Giữa tháng 5, nắng hạn gay gắt kéo dài đã biến nhiều cánh đồng ở xã Phổ Cường, tâm điểm hạn hán của tỉnh, thành đồng hoang. Gốc rạ và mạ non mọc lên sau vụ Đông - Xuân thành thức ăn cho trâu bò.
Nhiều ngày qua, ông Dương Hiển Bình, 83 tuổi, ở thôn Mỹ Trang không ra đồng, vì 5 sào lúa của ông không thể sản xuất. Nguồn thu nhập còn lại của gia đình là hai ao nuôi cá với diện tích 4 sào, thì một ao đã cạn tới đáy, một ao đã chỉ còn lại lớp nước đủ để vịt không mắc cạn.
"Tôi cải tạo hai cái ao này đã 10 năm, chưa năm nào cạn tới đáy như năm nay", ông Bình nói và tiết lộ, nếu ao có nước, một vụ cá ông có thể kiếm được 40-50 triệu đồng.
Xuống ao để cắt rau muống về ăn trưa, ông Bình buồn khi thấy nhiều xác cá rô phi, cá tràu chết khô trên mặt đất nứt nẻ. Vừa lội xuống bùn, ông Bình lại thấy đám cá mắc cạn ngắc ngoải giãy giụa. "Khi nào bùn khô hết cá mới chết, giờ bắt xong phải đi rửa bùn thật kỹ mới ăn được", ông nói.
Bầy vịt hơn 1.000 con của ông Bình, ngày thường ở trong ao bên cạnh thì nay phần lớn phải lùa "di tản" ở kênh mương gần đó.
Cách hai ao nuôi cá của ông Bình khoảng 100 m là cánh đồng thôn Mỹ Trang. Cánh đồng này gần một cống nước dưới chân cầu đường sắt, chưa có năm nào phải dừng sản xuất lúa vụ Hè - Thu. Nhưng năm nay, chỉ còn một vài hộ trên đồng, thay lúa bằng đậu.
Chị Phạm Thị Thấm, chủ 7 sào lúa đã chuyển đổi hoàn toàn sang trồng đậu trong vụ này. Những ngày qua, chị dùng ống dẫn nước từ cống xuống ruộng để tưới đậu. "Nhưng nếu nắng nóng kéo dài thì không biết cây đậu có chịu nổi không", chị lo lắng.
Với địa chất nhiều đất đá dưới lòng đất, lại xa nguồn nước, xã Phổ Cường luôn là tâm điểm của hạn hán trong tỉnh, nhưng chưa năm nào người dân lâm vào cảnh quay quắt như năm nay.
Ông Võ Cương, Phó chủ tịch xã Phổ Cường cho biết, ba hồ ở địa phương nhưng chỉ tưới được 95 ha sản xuất được trong đó có 50 ha lúa, và 45 ha hoa màu; còn 700 ha lúa bị thiếu nước hoàn toàn, phải bỏ hoang.
Không chỉ thiếu nước sản xuất, nhiều giếng nước sinh hoạt ở xã Phổ Cường cũng bị cạn, nhiễm phèn. Từ 2019 đến nay, chính quyền và người dân đã đào thêm khoảng 15 giếng nước, với độ sâu hơn 80 m, nhưng nước sinh hoạt vẫn thiếu thốn.
Nếu nắng hạn vẫn kéo dài hết tháng 5, xã kiến nghị cấp trên xin thêm kinh phí để đóng giếng sinh hoạt; đồng thời xin xả nước từ hồ đập về sông suối cho gia súc, gia cầm.
Theo Phòng Nông nghiệp Thị xã Đức Phổ, năm nay trữ lượng nước của các hồ đập chỉ bằng 50-60% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ đầu năm nay, huyện đã chỉ đạo các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng với những vùng thiếu nước, từ lúa chuyển sang trồng đậu, mè, ngô; nhà nước sẽ hỗ trợ 50% giống, 50% vật tư. Còn những vùng không có nước thì dừng hoàn toàn sản xuất.
Ông Nguyễn Mậu Văn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ngãi cho biết, toàn tỉnh có 1.350 ha diện tích sản xuất lúa bị bỏ hoang vì nắng nóng kéo dài. Theo dự báo, từ tháng 4 đến tháng 8, lượng mưa trong tỉnh thấp hơn trung bình các năm 30%, trong khi nền nhiệt độ cao hơn các năm 0,5 - 1,5 độ C.
Trong khi lượng nước các hồ chỉ bằng 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Sở Nông nghiệp đã chỉ đạo sửa chữa các kênh mương để tránh thất thoát nước, đồng thời khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hiện tỉnh Quảng Ngãi đã trình Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp xin Trung ương kinh phí chống hạn cho tỉnh Quảng Ngãi khoảng 150 tỷ đồng.