Sau khi chính quyền TP HCM ra quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố 15 ngày theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7 để phòng chống Covid-19, nhiều người lo lắng thiếu hàng nên tiếp tục kéo nhau đi mua sắm, gom hàng với số lượng lớn.
Nhiều kệ thực phẩm tươi sống tại các siêu thị sáng nay tiếp tục tình trạng trống hàng. Chị Hoa, ở quận Gò Vấp (TP HCM) cho biết, lúc 8h sáng đi siêu thị để mua hàng về dự trữ nhưng kết quả chỉ mua được một bắp cải và vài trái khổ qua.
"Nghĩ hôm qua đông quá nay đi chắc đỡ hơn, nhưng khi vừa đặt chân vào siêu thị Vinmart trên đường Phạm Văn Chiêu (Gò Vấp) đã thấy kệ hàng tươi sống không còn món gì. Tôi liền qua quầy rau cũng hết sạch, chỉ còn một bắp cải, hộp khổ qua và vỉ trứng", chị Hoa nói.
Tại hệ thống siêu thị MM Mega Market, Big C... nguồn hàng hôm nay đã dồi dào hơn hôm trước, nhưng tình trạng nhiều người gom hàng vẫn diễn ra mạnh.
Ghi nhận của VnExpress cho thấy, tại các quầy thịt, khách mua với số lượng lớn để dự trữ. Còn quầy rau củ quả, nhiều ô hàng được mua sạch, nhân viên phải dùng những xe đẩy hàng cao tới 5 tầng để bổ sung. "Hôm nay nhân viên siêu thị hoạt động không ngừng tay, hàng hoá được lên kệ nhiều hơn so với hôm qua", chị Hạnh (TP Thủ Đức) đánh giá.
Tại Tops Market (TP Thủ Đức), sáng nay siêu thị chỉ cho phép khoảng 20 người vào mua sắm một lúc, 20 người kế tiếp vào khu vực chờ tới lượt. Số khách hàng còn lại phải đứng đợi ngoài khu vực gửi xe. Sau hơn 15 phút, một số người không chờ nổi nên ra về. Một số đến nơi thấy cảnh xếp hàng quá đông cũng quay xe tìm nơi khác mua sắm.
Tình trạng gom hàng không chỉ xảy ra ở hệ thống siêu thị, các cửa hàng, khu chợ truyền thống, người dân cũng ùn ùn vét sạch. Anh Hòa, đang sinh sống ở Gò Vấp cho biết, dạo một vòng các sạp thịt, rau trên đường Lê Đức Thọ sáng nay thấy "cửa đóng, then cài". Khi hỏi người dân xung quanh, anh mới biết nhiều sạp ngưng hoạt động, một số nơi hết hàng từ 8h sáng.
Tại cửa hàng thịt trên đường Phạm Văn Chiêu (Gò Vấp), chị Hoa chủ sạp cho biết, hôm nay chị tăng lượng hàng gấp đôi từ 70 kg lên 150 kg nhưng khách mua hết trong vòng một tiếng mở hàng. "Không chỉ đông mà mỗi người mua một lần 4-6 kg thịt thay vì vài lạng như những ngày trước đó", chị nói.
Tương tự, cửa hàng rau sạch bên cạnh đó, thường ngày bán không hết hàng, nay mới 7h sáng đã hết sạch dù lượng rau từ vườn chở lên tăng gấp 3 lần so với trước. "Sức mua của người dân quá cao", chủ cửa hàng thốt lên.
Cũng tăng lượng hàng liên tục khi dân ồ ạt thu gom, chị Thảo, chủ sạp thịt heo ở phường Long Trường, TP Thủ Đức cho biết, sáng sớm đã bán hết 2 con heo nên chị tiếp tục tăng cường thêm hàng để phục vụ khách vì đến giữa buổi sáng lượng người đến mua vẫn rất đông", chị Thảo nói.
Ngoài quá tải tại các điểm mua sắm trực tiếp, nhiều app online cũng tiếp tục báo hết hàng và bị lỗi. Trong đó, một số mặt hàng thịt trên app VinID khách không đặt mua được vì hết hàng, còn app Co.opmart bị lỗi không vào được. Hệ thống của Lottemart, Big C "quay vòng vòng" vì lượng truy cập lớn.
Chị Nga, ở quận Thủ Đức chia sẻ, tưởng sáng nay tình hình đỡ căng thẳng hơn nhưng khi vào app VinID mua thịt heo, chị vẫn bị báo hết hàng. Ngay sau đó, chị chuyển sang mua hàng tại hệ thống online của Co.opmart, MM Mega, Big C... nhưng cũng đều thông báo tạm hết các mặt hàng cần đặt mua.
