6h30, Thành Trung, học sinh lớp 12 ở huyện Đan Phượng, Hà Nội có mặt ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Dự thi hai môn Toán và Vật lý để xét tuyển vào ngành Sư phạm Vật lý, Trung làm bài thi Toán từ 7h đến 8h30 sáng nay, chiều làm bài Vật lý.
Năm 2022 là lần đầu tiên Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển đại học. Vì vậy, Trung không áp lực trước khi đến điểm thi, coi đây là cơ hội khác bên cạnh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Xem đề tham khảo do trường công bố, em quyết định ôn tập như bình thường bởi đề Toán và Lý có 70% câu hỏi trắc nghiệm, tương tự những đề em vẫn luyện từ cuối học kỳ I đến nay.
Tuy nhiên, đặt chân tới điểm thi, Trung hồi hộp khi thấy đông thí sinh góp mặt. "Chỉ có 50 chỉ tiêu ngành Sư phạm Vật lý xét bằng điểm thi đánh giá năng lực. Có lẽ sự cạnh tranh sẽ cao", Trung nói.
Đăng ký thi hai môn Ngữ văn và Tiếng Anh để xét tuyển vào ngành Sư phạm Tiếng Anh, phải tới 9h15, Huyền Linh, học sinh lớp 12 ở huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) mới vào ca thi. Thế nhưng, nữ sinh xuất phát từ nhà lúc hơn 4h, di chuyển hơn 80 km để đến điểm thi lúc 6h30, bằng các bạn thi ca đầu. "Lần đầu đi thi xa nhà nên em cẩn thận một chút cho tinh thần thoải mái", nữ sinh chia sẻ.
Với Huyền Linh, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội như cánh cửa thứ hai giúp em đặt chân vào ngôi trường mơ ước. Xác định rõ mục tiêu sư phạm từ sớm, Linh tập trung ôn luyện ba môn chính là Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Đăng ký thi đánh giá năng lực vào cuối tháng 3, từ đó, nữ sinh chăm làm đề tham khảo để nắm cấu trúc đề và những nội dung cần ôn lại.
"Đề thi có nội dung tương tự đề tốt nghiệp THPT nhưng khó hơn. Phần tự luận tương tự đề thi học sinh giỏi nhưng lại dễ hơn. Nếu đề chính thức cũng như vậy, thí sinh có thể làm bài mà không cần ôn tập thêm nhiều", Linh nói. Nữ sinh Bắc Giang hy vọng đạt kết quả tốt ở kỳ thi này để giảm áp lực trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp diễn ra giữa tháng 7.
Trong lần đầu triển khai, trường Sư phạm Hà Nội tổ chức tám môn thi gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Trong đó, đề Ngữ văn có 30% câu hỏi trắc nghiệm về ngôn ngữ và 70% tự luận. Các môn còn lại có 70% câu hỏi trắc nghiệm và 30% tự luận.
Để được dự thi, thí sinh cần có hạnh kiểm tất cả học kỳ ở bậc THPT từ loại Khá và điểm trung bình chung của 5 học kỳ (lớp 10, 11 và học kỳ I lớp 12) từ 6,5 trở lên. Hệ thống của trường ghi nhận gần 3.000 thí sinh đăng ký nhưng chỉ gần 2.400 em đủ điều kiện, được bố trí thành 209 phòng thi.
Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội được đăng ký tối đa hai nguyện vọng. Các nguyện vọng này hoàn toàn độc lập với xét bằng phương thức khác như dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng hay kết hợp.
Nguyên tắc xét tuyển là theo từng ngành, dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực hai môn (đã nhân hệ số và cộng điểm ưu tiên). Đối với các ngành có thi năng khiếu, trường xét tổng điểm các môn thi đánh giá năng lực cộng môn năng khiếu (đã nhân hệ số và cộng điểm ưu tiên). Thí sinh xem môn thi đánh giá năng lực, chỉ tiêu của từng ngành tại đây.
Kết quả thi sẽ được công bố ngày 31/5.