểm theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu và mong muốn lấy lại quyền lực của Pháp từ EU, quan hệ giữa nước này với đối tác thân thiết nhất là Đức sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Pascal Perrineau, học giả nghiên cứu về chủ nghĩa cực hữu suốt nhiều thập kỷ, không còn dám loại trừ khả năng cử tri sẵn lòng để RN dẫn dắt.
"Vài năm trước tôi còn nói họ sẽ rất khó chiến thắng", Perrineau nói với FT. "Giờ đây, tôi thấy việc này là khả thi, thậm chí là gần như chắc chắn".
Như Tâm (Theo The Economist, FT)