Ngày 17/8, Đại học Công nghệ TP HCM công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển đối với phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT (điểm sàn) cho 51 ngành, dao động 18-20 điểm.
Trong đó, mức điểm sàn 20 áp dụng cho các ngành Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật ôtô và Marketing; các ngành Quản trị kinh doanh, Quan hệ công chúng và Truyền thông đa phương tiện nhận hồ sơ từ 19 điểm. Tất cả ngành còn lại xét tuyển từ 18 điểm trở lên.
Riêng ngành Dược học, Điều dưỡng và Kỹ thuật xét nghiệm y học, điểm sàn áp dụng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo dành cho nhóm ngành Khoa học sức khỏe.
>> Xem điểm sàn xét điểm thi tốt nghiệp THPT của trường
Năm nay, Đại học Công nghệ TP HCM tuyển 7.200 chỉ tiêu cho 51 ngành với 4 phương thức: Xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức, xét học bạ theo điểm trung bình 3 môn lớp 12, xét học bạ theo điểm trung bình 3 học kỳ (lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12).
Trước đó, trường công bố điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ với điểm chuẩn cao nhất ngành Dược là 24 điểm, ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học và Điều dưỡng 19,5 điểm. Tất cả ngành còn lại lấy 18 điểm.
Với phương thức xét điểm đánh giá năng lực, điểm chuẩn dao động 650-850 (thang điểm 1.200) tuỳ ngành. Ngành Dược học có điểm chuẩn cao nhất là 850 điểm. Các ngành Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật y sinh, Khoa học dữ liệu, Thiết kế thời trang 750 điểm; Công nghệ thông tin, Khoa học dữ liệu, Quản lý xây dựng 720 điểm. Tất cả ngành còn lại có điểm trúng tuyển 650-700 điểm. Hiện trường tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung các phương thức xét học bạ và xét điểm thi đánh giá năng lực.
Tương tự, Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM (UEF) công bố mức điểm sàn ở 29 ngành từ 18 đến 20. Ngành có điểm sàn cao nhất là Quan hệ quốc tế, Kinh doanh quốc tế; các ngành Marketing, Công nghệ truyền thông, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng điểm nhận hồ sơ 19 điểm. Tất cả ngành còn lại điểm sàn 18.
So với năm ngoái, mức điểm nhận hồ sơ năm nay tăng 1-2 điểm.
Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM năm nay tuyển 3.400 chỉ tiêu. Trước đó, trường công bố điểm trúng tuyển xét học bạ lớp 12 tổ hợp 3 môn là 18 điểm, xét học bạ 5 học kỳ THPT (trừ học kỳ 2 lớp 12) là 30 điểm cho tất cả ngành.
Với phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực, điểm trúng tuyển cao nhất là 750 với ngành: Kinh doanh quốc tế, Luật quốc tế, Quan hệ quốc tế. Các ngành Quản trị kinh doanh, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Ngôn ngữ Hàn có điểm trúng tuyển là 700; 23 ngành còn lại có điểm chuẩn 650.
Tại Đại học Quốc tế Sài Gòn, với 21 ngành và chuyên ngành, trường lấy điểm sàn xét điểm thi tốt nghiệp 17 và 18 điểm. So với năm ngoái, mức sàn này tăng từ 2 đến 3 điểm tuỳ ngành.
Đại học này tuyển 1.200 chỉ tiêu với 4 phương thức: Xét tuyển học bạ lớp 12, xét tuyển học bạ bằng kết quả 5 học kỳ (2 học kỳ lớp 10, 2 học kỳ lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12), xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp, xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM.
Cùng ngày, Đại học Nha Trang cũng công bố điểm sàn xét điểm thi tốt nghiệp với mức cao nhất lên tới 23 điểm ở ngành Quản trị kinh doanh (chương trình song ngữ, chương trình đại trà). Các ngành khác có điểm sàn xét tuyển 16-20. Một số ngành có thêm điểm điều kiện tiếng Anh là điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Đại học Nha Trang có 3.500 chỉ tiêu với 36 ngành thuộc các nhóm: Kinh tế - Ngoại ngữ, Công nghệ thuỷ sản và Kỹ thuật, công nghệ. Ngoài phương án xét điểm thi tốt nghiệp THPT, trường sử dụng 3 phương thức khác: Xét tuyển dựa vào điểm xét tốt nghiệp THPT, xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển.
>> Xem điểm chuẩn các phương thức khác của Đại học Nha Trang
Trước đó, Đại học Nha Trang đã công bố điểm chuẩn 2 đợt xét tuyển theo phương thức điểm xét tốt nghiệp THPT và xét điểm thi đánh giá năng lực. Trường tiếp tục tuyển bổ sung theo hai phương thức này đến hết tháng 8. Ngoài ra, đại học này bổ sung phương thức tuyển sinh xét học bạ dành cho thí sinh được đặc cách tốt nghiệp THPT do ảnh hưởng của Covid-19.