![]() |
Công nhân Israel đặt các khối bê tông để xây dựng một phần hàng rào. |
44 chính phủ đã gửi văn bản thể hiện quan điểm của mình về vấn đề này tới toà án, hầu hất phản đối sự can thiệp của ICJ. Israel cũng gửi tài liệu nhưng tẩy chay điều trần và tuyên bố rằng hoạt động này chỉ mang tính tuyên truyền.
Vai trò của ICJ
ICJ là một toà án thuộc Liên Hợp Quốc, có trụ sở ở La Haye. Tòa có hai chức năng: ra phán quyết trong các vụ tranh chấp, mặc dù phán quyết này có hiệu lực thi hành hay không tuỳ thuộc các quốc gia có chấp nhận hay không, và đa số các trường hợp là không; đưa ra các ý kiến tư vấn khi các tổ chức của LHQ yêu cầu.
Lần này, ICJ được yêu cầu đưa ý kiến tư vấn, sau phiên họp Đại hội đồng LHQ tháng 12 vừa qua. Nghị quyết về việc này được đề xuất bởi một nhóm các nước Ảrập và Hồi giáo. Trong tổng số 191 quốc gia thành viên Đại hội đồng, có 90 nước ủng hộ, 8 phản đối và 74 bỏ phiếu trắng. Một số nước không tham gia bỏ phiếu.
Nghị quyết yêu cầu ICJ khẩn cấp cho ý kiến về "hệ quả pháp lý của bức tường mà Israel đang xây dựng với tư cách là lực lượng chiếm đóng trên vùng đất bị chiếm đóng của Palestine, bao gồm bản thân và vùng phụ cận của Đông Jerusalem".
Những quan điểm chính
Palestine muốn tuyên bố rằng "bức tường" là trái pháp luật bởi nó đi vào vùng đất bị chiếm đóng ở khu Bờ Tây.
Israel cho rằng "hàng rào" là biện pháp quan trọng để phòng vệ.
Mỹ và các nước châu Âu lập luận rằng ICJ không nên can thiệp vào một vấn đề chính trị nhạy cảm như vậy.
Palestine
Mọi vùng đất mà Israel chiếm được trong cuộc chiến 1967 không thể được chiếu theo các điều khoản của quy định La Haye 1907 về Luật và Tập quán chiến tranh.
Dân cư ở các vùng này phải được bảo vệ theo Công ước Geneva thứ 4. Palestine phải được coi là chủ sở hữu hợp pháp của các khu vực này. Như vậy, xây dựng một hàng rào ở bất kỳ đâu trên vùng lãnh thổ, đặc biệt là quanh Đông Jerusalem, nơi người Palestine muốn lấy đó làm thủ đô, là vi phạm quyền của cư dân.
Thủ tướng Ahmed Korei mô tả hàng rào là "bức tường apartheid", sẽ "chia cắt người Palestine". Ông nói rằng nó sẽ gây nguy hại cho "giải pháp hai nhà nước và việc xây dựng một nhà nước Palestine độc lập".
Ít nhất, Palestine hy vọng Israel sẽ thay đổi tuyến của hàng rào đang tồn tại.
Israel
Bác bỏ việc gọi vùng đất chiếm được năm 1967 là vùng bị chiếm đóng. Israel khẳng định, năm 1967, Jordan kiểm soát Bờ Tây, và chỉ nhận được rất ít sự công nhận của cộng đồng quốc tế. Sau đó, Jordan từ bỏ chủ quyền, và như vậy vị thế của vùng lãnh thổ chưa được quyết định.
Về hàng rào, Israel khẳng định bản chất của nó chỉ là hàng rào nhằm ngăn chặn những kẻ tấn công. Israel thừa nhận hàng rào cắt ngang "đường xanh" vạch năm 1967, nhưng chỉ vì các lý do về dân cư. Đây là công cụ phòng vệ, không có ý nghĩa chính trị, có thể dỡ bỏ sau khi có giải pháp chính trị. Những điều này được Israel đưa ra trong một văn bản gửi toà án, do bộ Ngoại giao soạn thảo.
Châu Âu và Mỹ
EU ủng hộ nghị quyết của Đại hội đồng tháng 10/2003, lên án Israel xây dựng hàng rào ở Bờ Tây, nhưng cho rằng sẽ là sai lầm và gây chia rẽ nếu đưa vấn đề lên ICJ. Còn Mỹ thậm chí tuyên bố rằng ICJ không có chỗ đứng trong vấn đề này.
Lịch sử ICJ
Được thành lập trong những ngày đầy lạc quan sau Đại chiến II, nhưng đã không thể trở thành cái mà các nhà sáng lập mong muốn - diễn đàn giải quyết các tranh chấp quốc tế. Nguyên nhân chủ yếu là do các chính phủ không tin vào quá trình ra quyết định của toà.
Năm 1984, Mỹ từng bỏ ra khỏi toà, trong một vụ kiện của chính phủ Nicaragua. Nước này than phiền về các hoạt động của quân nổi loạn Contra do Mỹ ủng hộ. Mỹ tức giận vì toà án nhất quyết khẳng định toà có quyền phán quyết, và cuối cùng từ chối tham gia các thủ tục của phiên toà.
Năm 1977, Argentina từ chối chấp nhận một phán quyết mà theo đó Chile được quyền sở hữu quần đảo ở eo biểm Beagle. Chỉ có sự can thiệp của Giáo Hoàng khi đó mới ngăn chặn được chiến tranh.
T. Huyền (theo BBC)