Cầu cảng container VICT ở quận 7 chỉ tiếp nhận cùng lúc được 3 tàu, trong khi mỗi tuần có khoảng 24 lượt tàu cập cảng để bỏ hàng. Mặt bằng hạn hẹp, cảng buộc phải xếp 6-7 tầng container, nên khi cần lấy hàng thì phải đảo nhiều container, có doanh nghiệp phải đợi đến 7-8 ngày mới đến lượt. Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, khi muốn lấy một lô hàng ra khỏi cảng lại phải hạ bãi, nhiều lần di chuyển container từ lô này qua lô khác, tầng này qua tầng khác.
Theo ghi nhận của VnExpress chiều 26/5, hai cảng Cát Lái và Tân Cảng có hàng nghìn container đang bị ùn tắc. Theo hải quan cảng, hàng hóa ùn tắc tại cảng Cát Lái từ sau Tết, đặc biệt là hàng nhập chiếm đến 80% dung lượng bãi.
Ngày 16/4, Tổng Giám đốc công ty Tân Cảng Sài Gòn đơn vị chủ quản 2 cảng Cát Lái và Tân Cảng, đã quyết định chuyển những container hàng nhập ở cảng Cát Lái có thời gian lưu bãi quá 30 ngày về cảng Tân Cảng để giao cho khách hàng.
Tuy nhiên việc điều chuyển này cũng nhanh chóng làm cho cảng Tân Cảng rơi vào tình trạng tắc nghẽn, không thể tiếp nhận thêm hàng hóa do lượng container tồn tăng quá nhanh. Bên cạnh đó, theo đại diện cảng, dù đã vận dụng tối đa năng lực của các phương tiện vận chuyển container từ cảng Cát Lái đi các nơi, ưu tiên bãi cho hàng nhập nhưng việc giải tỏa vẫn bị chậm trễ do lượng container quá nhiều. Hậu quả là nhiều khách hàng phải chờ đợi cả chục ngày để lấy hàng.
Tàu container cập cảng Khánh Hội để dỡ hàng. Ảnh: An Nhơn. |
Chiều qua, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TP HCM đã làm việc với Công ty Tân Cảng Sài Gòn và cảng VICT để tìm giải pháp tháo gỡ tình trạng ách tắc hàng hóa nghiêm trọng tại các cảng của hai đơn vị này. Trao đổi với VnExpress, bà Hồng cho biết chỉ mới nghe ý kiến của hải quan, lãnh đạo cảng để tìm hướng xử lý chứ chưa biết giải tỏa như thế nào.
Tuy nhiên UBND thành phố vẫn yêu cầu các cảng chậm nhất đến 15/6 phải giải phóng lượng hàng đang kẹt, kể cả những hàng hóa vi phạm cũng cần nhanh chóng có biện pháp xử lý để trả lại mặt bằng. Đặc biệt với mặt hàng sắt thép, phôi thép... cần phải có phương án giải tỏa ngay, ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp ghim hàng chờ tăng giá.
Theo lãnh đạo các cảng, tình trạng ách tắc hàng hóa hiện nay do 3 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, do đầu năm tỷ suất USD/VND thấp, các doanh nghiệp đua nhau nhập hàng, khiến lượng hàng hóa tăng đột biến. Bốn tháng đầu năm, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Cát Lái tăng 21% so với cùng kỳ năm 2007, trong đó hàng nhập khẩu tăng trên 43%.
Tại cảng VICT của Công ty liên doanh Phát triển tiếp vận số 1, lượng hàng hoá về cảng từ đầu năm đến nay tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng hàng hóa tăng đột biến này đã vượt quá năng lực của các phương tiện vận chuyển, bốc dỡ container tại cảng.
Theo lãnh đạo các chi cục hải quan, hiện tượng quá tải tại các cảng đã được ngành cảnh báo từ trước, vì cơ sở hạ tầng, bến bãi, cầu tàu ở các cảng hiện nay không đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hoá.
Nguyên nhân thứ hai là tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng đang diễn ra trên địa bàn thành phố trong thời gian vừa qua. Trước đây, một xe container chạy được 3 chuyến mỗi ngày, nhưng hiện nay, mỗi ngày xe chỉ chạy được một chuyến. Khó khăn càng thêm chồng chất với các cảng VICT, Lotus... từ khi có chủ trương cấm xe trọng tải quá 25 tấn qua cầu Tân Thuận.
Nguyên nhân thứ ba được cho là do nhiều doanh nghiệp không có tiền để giải phóng hàng hóa. Chính sách thắt chặt tiền tệ của ngân hàng đang gây nhiều khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó lại có nhiều ý kiến cho rằng, nhiều doanh nghiệp đang cố tình chây ỳ, găm giữ hàng hóa tại cảng để chờ tăng giá trong thời gian tới.
Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng hàng, tránh việc điều chuyển qua lại giữa các cảng, Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã đề nghị Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I cho phép container có cảng đích về Tân Cảng có thể làm thủ tục nhận hàng trực tiếp tại cảng Cát Lái. Từ 22/5 công ty này đã ngừng vận chuyển các container hàng nhập có cảng đích là cảng Tân Cảng.
Công ty liên doanh Phát triển tiếp vận số 1 - đơn vị quản lý cảng VICT, đề xuất cả những biện pháp vi mô lẫn vĩ mô, như nhanh chóng sửa chữa cầu Tân Thuận 1, phân luồng cầu Tân Thuận 2; thành phố cần quan tâm phát triển hệ thống giao thông đường thủy nội địa để giảm gánh nặng cho hệ thống giao thông bộ. Đơn vị này cũng đề nghị TP HCM tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh cảng thuê thêm bến bãi để mở rộng diện tích.
Tuy nhiên trên thực tế những vấn đề cốt lõi gây ra tình trạng ùn tắc ở các cảng Sài Gòn rất khó tháo gỡ ngay. Hàng hóa vẫn ùn ùn đổ về, hàng chục tàu hàng nhập đang tập trung tại các cảng Hàn Quốc, Singapore... để chờ vào Việt Nam. Năng lực bốc dỡ, cung ứng dịch vụ của các cảng đã vận dụng tối đa vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Tình trạng tắc đường, kẹt xe được dự báo là chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều khi sắp tới lại có thêm nhiều tuyến đường sẽ bị đào lên. Theo lộ trình, cầu Tân Thuận 1 phải đến cuối năm mới sửa chữa xong, còn cầu Tân Thuận 2 thì vẫn chưa được phân luồng.
Đắc Kiên