Ngày 11/10, Bộ trưởng Giao thông Vận tải thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội tình hình triển khai dự án đường sắt quốc gia và đô thị. Được đánh giá thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, kết nối giữa các vùng miền do vận chuyển khối lượng lớn, song việc triển khai các dự án đường sắt đều chậm so với kế hoạch.
Với các tuyến đường sắt quốc gia, quy hoạch năm 2015 đề ra mục tiêu cải tạo, nâng cấp 7 tuyến là Hà Nội - TP HCM, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lạng Sơn, Kép - Chí Linh, Kép - Lưu Xá.
Tuy nhiên, đến nay ngành giao thông mới cải tạo, nâng cấp các điểm xung yếu của 2 trong 7 tuyến là Hà Nội - TP HCM, Hà Nội - Lào Cai. Các nút thắt lớn về vận tải trên tuyến đường sắt Bắc Nam chưa được cải tạo như khu vực đèo Hải Vân, đèo Khe Nét, khu gian Hòa Duyệt - Thanh Luyện.
Đối với các dự án xây dựng mới, mục tiêu là sử dụng toàn tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân dài 129 km, tuy nhiên hiện nay mới hoàn thành xây dựng mới đoạn Hạ Long - Cái Lân dài 5,6 trong 41 km, đạt 14%, đoạn còn lại bị treo do thiếu vốn.
Với tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đang được Hội đồng thẩm định nhà nước xem xét, chưa được trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.
Các tuyến đường sắt quan trọng như vành đai phía đông Hà Nội, Biên Hòa - Vũng Tàu, kết nối cảng biển Hải Phòng - Lạch Huyện mới dừng ở nghiên cứu.
Đặc thù phát triển đường sắt đòi hỏi nguồn lực lớn, dài hạn, lợi thế thương mại so với các lĩnh vực khác thấp nên chủ đạo vẫn từ đầu tư công. Chính phủ cho biết, trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn cần cho phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt là hơn 15.460 trong tổng số 272.700 tỷ đồng kế hoạch vốn.
Tuy nhiên, năm 2022, nguồn vốn đầu tư dành cho phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt được bố trí qua Bộ Giao thông Vận tải là hơn 1.830 trong 50.320 tỷ đồng. Vốn ngân sách dành cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt là 3.000 tỷ đồng, đạt khoảng 40% so với nhu cầu.
Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội xem xét ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư phát triển lĩnh vực đường sắt trong từng giai đoạn của kế hoạch trung hạn, đặc biệt ưu tiên dành nguồn lực đầu tư riêng cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, huy động nguồn lực của các địa phương để tham gia dự án.
Với đường sắt đô thị, trên địa bàn TP Hà Nội và TP HCM đang có 6 tuyến cần triển khai. Ngoại trừ tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được đưa vào khai thác từ tháng 10/2021 thì 5 tuyến còn lại đều đang giai đoạn xây dựng hoặc chuẩn bị đầu tư dù đã được khởi động 5-10 năm trước.
Tại Hà Nội, dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội được triển khai từ năm 2009, phê duyệt điều chỉnh dự án năm 2019, 2020 với tổng mức đầu tư 1.176 triệu Euro. Đến nay, tiến độ chung dự án đạt khoảng 75%, tiến độ đoạn trên cao Nhổn - Kim Mã đạt 96%. Đến nay, 9/10 hợp đồng các gói thầu cần phải ký kết các phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian thực hiện và bổ sung chi phí.
Hà Nội đang rà soát, đề xuất Chính phủ phê duyệt điều chỉnh kéo thời gian thực hiện dự án đến năm 2027, trong đó vận hành đoạn trên cao từ cuối năm 2022; vận hành toàn tuyến từ năm 2027. Đồng thời, tổng mức đầu tư tăng từ 32.910 lên hơn 34.820 tỷ đồng (tăng thêm 1.910 tỷ đồng), trong đó phần vốn ngân sách thành phố tăng 3.895 tỷ đồng, vốn vay ODA giảm hơn 1.970 tỷ đồng.
Hai dự án khác là tuyến số 1 đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi và tuyến 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo vẫn đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư. Cụ thể, tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi đã được phê duyệt đầu tư năm 2008, điều chỉnh dự án vào năm 2017 với tổng vốn hơn 19.040 tỷ đồng. Dự án bị chậm do gặp nhiều vướng mắc liên quan đến vị trí, phương án kiến trúc cầu đường sắt mới vượt sông Hồng, hướng tuyến đoạn ga Gia Lâm đến ga Nam Long Biên, giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật khó khăn.
Tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được phê duyệt dự án đầu tư năm 2008 với tổng mức đầu tư 19.555 tỷ đồng. Hiện Hà Nội triển khai rà soát, hoàn thiện báo cáo đề xuất Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án gồm: Điều chỉnh phương án vị trí, tổng mặt bằng ga ngầm C9 khỏi vùng bảo vệ II để giảm thiểu ảnh hưởng đến di tích Hồ Gươm, tăng tổng mức đầu tư từ 19.555 tỷ đồng lên hơn 35.670 tỷ đồng (tăng hơn 16.120 tỷ đồng).
Tại TP HCM, tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên được UBND TP HCM phê duyệt năm 2007, điều chỉnh 4 lần với tổng mức đầu tư hơn 43.750 tỷ đồng. Toàn dự án đạt khối lượng khoảng 92%, TP HCM đang đề xuất điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công là cuối quý IV/2023, kết thúc dự án từ năm 2024 đến hết năm 2028.
Tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương được phê duyệt năm 2010, điều chỉnh hai lần sau đó với tổng mức đầu tư 47.890 tỷ đồng. Đến nay, dự án giải ngân vốn được hơn 4.610 tỷ đồng, đạt 35% trên tổng vốn đầu tư. TP HCM kiến nghị điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, hoàn thành khai thác năm 2030.
Theo Chính phủ, đối với đường sắt quốc gia, hiện thị phần vận tải chỉ đạt mức 1-2% về hành khách và 1-3% về hàng hóa, không đạt chỉ tiêu đề ra do chất lượng kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập.
Đối với đường sắt đô thị, thị phần chưa đáp ứng được 15-20% nhu cầu vận tải hành khách công cộng như quy hoạch đề ra.