Theo ghi nhận của VnExpress ngày hôm nay (28/10), nhiều hàng quán dọc các tuyến đường chính của TP HCM như Lý Tự Trọng, Lê Duẩn (quận 1), Nguyễn Thị Thập (quận 7), Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bạch Đằng (Bình Thạnh), Võ Văn Ngân, Nguyễn Duy Trinh (TP Thủ Đức)... đã mở cửa đón khách tại chỗ.
Các chuỗi dịch vụ ăn uống như Phúc Lộc Thọ, The Coffee House, Dairy Queen, The Pizza Company, AKA House...sáng nay cũng có khá đông khách ghé đến. Nhân viên và khách hàng đều có ý thức tuân thủ nguyên tắc phòng dịch.
Đại diện Coffee Bike cho biết, khách đến các cửa hàng khá ổn trong ngày đầu được bán tại chỗ. Có vài cửa hàng do khách đến quá đông nên quán quyết định chỉ bán mang đi trở lại.
Các cửa hàng trà sữa Gong Cha cũng ghi nhận lượng khách tấp nập khi được sử dụng dịch vụ tại chỗ. Đại diện thương hiệu này cho biết, đa số khách đến rất sẵn lòng hợp tác trong việc chứng minh thẻ vaccine, quét mã QR khai báo.
"Ngày đầu tiên áp dụng quy định mới, rơi vào giữa tuần, có thể mọi người vẫn chưa nắm được đủ thông tin, hoặc bận đi làm nên lượng khách chưa tăng đột biến. Nhờ vậy, việc phục vụ tại chỗ dễ dàng đáp ứng điều kiện về công suất và khoảng cách hơn", ông Trần Ngọc Ẩn - đại diện Gong Cha cho biết.
Từ hôm nay, hơn 20 cửa hàng thuộc chuỗi trà sữa Gong Cha, 6 cửa hàng thuộc chuỗi cà phê Cộng sẽ đón khách dùng tại chỗ. Riêng chuỗi Coffee Bike thử nghiệm mở cửa trước 5 cửa hàng. Sang ngày 29/10, chuỗi nhà hàng lẩu băng chuyền Kichi Kichi sẽ nhận khách đến ăn với điều kiện đặt bàn trước qua tổng đài. Nhiều hàng quán cũng đang tất bật chuẩn bị những khâu cuối cùng để có thể mở cửa theo đúng quy định.
Vẫn có nhiều doanh nghiệp chưa thể mở cửa ngay lập tức. Chuỗi nhà hàng bún đậu mắm tôm Đậu Homemade cho biết cần 2-3 ngày mới chuẩn bị mọi thứ ổn thỏa. Còn chuỗi cà phê kết hợp bia Bỉ Lagom Cafe dự định đến 2 tuần sau mới bắt đầu. Bà Đỗ Thị Ly Na - giám đốc thương hiệu Lagom Cafe cho biết, doanh nghiệp cần thêm thời gian để quan sát thị trường, nếu ổn thỏa sẽ tái xuất. Mặt khác, cửa hàng cũng cần tân trang để mang đến diện mạo mới cho khách hàng trong ngày trở lại.
Nới lỏng hoạt động kinh doanh được xem là phao cứu sinh với nhiều doanh nghiệp ốm yếu vì dịch bệnh, trong đó có Lagom Cafe. Việc phải đóng cửa trong suốt thời gian dài khiến kết quả kinh doanh thua lỗ và thiệt hại nặng nề là tình trạng của doanh nghiệp này. Họ không chỉ cần được hoạt động trở lại mà còn mong ngóng bán tại chỗ.
Theo ông Trần Ngọc Ẩn, đại diện chuỗi trà sữa Gong Cha, nói nhu cầu ăn uống tại chỗ trở thành một nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực. "Hơn cả một ly nước, một món ăn, thực khách không chỉ cần giải khát, nạp dinh dưỡng mà còn cần không gian, một giá trị tinh thần như hàn huyên, chia sẻ, tạo cảm hứng làm việc", ông phân tích.
