Quán nầm bò, thịt bò nướng, phở cuốn vỉa hè ngon nổi tiếng trên phố Cầu Giấy (Hà Nội), lúc 19h tối qua, gần như hết sạch bàn. Khách đến nườm nượp khiến gần chục nhân viên phục vụ không xuể. Bãi đỗ xe chật kín, nhưng vẫn có nhiều khách cố đợi bàn khác ăn xong để được thế chỗ và thưởng thức các món ăn tại đây.
Gọi thêm đĩa bánh mì mà không được nhân viên mang tới, Đức, sinh viên ĐH Giao thông vận tải đành đứng dậy tự phục vụ. “Bình thường không có chuyện này, vì nhân viên quán đông, phục vụ nhiệt tình. Nhưng hôm nay ngày tình yêu, quán đông khách đột biến, nên họ nói khách cũng thông cảm”, Đức chia sẻ.
Các quán ăn rất đắt khách trong ngày Valentine. Ảnh: Tuệ Minh. |
Bên kia đường, chỗ gửi xe của một cửa hàng đồ ăn nhanh cũng chật kín. Ở trong, nhiều bạn trẻ xếp hàng chờ đến lượt gọi đồ ăn. Bực mình vì phải chờ lâu, Kim Anh, sinh viên ĐH Ngoại thương cùng bạn trai đành bỏ đi tìm quán khác.
Cách đó không xa, quán gà rán trên lối rẽ vào phố Trần Quý Kiên cũng trong tình trạng tương tự. Thậm chí, cảnh xếp hàng mua gà rán tại quán này, theo nhận xét của một người lớn tuổi đi ngang qua đây: “Như thời tem phiếu bao cấp”.
Đứng xếp hàng mua đồ ăn, Như Mai, sinh viên ĐH Mỹ thuật công nghiệp chia sẻ, bình thường quán này không đông khách lắm. Tuy nhiên, ngày Valetine là ngoại lệ. Một nhân viên phục vụ tại đây tiết lộ, trong buổi tối 14/2, rất ít gia đình đưa trẻ em đến đây ăn dù ngày thường nơi đây khá nhiều khách nhỏ tuổi. Khách hàng chủ yếu trong tối Valentine là các cặp đôi. Từ 17h chiều đến gần 21h tối, quán gần như không lúc nào có bàn trống, doanh thu cũng tăng gần gấp 3 so với ngày thường.
Bình thường, một suất nướng gồm thịt bò, nầm, khoai tây và các loại rau ăn kèm bánh mì trên quán nướng tại phố Hồ Tùng Mậu giá chỉ 120.000-130.000 đồng. Tối qua, giá đồng loạt đẩy lên 150.000 đồng.
Tại một số nhà hàng hạng sang, khách đến đặt chỗ mà đến muộn sẽ bị mất chỗ. Anh Vịnh ở Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội kể theo kế hoạch, anh cùng người yêu sẽ có mặt ở nhà hàng Ao Ta, Huỳnh Thúc Kháng cùng với 6 đôi khác đều là bạn bè thân thiết. Sau đó, cả nhóm tới Karaoke Sunny, Xã Đàn để thi "giọng ca vàng".
Thế nhưng, kế hoạch đổ bể vì tắc đường không ai tới được quán trước 7h. Đến 6h30, nhà hàng theo đúng lịch không thấy khách đến là chuyển bàn cho những người đứng chờ. Lịch ăn của nhóm 8 người của anh Vịnh phải chuyển sang 8h20, sau khi khốn khổ với đường tắc. “Vật vã mãi, chúng tôi cũng đặt được một bàn trên tầng 2 của nhà hàng Vị Quán, Trần Huy Liệu”, anh Vịnh kể.
Thế nhưng, chấp nhận một chỗ ăn không tốt như dự kiến thì anh Vịnh lại mất chỗ hát. Bữa tối kéo dài tới 9h25 phút khiến quán karaoke mà anh đặt phòng trước phải nhường phòng cho khách khác. Gọi điện tới nhiều điểm karaoke quen thuộc như Hương Giang, 123 Thái Hà, hay Family Triệu Việt Vương... đều hết phòng, nhóm bạn đành kéo nhau ra quán cafe tại phố Trung Tự để ngồi trò chuyện.
Tối 14/2, những điểm vui chơi giải trí có tiếng tại trung tâm thủ đô đều chật kín khách. Megastar, Trung chiếu phim Quốc gia, Rạp Dân chủ... đều thông báo hết vé xem phim từ chiều. Minh Thu ở Giảng Võ, Hà Nội cho biết cô phải xếp hàng rất lâu mới mua được cặp vé lúc 11h đêm để xem cùng người yêu. Thế nhưng, mua được rồi bố mẹ cũng không cho đi với lý do kết thúc bộ phim chắc phải tới gần 1h sáng.
Hằng, nhà ở phố Hai Bà Trưng, thường xuyên đi xem phim tại Megastar (Vincom) cho biết, vào những ngày kỷ niệm đặc biệt như Valentine, để mua được vé xem chỗ tốt, khách hàng phải đặt trước 1 - 2 ngày. Còn nếu đến vào đúng ngày thì khả năng mua vé gần như không có. Đặc biệt với những bộ phim đang hot vào ngày lễ tình nhân như "Yêu không ràng buộc" thì vé đã hết từ trước rất lâu.
Cô kể lại, chiều 14/2, một anh trông dáng rất lịch sự gạ vài đôi bạn trẻ vừa đến lấy vé (đã đặt mua qua mạng từ trước), bán lại cặp vé "Yêu không ràng buộc" với giá 500.000 đồng rồi lên tới 700.000 đồng mà không được. Rút cục anh này ngán ngẩm quay về, cô bạn gái đứng chờ thì mặt 'xị' ra ở gần thang máy.
Tuệ Minh - Phan Linh Anh