Biểu tình đường phố diễn ra ở Yangon, thủ phủ kinh tế thương mại của Myanmar và Monywa, thành phố miền trung đất nước cùng một số thành phố khác, theo các nhân chứng và bài đăng trên mạng xã hội.
"Chúng ta có đoàn kết không? Có, chúng ta phải đoàn kết", người biểu tình hô vang ở Monywa, tuyên bố cuộc đấu tranh của họ "phải thắng lợi".
Nant Khi Phyu Aye, một người biểu tình, cho biết đa số người tham gia phong trào là thanh niên. "Họ muốn ngày nào cũng đi, không bỏ qua bất kỳ ngày nào", cô nói.
Cảnh sát giải tán một cuộc biểu tình ở Mawlamyine, bắt 20 người, theo hãng tin Hinthar Media. Ít nhất hai người bị thương, nhưng chưa có thông tin về thương vong ở các địa phương khác.
Biểu tình diễn ra một ngày sau cuộc "đình công im lặng" hôm 24/3, khi người dân kêu gọi nhau đóng cửa ở trong nhà, khiến những khu vực ngày thường nhộn nhịp như các khu trung tâm thương mại ở Yangon và Monywa trở nên vắng lặng bất thường.
Quy mô các cuộc biểu tình đường phố giảm xuống trong những ngày gần đây, sau những hành động trấn áp mạnh tay của lực lượng an ninh Myanmar, nhưng các nhà hoạt động đã kêu gọi mọi người tiếp tục xuống đường từ hôm nay.
"Bão mạnh nhất sẽ tới sau im lặng", Ei Thinzar Maung, một lãnh đạo biểu tình, viết trong bài đăng trên mạng xã hội.
Ảnh trên mạng xã hội cho thấy những buổi thắp nến cầu nguyện diễn ra khắp đất nước. Tại Thanlyin, ngoại ô Yangon, người biểu tình giương cao biểu ngữ viết "chúng tôi không chấp nhận đảo chính quân sự", trong khi nhân viên y tế mặc áo blu trắng tổ chức cuộc tuần hành vào rạng sáng ở Mandalay.
Quân đội Myanmar tiến hành cuộc đảo chính chớp nhoáng ngày 1/2, bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và nhiều quan chức chính quyền dân sự với cáo buộc xảy ra gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái. Hàng trăm nghìn người Myanmar biểu tình gần như mỗi ngày kể từ đó để phản đối đảo chính, yêu cầu thả bà Suu Kyi và kêu gọi quân đội tôn trọng kết quả bầu cử.
Lực lượng an ninh Myanmar đã mạnh tay trấn áp biểu tình, sử dụng vòi rồng, hơi cay, thậm chí cả đạn thật để đối phó, khiến ít nhất 286 người thiệt mạng, theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP).
Mỹ và các nước phương Tây đang ngày càng gây áp lực lên chính quyền quân sự Myanmar. Liên minh châu Âu (EU) đầu tuần này ra lệnh đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh với thống tướng Min Aung Hlaing, tư lệnh quân đội và lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar. Biện pháp trừng phạt tương tự cũng được áp dụng với 11 quan chức chính quyền quân sự Myanmar.
Bộ Tài chính Mỹ lên kế hoạch trừng phạt hai tập đoàn do quân đội Myanmar kiểm soát để phản đối hành động đảo chính và trấn áp biểu tình. EU nhiều khả năng cũng có hành động tương tự. Trước sức ép từ dư luận quốc tế, quân đội Myanmar hôm 24/3 thả hơn 600 người biểu tình bị bắt trong các cuộc trấn áp.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)