Ở khía cạnh kinh doanh, việc ngồi lại ăn uống sẽ góp phần thúc đẩy doanh số cao hơn. Khi ngồi lại quán, khách hàng sẽ gọi thêm nhiều món hoặc có khả năng nảy sinh khách thứ cấp như hẹn thêm bạn bè, đối tác hoặc mang về cho người thân.
Theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống Covid-19 vừa được TP HCM ban hành, các cơ sở ăn uống hoạt động với công suất phục vụ tối đa 50% và đóng cửa trước 21h hàng ngày. Ngoài ra, các cơ sở không được bán đồ uống có cồn, trừ các nhà hàng tiệc cưới, nhà hàng tại cơ sở lưu trú, cơ sở phục vụ khách du lịch.
Háo hức nhưng bản thân các doanh nghiệp F&B cũng hiểu sẽ đối mặt nhiều thách thức.
Đầu tiên là nguy cơ doanh nghiệp "dính" F0. Ông Hoàng Tiễn - nhà sáng lập Coffee Bike - cho rằng sẽ là mạo hiểm nếu cố quay về trạng thái "hoàn toàn bình thường như trước" ngay. Số ca nhiễm đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao. Ông cho rằng, người làm kinh doanh hay ở bất cứ ngành nghề nào đều cần chung tay chống dịch.
Theo bà Ly Na, đại diện Lagom Cafe, dù được phép mở bán tại chỗ, doanh nghiệp này cũng sẽ đặt sức khỏe và tính mạng của nhân viên lẫn khách hàng lên trên hết.
Xác định sống chung với dịch, chuỗi bún đậu mắm tôm Đậu Homemade lường trước khả năng có ca nhiễm từ nhân viên, đối tác và khách hàng. Doanh nghiệp này cũng xây dựng kịch bản sẵn sàng, bám sát theo hướng dẫn của Bộ Y tế và kết nối chặt chẽ với cơ quan quản lý, y tế địa phương. Hiện nay, quy định về xét nghiệm định kỳ đã thay đổi với ngành dịch vụ, nhưng chuỗi nhà hàng này vẫn tự chi trả cho nhân viên test nhanh ba ngày một lần.
Lo ngại tiếp theo là nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ sụt giảm hoặc thắt chặt hơn trước. Đại diện Đậu Homemade phân tích, thói quen tiêu dùng, tâm lý mua sắm của người dân có thể giảm khi trải qua hơn nửa năm giãn cách, phải ở nhà. Việc mở bán tại chỗ sẽ cải thiện doanh thu nhưng trong giai đoạn này khó thể bù đắp chi phí vận hành. Chưa kể, doanh nghiệp cần chi tiền quảng cáo không nhỏ để thu hút khách quay trở lại. Do đó, đơn vị này vẫn duy trì và phát triển tốt mảng thực phẩm và giao thức ăn tận nhà. "Đó mới là nguồn sống của chúng tôi suốt thời gian qua", đại diện Đậu Homemade nói.
Có góc nhìn lạc quan hơn, chuỗi trà sữa Gong Cha cho rằng, khái niệm "phong tỏa diện rộng" sẽ không còn xuất hiện khi các cấp chính quyền luôn cố gắng và quyết tâm ổn định cuộc sống người dân. Đây sẽ là điểm tựa rất lớn cho niềm tin của doanh nghiệp trong đợt mở cửa lần này. Thêm vào đó, những tháng cuối năm cũng là thời điểm của nhiều ngày lễ lớn, cột mốc quan trọng thúc đẩy kinh tế cho các doanh nghiệp.
"Chúng tôi thật sự mong muốn nhìn thấy lại đời sống nhộn nhịp của thành phố trong những ngày lễ lớn cuối năm. Ăn uống, tụ tập, mua sắm tự do trong một điều kiện an toàn nhất", ông Ẩn nói.
Mong muốn này của ông được đưa ra trên cơ sở tốc độ tiêm chủng của TP HCM đang ngày càng cao và người dân đã có ý thức quý trọng những phút giây "bình thường mới".
Tất Đạt - Viễn Thông