Trong báo cáo thẩm định quy hoạch cảng hàng không trình Bộ Giao thông Vận tải đầu tháng 5, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị giữ nguyên số lượng 28 sân bay trên toàn quốc đến năm 2030; đến năm 2050 bổ sung thêm sân bay Cao Bằng. Như vậy, đề xuất quy hoạch sân bay trước đó của các tỉnh Hà Giang, Bắc Giang, Ninh Bình, Bình Phước, Hà Tĩnh đều chưa được chấp thuận.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng Kế hoạch Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), Cục Hàng không Việt Nam và đơn vị tư vấn đã đưa ra 6 tiêu chí chính, 22 tiêu chí chi tiết để xem xét quy hoạch cảng hàng không mới.
6 tiêu chí là dự báo nhu cầu sản lượng hành khách, vai trò thúc đẩy kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, khẩn nguy cứu trợ, điều kiện tự nhiên và tiếp cận đường bộ với trung tâm đô thị. Trong 6 tiêu chí này, nhu cầu về sản lượng, điều kiện tự nhiên là quan trọng nhất. Trên cơ sở các tiêu chí, từng sân bay được đơn vị tư vấn tính toán theo các thang điểm.
"Số lượng sân bay đã được xem xét kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với điều kiện tự nhiên, thực trạng cũng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam", ông Dũng nói.
Ông Dũng cũng cho hay, các cảng hàng không của Việt Nam hiện nay có lượng khách dưới 2 triệu mỗi năm đều đang phải bù lỗ. Do đó, các sân bay mới nếu cự ly tiếp cận tới các cảng hàng không lân cận dưới 100 km, theo kinh nghiệm quốc tế là hiệu quả không cao. Điều này nghĩa là xây sân bay quá gần nhau (giữa hai tỉnh, thành) sẽ không hiệu quả.
Với góc nhìn chuyên gia, TS Nguyễn Bách Tùng, chuyên gia hàng không, nhận định Cục Hàng không Việt Nam và đơn vị tư vấn đã nghiên cứu kỹ lưỡng vị trí sân bay của các địa phương, các đề xuất không đảm bảo tiêu chí thì không thể đưa vào quy hoạch. Ví dụ địa hình Hà Giang đồi núi, không có đủ đất bằng phẳng xây sân bay; Ninh Bình địa hình trũng, diện tích đất ở và trồng lúa nhiều, thu hồi đất sẽ ảnh hưởng đời sống người dân...
Ông Tùng cũng đánh giá, phần lớn sân bay nội địa hiện nay chưa đạt công suất thiết kế, một số sân bay thường vắng khách trong giai đoạn đầu như Vân Đồn, Cần Thơ... Do đó, hiệu quả đầu tư sân bay cần tính toán kỹ, như người dân Hà Tĩnh đến sân bay Vinh (Nghệ An), Đồng Hới (Quảng Binh) không quá xa, hay người dân ở Ninh Bình có thể đi các sân bay khác như Cát Bi (Hải Phòng) và Thọ Xuân (Thanh Hóa) trong khoảng cách gần 100 km.
Ông Phạm Văn Tới, Phó chủ tịch Hội khoa học và công nghệ hàng không Việt Nam, cho rằng các đề xuất quy hoạch sân bay của địa phương thời gian qua phần lớn "cảm tính", chưa khảo sát, tính toán đầy đủ. Ví dụ Hà Giang đề xuất tận dụng sân bay quân sự song vẫn cần mở rộng diện tích nếu trở thành sân bay dân sự, trong khi diện tích đất và vùng trời đều hạn chế.
Cũng trong tờ trình thẩm định quy hoạch, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị xác định vị trí cảng hàng không quốc tế Hải Phòng tại huyện Tiên Lãng, để dự bị cho sân bay Nội Bài và Cát Bi giai đoạn đến năm 2050.
Theo ông Nguyễn Bách Tùng, huyện Tiên Lãng có quỹ đất rộng từ 4.000 đến 6.000 ha đảm bảo xây dựng sân bay công suất trên 100 triệu hành khách mỗi năm. Phần lớn đất là bãi bồi giữa hai con sông Thái Bình và sông Văn Úc, diện tích đất ở không nhiều nên thuận lợi công tác giải phóng mặt bằng, không ảnh hưởng đời sống dân cư. Tuy nhiên, để xây dựng sân bay này, việc xử lý nền móng sẽ phức tạp và tăng chi phí.
Ông Tùng cũng cho rằng, vị trí sân bay Tiên Lãng đến trung tâm Hà Nội khoảng 120 km, song đến các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương là dưới 100 km nên phục vụ thuận lợi người dân khu vực phía nam, đông nam Hà Nội, giảm tải cho sân bay Nội Bài.
Đồng tình quan điểm trên, chuyên gia hàng không Phạm Văn Tới nói sân bay Cát Bi (Hải Phòng) trong tương lai không thể mở rộng do vướng tĩnh không và nằm gần sông nên cần quy hoạch sân bay thay thế. "Vị trí quy hoạch tại huyện Tiên Lãng (là một lựa chọn tốt vì có đất rộng và đường cao tốc kết nối với Hà Nội, nên người dân thuận lợi di chuyển", ông Tới nói.
Cũng theo ông Phạm Văn Tới, quy hoạch sân bay Tiên Lãng dự bị cho Cát Bi và Nội Bài đã được Chính phủ xác định từ trước đây, vì đã từng có những nghiên cứu khảo sát về vị trí này. Còn các vị trí khác tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội), Ninh Bình, Hải Dương... chưa được khảo sát.
Đại diện Tedi (đơn vị tư vấn quy hoạch sân bay) cho hay, đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam tương đồng với đề xuất của đơn vị tư vấn. Căn cứ theo nhiều dữ liệu tăng trưởng kinh tế và công suất các sân bay hiện có, giai đoạn từ nay đến 2040, tư vấn cho rằng chưa cần tính đến xây dựng sân bay thứ hai trong vùng thủ đô. Vị trí huyện Tiên Lãng được quy hoạch là sân bay dự bị cho Nội Bài và Cát Bi do đã có tính pháp lý là quyết định của Thủ tướng năm 2011.
"Sau năm 2040, phụ thuộc nhu cầu tăng trưởng hành khách trong vùng thủ đô, khi đó nhà chức trách sẽ quyết định chính thức việc xây dựng sân bay thứ hai vùng thủ đô tại Tiên Lãng hay không", đại diện Tedi cho hay.
Theo tờ trình thẩm định quy hoạch cảng hàng không đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị, đến năm 2030, cả nước sẽ có 14 cảng hàng không quốc tế là Nội Bài, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Chu Lai, Cần Thơ, Phú Quốc, Liên Khương; 14 cảng quốc nội là Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Quảng Trị, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Đồng Hới, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo.
Đến năm 2050, cả nước có 29 cảng hàng không, gồm 14 cảng hàng không quốc tế, 15 cảng hàng không quốc nội. Trong đó sân bay được bổ sung là Cao Bằng.