Hơn 1.200 nhà khoa học quốc tế, gồm cả các cố vấn y tế chính phủ ở New Zealand, Israel và Italy, tuần qua đã gửi thư cho tạp chí khoa học Lancet, bày tỏ phản đối với kế hoạch mở cửa của chính quyền Thủ tướng Anh Boris Johnson.
"Tại New Zealand, chúng tôi luôn hướng tới Anh như vị trí hàng đầu khi nói về chuyên môn khoa học. Thật đáng chú ý khi họ lại không tuân theo các nguyên tắc cơ bản về sức khỏe cộng đồng", Michael Baker, giáo sư tại Đại học Otago và là thành viên của nhóm cố vấn về Covid-19 cho Bộ Y tế New Zealand, cho biết.
"Chúng tôi không thể hiểu tại sao Anh có thể đưa ra quyết định như vậy dù họ hoàn toàn không thiếu những người có kiến thức khoa học", giáo sư Jose Martin-Moreno của Đại học Valencia, cố vấn cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nói thêm.
Nhiều chuyên gia lo ngại vị trí của Anh như một trung tâm giao thông toàn cầu đồng nghĩa với việc bất cứ biến chủng nCoV mới nào xuất hiện tại đây sẽ nhanh chóng lan khắp thế giới. Một số người còn lo ngại nhiều chính quyền vì lý do chính trị sẽ học theo Anh mở cửa.
"Chúng tôi tin rằng chính phủ Anh đang thực hiện một thử nghiệm nguy hiểm và phi đạo đức. Chúng tôi kêu gọi giới chức Anh tạm dừng kế hoạch dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế chống Covid-19 vào ngày 19/7", các nhà khoa học nhấn mạnh trong thư gửi tạp chí Lancet.
Giáo sư Chris Whitty, Giám đốc Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh, hôm 15/7 cảnh báo số người phải nhập viện vì Covid-19 ở nước này có thể chạm ngưỡng "khá đáng sợ" trong vài tuần tới trong bối cảnh các ca nhiễm tăng cao do chủng Delta và do quyết định mở cửa.
Theo số liệu của chính phủ Anh, các ca nhiễm mới nCoV nước này đang ở mức cao nhất trong vòng 6 tháng, trong khi số người nhập viện và tử vong vì Covid-19 tăng cao nhất kể từ tháng ba. Anh hiện ghi nhận hơn 5,3 triệu ca nhiễm và hơn 128.000 ca tử vong do nCoV.
Phố Downing, quyết định bảo vệ việc dỡ bỏ gần như toàn bộ biện pháp hạn chế chống Covid-19 vào ngày 19/7, hy vọng chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 nhanh chóng sẽ ngăn số người trở nặng vì nCoV.
Ngọc Ánh (Theo Guardian)