"Hơn một năm dịch bệnh bùng phát, có quá nhiều thứ dồn nén mà cuộc đời kinh doanh mình chưa nghĩ sẽ trải qua", chị Cao Phượng, chủ chuỗi quán chè trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) và Hoàng Sa (quận 1) tâm sự ngày 9/7 - khi TP HCM bắt đầu thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16.
Chị kể, vẫn nhớ cảm giác "toát mồ hôi" chiều 8/7, khi biết TP HCM cấm cả bán dịch vụ ăn uống mang về. Đinh ninh sẽ được bán mang về như đợt giãn cách hồi tháng 4/2020 nên thậm chí, chị còn nhập nguyên liệu về chuẩn bị kinh doanh cho những ngày tiếp theo như thường lệ.
Chị đành đăng lên Fanpage quán chè thông báo chương trình mua ba tặng một. Trong vài giờ đồng hồ trước khi đóng cửa, quán chè bán hết khoảng 70%, chị nhẩm tính may chỉ lỗ vài triệu đồng.
Nhưng các ngày tiếp theo mới là vấn đề. Khi bị cấm cả hàng bán mang về - hiện chiếm hai phần ba tổng doanh thu của quán, chị thực sự hoang mang. "Sẵn sàng tuân thủ quy định nhưng tôi nghĩ giờ ai cũng khó khăn, người ta sợ chết đói hơn cả sợ dịch", chị nói.
Mở cửa kinh doanh từ năm 2019, quán của chị đã trải qua hai lần giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Trong những đợt giãn cách trước, chị đôi khi còn thiếu hụt nguồn hàng do xe khách bị cấm, xe tải chở hàng thì ít chuyến. Mỗi tháng, chi phí thuê mặt bằng hai cơ sở, lương nhân viên, điện, nước... khoảng 200 triệu đồng. Từ khi chỉ được bán online, doanh số của quán sụt giảm đến 40%. May mắn, chị không phải chịu áp lực tài chính quá nhiều vì không vay nợ.
Chung cảnh ngộ, 15 ngày tới, chị Nam, chủ nhà hàng chay trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), xác định là khoảng thời gian không làm ra tiền mà chỉ biết nhìn hầu bao vơi bớt. Với chị, không bán thức ăn mang về thực sự là một tổn thất lớn.
Trước đó, khi dịch bệnh tái xuất hiện vào tháng 5, doanh thu nhà hàng vẫn đạt chỉ tiêu hằng ngày. Sang tháng 6, nhà hàng dựa vào 80% doanh thu online và 20% khách tự mua mang về. Số tiền thu về giảm hẳn một phần ba vì không có lượng khách ăn tại quán và chịu thêm chiết khấu cho các ứng dụng.
Theo chị Nam, 15 ngày giãn cách không quá lâu, nhất là với quán chay, nhưng cũng ảnh hưởng sơ bộ đến nguồn tài chính. Lương tạm ứng cho nhân viên, tiền điện, nước, tiền thuê mặt bằng, hao phí nguyên vật liệu đã chuẩn bị và bảo quản những nguyên liệu có hạn sử dụng lâu... là một áp lực lớn.
Nhưng chủ nhà hàng chay cho rằng, giới kinh doanh buộc phải lên tinh thần sống chung với Covid-19. Chị đồng ý cần có biện pháp mạnh để đẩy lùi dịch bệnh, hy vọng sau 15 ngày có thể tiếp tục kinh doanh. Nhưng chị vẫn cho rằng, khi có quyết sách quan trọng, chính quyền TP HCM nên thông báo sớm, tránh đột ngột khiến người dân và doanh nghiệp khó xoay xở.
Tối qua, ngoài việc bán hàng qua các ứng dụng, chị và đội ngũ nhân viên quyết định làm nhiều món ăn để gửi tặng người dân trên đường. Nhờ điều này, lượng nguyên liệu sẵn có đã được tiêu thụ hết, không lãng phí.
"Là một người con Sài Gòn lâu năm, tôi biết đợt dịch này đã ảnh hưởng quá nặng, nên buộc các cấp chính quyền phải cứng rắn hơn. Tôi tin thành phố mình rồi sẽ khỏe lại", chị chia sẻ.
Lệnh cấm bán đồ ăn uống mang về tại TP HCM không chỉ càn quét các hàng quán đơn lẻ mà còn ảnh hưởng trực diện đến các chuỗi kinh doanh lớn. Trong ngày 9/7, chuỗi đồ uống The Coffee House đã đóng cửa tất cả chi nhánh tại TP HCM. Trước đó, chuỗi này đã phải cho dừng hoạt động gần hai phần ba trong số 178 cửa hàng trên toàn hệ thống.
Chia sẻ với VnExpress, đại diện The Coffee House cho biết chuỗi đồ uống gặp nhiều khó khăn nhưng đã chuẩn bị tinh thần "sống chung với dịch, ít nhất đến giữa năm 2022" nên đã lên trước kịch bản. Trong tháng 6, chuỗi này ra mắt các dòng sản phẩm đóng lon và chọn chuyển hướng phân phối tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, ứng dụng riêng và các nền tảng thương mại điện tử. Hướng đi này phần nào giúp doanh nghiệp có thêm nguồn tài chính trong giai đoạn khó khăn trước mắt.
Theo khảo sát của VnExpress hồi đầu tháng 6, các doanh nghiệp F&B đang thoi thóp qua 4 đợt dịch. Trước đó, khi vẫn được phép bán online, doanh số của nhiều đơn vị vẫn không cải thiện, thậm chí suy giảm. Doanh nghiệp nào cạn nguồn tiền đều phải giải thể và đóng cửa.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng đã cầu cứu cơ quan nhà nước xin hỗ trợ thuế, bảo hiểm nhưng tới nay Chính phủ vẫn chưa có động thái nào hỗ trợ doanh nghiệp F&B. Hiện các loại thuế VAT, bảo hiểm vẫn phải đóng đầy đủ.
Trong lúc chờ đến khi có thông báo được phép mở cửa trở lại, chị Phượng sẽ tìm cách xin chủ nhà giảm tiền thuê mặt bằng. Chị cũng đang trông chờ vào các giải pháp giãn thời hạn nộp thuế, mà theo chị, phần nào giúp giảm áp lực tài chính rất thiết thực.
"Thương hiệu của tôi đã được mọi người ủng hộ rất nhiều, nên dù phải đối mặt với điều gì đi nữa, tôi vẫn cố gắng bám trụ", chị Phượng nói.
Tất Đạt
Với các hộ gia đình không thể tự nấu ăn trong thời gian giãn cách xã hội, UBND TP HCM yêu cầu các địa phương có giải pháp hướng dẫn người dân mua thực phẩm chế biến sẵn tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đặt hàng qua ứng dụng công nghệ.
Các hệ thống phân phối (Saigon Co.op, Satra, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh, VinMart, Family Mart, AEON, Vissan...) sẽ tăng lượng hàng thực phẩm chế biến sẵn, phối hợp hệ thống giao hàng online; các hình thức phân phối trực tiếp
Ngoài ra, chính quyền địa phương sẽ tổ chức lực lượng tình nguyện viên "đi chợ thay"; trực tiếp đặt hàng qua điện thoại của tình nguyện viên và giao trực tiếp người có nhu cầu; cung cấp thức ăn miễn phí cho người già neo đơn, người bệnh và trường hợp cần hỗ trợ.