Thứ năm, 7/11/2024
Thứ sáu, 17/3/2023, 16:51 (GMT+7)

Hãng phim truyện Việt Nam bị bỏ hoang

Hà NộiHầu hết phòng ban khóa cửa, xưởng thu thanh và dựng phim thành nơi chất đồ, ở Hãng Phim truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê.

Trong buổi lễ kỷ niệm 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam hôm 15/3, nghệ sĩ Trà Giang nói đau lòng khi xưởng phim truyện từng có 600 nghệ sĩ, nhân viên, làm hàng chục phim mỗi năm giờ đổ nát, hoang tàn.

Khi Hãng phim truyện cổ phần hóa năm 2017, sau nhiều mâu thuẫn về định hướng làm phim, vận hành giữa các nghệ sĩ và đơn vị chủ quản - Công ty vận tải thủy Vivaso, hiện chỉ còn vài người bám trụ, được trả lương tại hãng.

Trong giờ hành chính sáng thứ sáu, ngày 17/3, trụ sở hãng vắng vẻ, không có dấu hiệu làm việc. Cổng bảo vệ ở cửa phụ phía đường Thụy Khuê trống không.

Ở phía cổng chính, một nhóm bốn người đàn ông thuê lại sân của hãng làm bãi kinh doanh gửi xe. Họ chia ca ngày, đêm, kiêm nhiệm vụ trông coi xưởng phim.

Hầu hết phòng ban khóa cửa, một số phòng quan trọng lưu trữ phim nhựa, đạo cụ vũ khí đã được niêm phong.

Anh Hồng Sơn - phụ trách thiết bị - là người hiếm hoi có mặt ở hãng hàng ngày để kiểm đồ, cùng một bảo vệ trực theo ca, một tạp vụ. Anh cho biết nhiều nghệ sĩ, biên kịch, đạo diễn không còn đến hãng sau khi bị cắt lương, bảo hiểm từ năm 2019. Công ty vận tải thủy Vivaso hiện chỉ trả lương cho anh và một người phụ trách phục trang, vài người thuộc bộ phận hành chính, kế toán.

"Nhiều thiết bị từng được nhập từ nước ngoài với giá khá đắt, trước đây chúng tôi vẫn sử dụng để làm phim, ra tác phẩm mỗi năm, giờ đều xếp vào một góc. Nghệ sĩ, nhân viên tại hãng không phản đối cổ phần hóa. Chúng tôi mong đơn vị chủ quản thực sự hiểu về điện ảnh, có định hướng rõ ràng, tạo công ăn việc làm cho anh em, bởi nghệ sĩ ngoài làm phim đâu biết làm gì khác", anh Sơn nói.

Xưởng phim được xây dựng từ những năm 1950, gồm nhiều dãy nhà cấp bốn có một hoặc hai tầng, chia theo chức năng như khu hành chính, trường quay, phòng thiết bị, phục trang, rạp chiếu.

Các tấm mút cách âm, một số đạo cụ bỏ trên hành lang khu nhà hai tầng.

Các tấm phông, hắt sáng cùng những mảnh tủ cũ trong một căn phòng.

Rạp chiếu phim cũng đóng cửa, bàn ghế, màn hình đều cũ, bám bụi.

Xưởng thu thanh và dựng phim trước kia, giờ chất đầy đồ đạc. Cửa, ổ khóa đều cũ, hỏng.

Nhiều đạo cụ không được sắp xếp, dọn dẹp, chất trên lối đi.

Lối vào phòng riêng của các đạo diễn, khu vực hành chính trước kia giờ khóa cửa.

Một gian nhà mặt đường Nguyễn Đình Thi được cho thuê làm cơ sở kinh doanh. Chiều 17/3, ông Nguyễn Danh Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Phim truyện Việt Nam (tên trên giấy tờ của Hãng Phim truyện Việt Nam) - nói cho thuê một phần diện tích để có tiền trả lương một số nhân viên vẫn làm việc, đóng thuế hàng năm.

Ông Thắng cho rằng cơ sở vật chất của đơn vị đã xập xệ từ trước khi Vivaso tiếp quản. "Chúng tôi đầu tư vào hãng vì muốn sản xuất phim sinh lợi nhuận, nhưng chưa kịp làm gì thì đã vướng mâu thuẫn, tranh cãi về cách vận hành với các nghệ sĩ. Chúng tôi đã xin thoái vốn từ năm 2018 nhưng Nhà nước chưa mua lại số cổ phần. Theo quy định, chúng tôi cũng không được bán lại cho doanh nghiệp khác", ông Thắng nói.

Tháng 6/2017, Công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại Hãng Phim truyện Việt Nam. Ba tháng sau, nghệ sĩ và ban lãnh đạo hãng nhiều lần đối thoại gay gắt do chậm lương, không có định hướng làm phim. Tháng 9/2018, thanh tra Chính phủ kết luận việc cổ phần hóa có nhiều sai phạm, trong đó có việc cho thuê văn phòng, thuê đất trái thẩm quyền, vi phạm quản lý tài sản, kinh doanh lỗ liên tiếp.

Sau kết quả này, công ty vận tải thủy Vivaso - đơn vị giữ 65% cổ phần hãng phim - xin thoái vốn. Tuy nhiên, sau bốn năm, quá trình này chưa hoàn tất, khiến nghệ sĩ của hãng nhiều lần kiến nghị. Họ từng căng băng rôn chất vấn bị cắt lương, bảo hiểm. Mâu thuẫn giữa cán bộ, nhân viên hãng phim và chủ đầu tư dâng cao, khiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải cử thanh tra hòa giải. Tuy nhiên, đến nay, công ty vận tải thủy Vivaso vẫn chưa rút khỏi hãng. Cuối năm ngoái, các nghệ sĩ kêu cứu vì 300 phim nhựa hỏng nặng do bảo quản kém.

Hãng phim truyện Việt Nam được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật, với các tác phẩm như Chung một dòng sông, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Tư Hậu, Em bé Hà Nội...

Giang Huy - Hà Thu