Đi chuyến bay VN1231 từ sân bay Nội Bài đi Phú Quốc chiều 4/7, chị Quỳnh Như (Hà Nội) kể, máy bay đã đón toàn bộ hành khách lên khoang và di chuyển ra đường băng lúc 15h15. Tuy nhiên tất cả hành khách phải ngồi chờ thêm một giờ máy bay mới chính thức bay vào 16h15. Trong nhóm chị, một số người đã ngủ một giấc rồi tỉnh dậy máy bay mới cất cánh.
Theo chị Quỳnh Như, không chỉ máy bay của chị phải chờ trên đường băng mà còn 5 chiếc khác xếp hàng dài đằng sau chờ cất cánh. Tiếp viên thông báo là do lý do khai thác nên máy bay chậm khởi hành.
"Chúng tôi đã theo khuyến cáo của hãng ra sân bay sớm 2 giờ song lại bị ách tắc trên đường băng, chờ đợi trong khoang máy bay mệt mỏi, căng thẳng còn hơn ngồi ở nhà ga", chị Như nói.
Chiều từ Phú Quốc về Hà Nội hai ngày sau, chuyến bay của chị Như cũng hạ cánh muộn hơn dự kiến tại sân bay Nội Bài khoảng 15 phút. Theo chị Quỳnh Như, "có vẻ như máy bay phải bay vài vòng để chờ hạ cánh".
Theo một số hãng hàng không, tình trạng máy bay chậm chuyến và xếp hàng chờ đường băng bắt đầu xảy ra từ 1/7, khi đường cất hạ cánh 25R/07L của sân bay Tân Sơn Nhất và đường cất hạ cánh 11L/29R của sân bay Nội Bài phải đóng cửa để nâng cấp, sửa chữa. Các hãng Vietnam Airlines, Bamboo Airways liên tục thông báo điều chỉnh lịch bay và khuyến cáo hành khách ra sân bay sớm trước thời gian khởi hành 2 giờ.
Đại diện Vietnam Airlines cho hay không chỉ nhiều chuyến bay của hãng bị ảnh hưởng, như chậm giờ khởi hành hoặc phải bay chờ hạ cánh tại hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, mà còn ảnh hưởng chậm chuyến dây chuyền ở các sân bay khác.
Trước đây chỉ số đúng giờ (OTP) của các chuyến bay Vietnam Airlines thường đạt trên 90%, song từ ngày các đường băng phải đóng cửa, chỉ số OTP giảm mạnh trên toàn hệ thống, dao động từ 56 đến 88%. Cá biệt vào cuối tuần qua (3/7), chỉ số OTP chỉ đạt 56% và ngày 5/7 đạt 67%.
Hãng Bamboo Airways đã phải tiến hành điều chỉnh giờ bay hơn chục chuyến bay mỗi ngày trên mạng lưới, do ảnh hưởng việc sửa chữa đường băng của hai sân bay lớn. Ngoài ra, hãng này cũng hủy nhiều chuyến bay chặng TP HCM - Đà Nẵng, TP HCM - Phú Quốc.
Một lãnh đạo Vietjet Air cho hay, từ 1/7, các máy bay thường phải đợi lâu ở hai đầu sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, phần lớn máy bay cất cánh phải chờ máy bay hạ cánh. Việc sửa chữa đường băng đúng vào dịp cao điểm bay nội địa, nhu cầu hành khách đi lại cao nên càng dẫn đến ùn tắc.
Về giải pháp, lãnh đạo Vietjet Air đề xuất, có thể giảm giãn cách giữa hai tàu bay chuẩn bị đáp xuống từ 5 dặm xuống 3 dặm, qua đó các tàu bay hạ cánh được nhanh hơn, giúp giải tỏa nhanh máy bay xếp hàng chờ cất cánh ở sân bay.
Theo ông Tô Tử Hà, Phó giám đốc sân bay quốc tế Nội Bài, trước đây máy bay lên xuống liên tục trên hai đường băng, nay chỉ có một đường băng. Sân bay này đã giảm xuống còn 27 chuyến cất, hạ cánh mỗi giờ (trước đây có 36 lượt chuyến cất). Do đó, việc máy bay ùn tắc trên đường lăn xảy ra liên tục, từ 8h sáng - khi các chuyến bay từ TP HCM bay ra, kéo dài đến 17h hàng ngày.
"Chúng tôi đã đề xuất Cục Hàng không cho giãn chuyến bay vào các giờ thấp điểm vào buổi tối và ban đêm. Vì sau 19h, số lượt cất hạ cánh hiện nay chưa đạt 27 chuyến mỗi giờ", ông Tô Tử Hà nói.
Về phía Cục Hàng không Việt Nam, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng cho biết, để giải quyết ùn tắc máy bay tại hai sân bay lớn, trong tuần này, các cơ quan như cảng vụ, các hãng hàng không, Tổng công ty cảng hàng không và cơ quan không lưu sẽ rà soát, chấn chỉnh lại hoạt động, điều hành bay; điều chỉnh cơ cấu, tỷ lệ chuyến cất hạ cánh cũng như bố trí lại giờ cụ thể từng chuyến trong từng khung giờ.
"Số lượng chuyến bay cất hạ cánh tối đa theo giờ sẽ giữ nguyên song sẽ được điều hành hợp lý hơn ngay trong tuần này", ông Thắng nói.
Lãnh đạo Cục Hàng không cũng đã yêu cầu Tổng công ty quản lý bay trực tiếp làm việc với các đơn vị điều hành bay tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất để áp dụng các biện pháp rút ngắn phân cách máy bay theo tiêu chuẩn 3 dặm biển trong khu vực tiếp cận để các máy bay hạ cánh nhanh hơn; tăng cường phối hợp giữa đơn vị điều hành máy bay lăn và máy bay cất hạ cánh. Trong trường hợp có nhiều máy bay chờ cất cánh thì không cho các máy bay khác nổ máy, lăn ra khu vực cất cánh.
Ngày 7/7, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã gửi thư đến hành khách đi máy bay về việc sửa chữa đường băng hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Bức thư có đoạn: "Việc luân phiên đóng cửa đường cất hạ cánh để nâng cấp, cải tạo cho đến khi hoàn thành toàn bộ các dự án trước Tết Nguyên đán năm 2022 sẽ ảnh hưởng đến năng lực khai thác, kế hoạch khai thác của các hãng hàng không cũng như của các cảng hàng không liên quan, dẫn đến ảnh hưởng kế hoạch đi lại, cũng như tạo nên sự phiền toái nhất định đối với quý khách, Bộ Giao thông vận tải và các hãng hàng không rất mong nhận được sự chia sẻ, thông cảm của quý hành khách".