Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Mỹ khiến Tổng thống Donald Trump phải công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Đến ngày 14/3, Mỹ ghi nhận hơn 2.200 ca nhiễm, 48 người chết và hơn 40 người khỏi bệnh. Mỹ cũng đã cấm công dân từ 26 quốc gia châu Âu vào Mỹ trong 30 ngày kể từ đêm 13/3 và có thể áp đặt thêm hạn chế đi lại với Anh và một số quốc gia khác.
Sự bùng nổ của Covid-19 sẽ tác động tiêu cực đến lao động, lạm phát và GDP của Mỹ. Phải sau một tháng mới có số liệu chính thức, nhưng 5 chỉ số thường xuyên được cập nhật dưới đây cho thấy cách mà người tiêu dùng phản ứng với khủng hoảng.
Theo các chuyên gia kinh tế, chi tiêu của người dân đóng góp 70% cho nền kinh tế, vì vậy bất kỳ sự đình trệ nào có thể phá huỷ sự phát triển và là mối nguy với nền kinh tế. Một số lĩnh vực đã bắt đầu nhận thấy sự ngưng trệ.
Khách sạn
Tỷ lệ lấp đầy khách sạn Mỹ giảm từ mức 66,6% xuống còn 62% chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 3, đặc biệt giảm mạnh ở các bang California, NewYork và Washington, theo công ty nghiên cứu thị trường STR.
Ở Seattle, nơi đầu tiên dịch bệnh bùng phát ở Mỹ, tỷ lệ lấp đầy khách sạn xuống 52%, thấp nhất trong 25 bang đứng đầu. Nhiều khách sạn ở miền Nam California trống phòng khi Disneyland đóng cửa từ Chủ nhật (15/3).
Chi tiêu người dân vào chỗ ở chiếm 0,8% GDP, dữ liệu của Phòng Thương mại cho biết. Khoản chi tiêu này có thể rớt xuống còn một nửa nếu nhìn từ những gì đã xảy ra sau thảm hoạ 11/9, theo Renaissance Macro Research.
Nhà Trắng đang cân nhắc một loạt biện pháp giải cứu ngành du lịch, như hỗ trợ khách sạn cũng như các hãng hàng không và đại lý du lịch.
Rạp chiếu phim
Cả ngành công nghiệp phim ảnh, từ những chuỗi lớn nhất cho đến các rạp nhỏ lẻ đều ghi nhận sự giảm sút vì lo ngại dịch lây lan.
Tập đoàn giải trí AMC - dẫn đầu thị trường, cho biết họ sẽ giảm một nửa số vé bán ra cho mỗi suất chiếu, như ở NewYork, California và Washington.
Trong khi nhiều người tránh xa các đám đông theo lời khuyên của các chuyên gia y tế, một số bộ phim hấp dẫn vẫn thu hút người xem. Tuy nhiên, việc các studio dời lịch chiếu của một số bộ phim "No Time to Die" của James Bond hay "Mulan" của Disney chắc chắn sẽ khiến các rạp phim thêm vắng vẻ.
Bán lẻ
Báo cáo về doanh thu bán lẻ hàng tuần của Johnson Redbook là tia sáng duy nhất khi người dân vẫn mua sắm mặc dù họ chuyển sang một số mặt hàng thiết yếu để đối phó với dịch bệnh.
Doanh thu trong tuần đầu tháng 3 tăng 6%, phản ánh nhu cầu tăng tại các cửa hàng giảm giá, trong khi cửa hàng trong trung tâm thương mại sụt giảm. Các sản phẩm bán chạy nhất là dược phẩm, sản phẩm làm sạch, vật dụng gia đình, hàng tiêu dùng, thực phẩm và nước uống.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng
Chỉ số niềm tin tiêu dùng của Mỹ giảm tuần thứ 6 liên tiếp – quãng thời gian giảm dài nhất từ 2015, theo Bloomberg. Niềm tin vào tình hình tài chính của họ bị lung lay mạnh khi chứng kiến thị trường chứng khoán rớt giá thảm hại.
Richard Curtin, người đứng đầu khảo sát của Đại học Michigan cho biết, Covid-19 chưa tạo ra "hoảng loạn kinh tế", tương tự với giai đoạn đầu của cuộc suy thoái 2007-2009. So với đợt suy thoái 2008, niềm tin người tiêu dùng vẫn ở mức cao, tuy nhiên sự sụt giảm rất có thể sẽ xảy ra.
Quỳnh Trang (theo Bloomberg)