Theo phản ánh của công nhân, khi thông báo tuyển dụng, công ty nói sẽ trả lương tháng 1,4-1,6 triệu đồng, nhưng thực tế chỉ trả 1,2-1,5 triệu đồng. Giá cả leo thang, công ty không có những khoản trợ cấp đi lại, độc hại, mà còn trừ lương rất mạnh tay với những người không đủ sản lượng. Tập thể công nhân đã kiến nghị nhiều lần, nhưng không được giám đốc chấp nhận.
Trong quá trình đình công, do chen lấn, xô đẩy, công nhân Tạ Thu Trang đã bị ngất và phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. “Nhưng hôm nay, công nhân Trang đã đi làm và có bản tường trình sự việc”, ông Nguyễn Văn Thuộc, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội, người đang làm việc trực tiếp với Công đoàn KCN Thăng Long, thông tin.
Ông Thuộc cho biết, sau khi được liên đoàn lao động của thành phố, của huyện Đông Anh và công đoàn KCN Thăng Long xuống giải thích, chiều 31/5, công nhân đã đi làm trở lại. Họ cũng đã gửi bản kiến nghị với 34 điểm đến ban giám đốc yêu cầu được trả lời. “Lãnh đạo công ty cam kết đến sáng 4/6 sẽ giải đáp những kiến nghị này”, ông Thuộc nói.
Trước đó, tại Hải Phòng và Bắc Giang đã xảy ra đình công. Ở Bắc Giang chủ và thợ đã xô xát gây thương tích. Công nhân cho rằng lương thấp, không đảm bảo những nhu cầu sống tối thiểu và đề nghị doanh nghiệp tăng lương.
Đăng đàn Quốc hội ngày 31/5, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân thừa nhận cuối năm 2007 và đầu năm 2008, đình công diễn ra "chỉ là cá biệt và không phải phức tạp lắm". Nguyên nhân là chủ sử dụng vi phạm pháp luật về lao động; nhận thức, hiểu biết về pháp luật của lao động còn thấp, không thông qua người đại diện để đàm phán thương lượng mà dùng vũ khí cuối cùng là đình công, nghỉ việc.
Trước tình hình đó, Chính phủ thành lập Ủy ban quốc gia về quan hệ lao động để tham mưu, tư vấn giải quyết đình công. Bộ sẽ tăng cường thanh tra việc thực hiện pháp luật về lao động để kịp thời xử lý vi phạm. "Tuy nhiên, lực lượng thanh tra rất mỏng nên không thể nào đủ sức để có thể đi kiểm tra hết tất cả những doanh nghiệp", bà Ngân thừa nhận.
Hồng Khánh