Thứ tư, 1/5/2024
Thứ sáu, 7/7/2023, 11:31 (GMT+7)

Hàng loạt ôtô siêu trường đỗ giữa đường tiếp nước

Quảng TrịMỗi ngày, hàng trăm lượt xe siêu trường siêu trọng đỗ chiếm hết một làn quốc lộ 9 và đường Hồ Chí Minh nhánh tây để tiếp nước, rửa xe, gây nguy hiểm cho phương tiện khác.

Hai xe siêu trường dừng tiếp nước, rửa xe trên cầu Khe Đo 2, Km262 đường Hồ Chí Minh nhánh tây, đoạn qua xã Tà Long. Đây là đoạn vào cua, nằm ở góc khuất khiến phương tiện khác gặp khó khi lưu thông.

Tình trạng các điểm tiếp nước, rửa xe tự phát mọc lên dọc quốc lộ 9 và đường Hồ Chí Minh nhánh tây qua huyện Đakrông đã diễn ra khoảng một tháng qua. Theo thống kê của Văn phòng quản lý đường bộ II.5, có 29 điểm tiếp nước tự phát qua các xã Đakrông, Tà Long, Húc Nghì, Tà Rụt, A Ngo.

Bà Hồ Thị Minh (trú xã Tà Long, huyện Đakrông) cho biết thấy nhiều người tự lắp đặt đường ống bơm nước cho xe tải, hai tuần trước, bà vay mượn chị em, họ hàng hơn 10 triệu đồng để đầu tư hệ thống ống dẫn nước tự chảy trên núi về làm dịch vụ.

Điểm tiếp nước của bà nằm ở góc cua cầu Khe Đo 2, sát lề đường. Bà dựng một lều bạt tạm để ăn ngủ, chờ xe tải. Nhằm hạn chế nước chảy thấm vào taluy đường, bà Minh trải một tấm bạt bên dưới dòng nước.

Một xe tải biển kiểm soát Lào chở than đá từ cửa khẩu quốc tế La Lay về dừng tiếp nước vào hai thùng phi. Bà Minh cho hay mỗi xe dừng từ 20 đến 60 phút tiếp nước, rửa xe. Xe nhiều lấy 500-700 lít nước vào nhiều thùng chứa. Một xe, bà được trả 30.000 đồng. Mỗi ngày, bà kiếm được 200.000-300.000 đồng. Đây là khoản thu nhập khá với người phụ nữ Pa Kô này vì nguồn thu chủ yếu của họ đến từ nương rẫy.

"Bơm nước ngay trên đường, xe chạy nhiều tôi sợ lắm nhưng vẫn phải làm để có thêm thu nhập", người phụ nữ 50 tuổi nói.

Trong lúc bà Minh tiếp nước vào thùng, tài xế xe tải dùng vòi rửa xe, xịt làm mát các bánh xe và tắm rửa.

Ở đầu còn lại của cầu Khe Đo 2, ông Hồ Văn Tài cũng làm một điểm tiếp nước. Ông dựng lán che bạt tạm bợ sát đường, tấm biển bằng bìa giấy ghi "Nước mui" kèm số điện thoại để tài xế liên hệ. "Phần lớn xe về buổi tối nên phải thức khuya, ăn ngủ ở lán luôn", ông Tài cho hay.

Không có vỉa hè, sân bãi, các xe siêu trường siêu trọng dừng đỗ, chiếm hết một làn đường. Nước chảy lênh láng trên mặt đường.

Khi có khách, ông Tài huy động vợ con phụ việc. Con gái ông đang tiếp nước vào hai bồn bên hông xe. Hai người phụ nữ đứng hẳn ra giữa đường Hồ Chí Minh để bơm nước bất chấp nhiều ôtô qua lại.

Tương tự, dọc quốc lộ 9, hàng chục điểm tiếp nước cũng đã mọc lên. Ở đây không có nước nguồn tự chảy nên người dân phải kéo điện, dùng máy bơm nước từ sông Đakrông lên để phục vụ các xe đầu kéo chở than từ Lào về Việt Nam. Nửa đầu năm 2023, xe tải chở than từ Lào về tăng đột biến, mỗi ngày có 400-500 lượt xe.

Một điểm tiếp nước nằm trên đỉnh dốc ở quốc lộ 9, đoạn qua xã Đakrông. Do xe đầu kéo chiếm hết nửa làn đường, xe tải cùng chiều phải lấn qua làn ngược chiều. Ở phía đối diện, một chiếc xe chở khách cũng đang chạy tới.

Quốc lộ 9 và đường Hồ Chí Minh chỉ có hai làn đường nên khi các xe dừng lại, chiếm dụng lòng đường, các phương tiện còn lại sẽ phải lấn làn để vượt qua.

Hai xe đầu kéo dừng sát nhau chờ tiếp nước trên đường Hồ Chí Minh nhánh tây.

Theo Văn phòng quản lý đường bộ II.5, các điểm tiếp nước làm nước chảy tràn ra mặt đường quốc lộ, nguy cơ hư hỏng hạ tầng, ảnh hưởng trật tự, an toàn giao thông. Các hành vi này vi phạm Điều 8 luật Giao thông đường bộ về việc "lấn chiếm, sử dụng trái phép đất đường bộ, hành lang an toàn đường bộ", Nghị định 100/2019 về "xả nước ra đường bộ không đúng quy định", "sử dụng trái phép đất đường bộ làm nơi bơm nước mui, ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông".

Lãnh đạo Trạm cảnh sát giao thông đường 9 (thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Quảng Trị) đã đề xuất cắm biển cấm dừng đỗ ở các vị trí vào cua, góc khuất nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Hoàng Táo