Những ngày này, từ mờ sáng, anh Nguyễn Duy Đông ở huyện Nghi Lộc (Nghệ An) chở hai máy bơm mini ra mương đưa nước vào 5 sào lúa của gia đình đã cấy hơn một tháng.
Do ruộng nứt nẻ, trời nắng nóng trên 40 độ C trong nhiều ngày, nên chỉ được vài giờ sau khi máy ngừng hoạt động thì nước ngấm và bốc hơi hết. Cánh đồng lại trở nên khô khốc.
Chi phí cho hai máy bơm nước trong 3 giờ tốn khoảng 100.000 đồng tiền xăng, nên nửa tuần thì anh Đông mới vận hành một lượt. "Bơm liên tục thì cứu được lúa nhưng không thể bù lỗ. Khoảng 10 ngày nữa nếu trời không mưa, nước cũng không còn để bơm, ruộng lúa của gia đình sẽ chết khô", anh Đông nói.
Ở huyện Nghi Lộc, nhiều cánh đồng khác cũng trong tình trạng nứt toác, có nơi lọt cả lòng bàn chân. Lúc trời nắng, nhìn từ xa đồng lúa trắng xóa như sa mạc. Theo ông Nguyễn Kim Thủy, Trưởng phòng quản lý công trình thủy lợi và nước sạch nông thôn (Chi cục Thủy lợi Nghệ An), hơn một tháng qua toàn tỉnh đã hoàn thành gieo cấy vụ hè thu theo kế hoạch với hơn 61.000 ha.
Tới nay, 3.500 ha đang thiếu nước nghiêm trọng, 10.000 ha khác trong diện bị ảnh hưởng. Các địa phương có diện tích lúa thiếu nước nhiều là các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu.
Nắng nóng kéo dài hơn một tháng qua, mực nước sông Lam xuống thấp khiến nhiều tuyến kênh dẫn không thể lấy được nguồn nước tưới. 97 hồ, đập lớn trên địa bàn chỉ còn 40 đến 70% dung tính thiết kế; hàng trăm hồ, đập nhỏ chỉ còn 20 đến 50% dung tích.
"Để cứu các cánh đồng đang thiếu nước, chúng tôi hướng dẫn nông dân tận dụng nguồn nước từ kênh mương, hồ chứa. Các trạm bơm của ngành thủy lợi cũng hoạt động tối đa", ông Thủy nói.
Ngoài lúa, hơn 500 ha hoa màu như đậu, vừng, ngô, rau... tại Nghệ An cũng trong tình trạng thiếu nước, nguy cơ chết khô trong những ngày tới.
Tại Hà Tĩnh, nhiều người dân ở huyện Hương Khê thấp thỏm khi hàng chục ha cam Khe Mây, bưởi Phúc Trạch đang héo lá, quả vàng úa, còi cọc; nhiều diện tích lúa, ngô và đậu chết cháy do nắng nóng kéo dài, thiếu nước tưới.
Đứng bên gốc cam cao 2 m, lá cháy vàng, ông Nguyễn Đình Sen, 60 tuổi, trú xã Phúc Trạch nói khoảng 2.000 gốc bưởi và cam trong trang trại đang bị héo lá. Dù ông Sen đã chi hàng chục triệu đồng lắp hệ thống ống dẫn nước để tưới cho cây, song nắng nóng kéo dài, trời không mưa khiến 30% diện tích cây ăn quả trong trang trại chết dần.
"Tôi làm mọi cách để cứu vườn cây ăn quả nhưng bất lực, giờ chỉ mong trời đổ mưa. Hàng chục năm làm trạng trại, có lẽ đây là năm thua lỗ nhất. Thiệt hại do bưởi và cam chết ước tính khoảng 100 triệu đồng", ông Sen nói.
Ngoài cây ăn quả, hàng nghìn ha hoa màu của nông dân huyện Hương Khê cũng đối mặt với nguy cơ mất trắng. Đứng nhìn ruộng ngô toàn màu vàng cháy ở xã Hương Thủy, bà Ngô Thị Tâm, 52 tuổi, trú xã Hương Thủy cho biết trồng 2 ha ngô vụ xuân, gần hai tháng nữa sẽ cho thu hoạch, song nắng nóng khiến ngô héo lá, một số cây đã trổ bắp nhưng ít hạt.
"Do nắng quá nên cây ngô không thể hấp thụ được phân đạm, dẫn tới còi cọc khó trổ bắp, cháy sém từng đám. Nếu sắp tới có mưa, năng suất thu về chỉ đạt 30% so với vụ trước", bà Tâm cho hay.
Ngoài ngô, các cây hoa màu như lúa, đậu tại huyện Hương Khê cũng không thể phát triển do nắng hạn. Tại các xã Hương Liên, Hà Linh, cây đậu bắt đầu cháy lá, khô rễ, tỷ lệ cây sống và cho thu hoạch chỉ đạt khoảng 40% mỗi sào.
Theo ông Lê Quang Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Khê, địa bàn có hơn 1.000 ha cam, bưởi; 200 ha lúa; 1.500 ha ngô và đậu bị thiếu nước trầm trọng. Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài, nhiều diện tích cây ăn quả và hoa màu không thể cứu vãn.
Hơn một tháng nay các tỉnh miền Trung trải qua nhiều đợt nắng nóng. Gần đây từ 18 đến 21/6, nắng nóng bắt đầu gay gắt, nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 37-40, một số nơi như Đô Lương (Nghệ An), Hương Khê (Hà Tĩnh) lên 41 độ C.
Đức Hùng - Nguyễn Hải