Chị Hoa chuyên bán Mì Quảng ở quận Gò Vấp cho biết, mặc dù mấy ngày qua đã đăng tin khắp các hội nhóm nhưng vẫn không có mấy khách đặt mua. Theo chị, nhiều người sau khi nghe báo giá mỗi tô mì 50.000 đồng và 35.000 đồng phí ship nội quận thì họ không mua nữa. "Hiện mỗi ngày quán tôi bán chỉ khoảng 30-40 tô, chưa bằng một phần ba so với trước đây", chị nói.
Chung tình cảnh, chị Oanh, chuyên bán món ăn Hà Nội ở đường Lê Hồng Phong, quận 5 cho hay, lượng đơn hàng giai đoạn này chỉ bằng 1/5 so với trước dịch.
"Nhiều lúc tôi muốn ngưng vì số lượng đơn quá ít trong khi đó, chi phí hoạt động cửa hàng tăng cao nên hầu như không có lãi. Thời điểm này bán ra cũng chỉ mong để duy trì lượng khách hàng quen", chị Oanh nói.
Cùng với các hộ trên, nhiều hàng quán tại các quận Thủ Đức, Tân Bình, Quận 7... cũng không mấy khả quan. Nhiều cửa hàng cho biết, có khi cả chủ và nhân viên ngồi cả ngày chơi vì chỉ lác đác vài đơn hàng được đặt. "Hàng bán mang đi chưa bao giờ ế ẩm như hiện nay. Không chỉ khách liên quận vắng mà khách nội quận cũng chẳng thấy", một chủ quán bán bún bò than thở.
Lý giải tình trạng trên, các chủ hàng quán cho rằng việc giá thành của các món ăn nấu sẵn tăng lên 20-30% so với thông thường khiến nhiều người e dè trong việc đặt mua.
Theo chị Lan, trước đây quán chị bán một tô bún bò chỉ 35.000 đồng nhưng nay do nguyên liệu tăng giá, cộng thêm các chi phí phát sinh do dịch bệnh nên giá hiện lên 45.000-60.000 đồng tuỳ loại tô.
"Nếu bán với giá như thời điểm trước dịch sẽ bị thua lỗ. Do đó, tôi buộc phải tăng giá bán thêm 30% mới mong có chút lời. Khách nào chấp nhận được thì đặt hàng, còn không cũng đành chịu", chị Lan nói.
Các hàng quán khác cũng cho biết, giá rau củ, thịt bò, heo đều tăng 20% so với trước, mà đặt mua cũng khó khăn nên họ buộc phải tăng giá bán.
Ngoài ra, việc chi phí giao hàng tăng đột biến khiến giá sản phẩm đến tay người mua quá cao càng làm nhiều người không dám "mở hầu bao" để đặt đồ ăn nấu sẵn trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp.
Chị Oanh dẫn chứng, nếu giao liên quận thông qua shipper, giá giao hàng đắt gấp đôi so với món đồ ăn khách chọn. Chẳng hạn như khách đặt một hộp xôi mặn giá 30.000 đồng thì phí ship trong quận khoảng 35.000 đồng, còn liên quận có thể lên đến 60.000-100.000 đồng (tuỳ khoảng cách). Do đó, nếu cộng cả phí giao hàng thì một hộp xôi lên đến 65.000-130.000 đồng.
"Với mức giá quá đắt đỏ như trên thử hỏi có bao nhiêu người dám đặt mua. Chỉ khi nào khách được đến cửa hàng mua thì hoạt động bán đồ ăn chế biến sẵn mới có chiều hướng cải thiện", chị Oanh đánh giá.
Bên cạnh đó, việc khan hiến shipper khiến lượng đơn hàng hoàn thành thấp cũng là nguyên nhân khiến các hàng quán ế ẩm. Các chủ quán cho biết, đôi lúc có nhiều đơn nhưng vẫn không thể giao hoàn thành trong ngày cho khách.
Thừa nhận thực tế này, Loship cho biết, trong ngày hôm qua (16/9), ứng dụng ghi nhận hơn 25.000 đơn hàng tại TP HCM nhưng tỷ lệ hoàn thành đơn lại chưa cao.
Phía AhaMove cũng cho rằng số lượng yêu cầu giao hàng sẽ tăng khoảng 30%, tuy nhiên tỷ lệ hoàn thành đơn hàng thấp vì nhiều lý do như lượng lớn tài xế còn chưa hoạt động trở lại, đường xá vẫn đang giăng dây nhiều nơi, shipper phải đi lại vòng vèo nên mất nhiều thời gian...
Để hỗ trợ khách hàng cũng như "hạ giá thành nhằm hút khách" nhiều cửa hàng cho biết mong muốn được đi giao trực tiếp cho khách. Thế nhưng, khó là chỉ giao được cho khách quanh nhà, còn đi ra ngoài nhân viên quán không có giấy đi đường.
Ông Mai Trường Giang, chủ doanh nghiệp sở hữu chuỗi cửa hàng gồm các thương hiệu bánh Chewy Chewy, gà rán Otoke Chicken, Cô tấm quán cũng nhìn nhận, giá bán hàng mang đi sẽ vẫn còn cao vì số lượng hàng quán mở cửa trở lại khá thấp do quy định còn nhiều bất cấp. Trong khi đó, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh khiến nhu cầu khó tăng cao.
Do đó, ông Giang cho rằng nhiều cửa hàng, chuỗi quán ăn lớn hiện vẫn chưa muốn mở cửa trở lại do lo ngại sức mua yếu, chi phí tăng cao dễ dẫn đến thua lỗ. Riêng với hoạt động giao hàng, theo ông Giang, phí giao vẫn còn cao do việc cấp giấy đi đường còn nhiều bất cập. Trong khi đó, đội ngũ giao hàng của các ứng dụng công nghệ vẫn còn hạn chế, số lượng tài xế chạy liên quận còn thấp.
Sắp tới, để nâng tỷ lệ hoàn thành đơn hàng, các hãng công nghệ cho biết đã phối hợp với Sở Công Thương nhằm tăng thêm số lượng tài xế hoạt động giai đoạn tới. Nếu mọi việc thuận lợi, Loship có thể cung cấp khoảng 8.000 shipper mỗi ngày.
AhaMove thì kỳ vọng nâng số lượng tài xế lên bằng 70-80% so với trước giãn cách. Khi đó, theo đại diện hai hãng, chắc chắn phí giao hàng sẽ có sự điều chỉnh và bình ổn trở lại, sát với quy luật cung - cầu. Tuy nhiên, Loship lưu ý thêm, thị trường vẫn sẽ cần một khoảng thời gian để cân bằng và phí giao hàng quay về mức bình thường như giai đoạn trước dịch.
Thi Hà - Tất Đạt