Trao đổi với VnExpress về tình trạng trên, đại diện Vincommerce thừa nhận có xảy ra hiện tượng trống kệ hàng, nhưng chủ yếu chỉ rơi vào các nhóm hàng tươi sống, trong khoảng thời gian chuyển giao giữa các đợt cung cấp bổ sung châm hàng trong ngày.
"Chúng tôi đã tổ chức châm hàng gấp 3 lần so với ngày thường. Tuy nhiên, nhu cầu mua sắm, tích trữ hàng hóa của người dân tăng cao đột biến nên tình trạng trống kệ xảy ra cục bộ. Siêu thị sẽ thường xuyên nắm bắt tình hình, điều chuyển hàng hóa liên tục để hạn chế xảy ra tình trạng này", đại diện Vincommerce nói và cho biết với hệ thống online, lượng đặt hàng cũng quá nhiều nên xử lý chưa kịp.
Trong khi đó, tại hệ thống Big C, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail cho biết, tổng nguồn hàng đã được siêu thị tăng gấp ba lần so với ngày thường để cố gắng đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của người dân trước giờ giãn cách.
Riêng các mặt hàng thịt tươi, các đại siêu thị Big C, GO! khu vực TP HCM sẽ được tăng cường lên gấp 7 lần (tương ứng 70 tấn mỗi ngày). Còn rau và trái cây sẽ cung ứng khoảng hơn 100 tấn mỗi ngày... Với mặt hàng FMCG (thực phẩm khô) hiện đang tồn kho trên 30 ngày (tương đương 1.800 tấn, tăng 30% so với ngày thường).
"Người dân không nên quá lo lắng và đua nhau gom hàng sẽ khiến tình hình thêm căng thẳng. Hiện nay, ngoài việc mở cửa cho mọi người đến mua sắm trực tiếp, GO! Big C và Tops Market còn tăng cường kênh bán hàng trực tuyến như: ứng dụng GO! & Big C; Hotline mua hàng 1900 1880, zalo shop, Grab mart, Beamin...
Sở Công Thương TP HCM cũng cho biết đang phối hợp với nhiều bên liên quan để đảm bảo các kênh phân phối vận chuyển hàng về hệ thống các siêu thị thông suốt và cung ứng nhanh nhất cho người dân.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM khuyến cáo người dân không nên gom hàng và mua bất chấp khiến giá tại nhiều đầu mối buôn hàng đẩy lên cao. Hiện TP HCM không hề thiếu nguồn hàng. Ông Phương cũng nhấn mạnh, dù thực hiện cách ly theo chỉ thị 16, các hệ thống phân phối thực phẩm vẫn được mở bán.
"Chúng tôi đang cung ứng hàng rất nhiều ra thị trường nên những ngày sắp tới người dân sẽ thấy đầy ắp hàng hoá. Hiện, các kênh phân phối đều đồng loạt tăng đầu xe và lượng hàng để đưa về thành phố, người dân không nên quá lo lắng", ông Phương khẳng định.
Theo Sở Công Thương, hiện nay dù đóng 3 chợ đầu mối, nhưng lượng hàng về các kho bãi, điểm tập kết hàng hóa xung quanh khoảng 900 tấn một ngày đêm. Bên cạnh đó, lượng hàng các thương lái lớn bán qua kênh điện thoại, Zalo, giao hàng không về điểm tập kết ước đạt khoảng 1.200 tấn một ngày đêm. Tính đến sáng 8/7, tổng lượng hàng đạt 2.100 tấn một ngày đêm, giảm khoảng 34% so với ngày trước (3.188,9 tấn). Trong đó, nhóm mặt hàng thịt gia súc 300 tấn, thủy hải sản khoảng 50 tấn và rau củ quả khoảng 1.750 tấn một ngày đêm.
Mới đây, UBND TP HCM cũng vừa gửi tin nhắn đề nghị người dân thành phố không nên tích trữ hàng hóa và tránh tụ tập đông người để đảm bảo phòng chống dịch.
Hiện TP HCM vẫn có hơn 110 chợ truyền thống hoạt động, kèm theo là 106 siêu thị, 2.469 siêu thị mini và 28.700 cửa hàng tiện lợi. Bên cạnh đó, tại các quận huyện cũng bổ trợ kênh bán hàng online, đi chợ giúp cho người lớn tuổi với sự hỗ trợ của hội phụ nữ, hội thanh niên...
Khảo sát tại các hệ thống cửa hàng và chợ sáng 8/7 cho thấy, tình hình giá cả đã hạ nhiệt và không còn tăng đột biến như ngày hôm qua. Tuy nhiên, vẫn còn một số mặt hàng rau xanh và củ quả tăng nhẹ 20%. Trong đó, bí xanh, xà lách, rau cải là mặt hàng tăng mạnh nhất, mỗi kg tăng thêm 5.000-10.000 đồng tùy loại.
Thi Hà - Tất Đạt