Tại TP HCM, tính cả các trường đã cho sinh viên trở lại sau Tết, có khoảng 30 đại học đã hoạt động lại bình thường.
Sáng nay, sinh viên Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM có buổi học đầu tiên trong năm học mới theo hình thức trực tiếp. Tuần trước, giảng viên đã chuẩn bị bài giảng, tải học liệu lên hệ thống LMS, Microsoft Teams để sinh viên tham khảo. Phòng Công tác sinh viên trường đã chuẩn bị hoạt động giao lưu văn nghệ chào đón, động viên tinh thần học tập cho sinh viên.
Ngày 14/2 cũng là mốc thời gian quay lại học trực tiếp của hàng nghìn sinh viên các trường Đại học Công nghiệp TP HCM, Tài chính - Marketing, Công nghiệp TP HCM, Giao thông vận tải, Công nghệ Sài Gòn... Tùy điều kiện, học phần, các trường sắp xếp học trực tiếp xen kẽ trực tuyến. Sinh viên trước khi đến trường được yêu cầu khai báo y tế, thực hiện nghiêm 5K.
Ở Hà Nội, ngoài một số trường đào tạo ngành Y như Đại học Y Hà Nội hay các trường thuộc khối quân đội, công an vẫn học hay thực tập bình thường, sinh viên của khoảng 15 đại học sẽ trở lại trường từ hôm nay.
Trong số này, có thể kể đến Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội, Công nghiệp Hà Nội, Ngoại giao, Điện lực, Mở, Văn hóa, Xây dựng, Mỏ - Địa chất, Lâm nghiệp, Công nghệ Giao thông vận tải... Dù bắt đầu đón sinh viên trở lại, có trường cho toàn bộ học trực tiếp ngay, có trường chia thành các nhóm, mỗi nhóm đi học sau 1-2 tuần, kéo dài đến cuối tháng 2 và đầu tháng 3.
Để đảm bảo phòng chống dịch, các trường ở Hà Nội cũng đưa ra yêu cầu tương tự TP HCM như khai báo y tế, thực hiện 5K.
Học viện Ngoại giao yêu cầu sinh viên tuân thủ các hướng dẫn về chống dịch của cơ quan chức năng và bộ phận y tế của trường trong suốt quá trình học tập. Sau thời gian dài học trực tuyến, lo ngại sinh viên có những thắc mắc liên quan tới các phòng, ban chức năng hay sinh viên năm nhất chưa từng đặt chân vào khuôn viên, Đoàn Thanh niên Học viện Ngoại giao còn xây dựng "cẩm nang di chuyển" để các em hình dung rõ hơn về vị trí phòng, ban cùng các địa điểm mới trong trường.
Muộn hơn một chút, từ 16 đến 21/2, hàng loạt đại học khác sẽ cho sinh viên trở lại trường, như Đại học Ngoại thương, Thương mại, Tài nguyên môi trường, Học viện Ngân hàng, Báo chí và Tuyên truyền, Công nghệ Bưu chính viễn thông hay Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đến thứ hai cuối cùng của tháng (28/2), hầu hết trường còn lại tổ chức dạy và học trực tiếp. Dù thống kê trước đó của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy 100% đại học, cao đẳng đã lên kế hoạch đưa sinh viên trở lại trong tháng 2, thực tế vẫn có một số trường đón sinh viên vào tháng 3 như Đại học Ngân hàng TP HCM, Đại học Đại Nam.
Hầu hết sinh viên ở Hà Nội và TP HCM dừng đến trường từ tháng 5 tới nay. Dù dự kiến đón sinh viên ngay sau Tết Nguyên đán, các trường đều lùi lại ít nhất một tuần nhằm có thêm thời gian khảo sát tình hình sức khỏe, tiêm vaccine của các em, bởi sinh viên đại học đến từ nhiều tỉnh, thành với độ phủ, tốc độ tiêm vaccine và cấp độ dịch khác nhau. Ngoài ra, việc lùi lịch học trực tiếp 2-3 tuần sau Tết cũng giúp các em có thêm thời gian tìm nhà trọ sau hơn chín tháng về quê.
Ngoài Hà Nội và TP HCM, các trường ở một số địa phương khác cũng đón sinh viên trở lại sau khi bị gián đoạn do Covid-19, như các trường thành viên thuộc Đại học Thái Nguyên.
Kiểm tra việc chuẩn bị đón sinh viên đi học trở lại ở Thái Nguyên hôm 10/2, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh các trường cần quyết tâm đưa sinh viên trở lại trường, nhưng không được chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch. Để làm được điều này, các trường cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, để địa phương coi sinh viên như là cư dân của mình; từ đó cùng nhà trường có trách nhiệm hỗ trợ sinh viên, nhất là trong việc xử lý một số tình huống lây nhiễm Covid-19 nếu có.
Ông Sơn cũng đề nghị khi sinh viên trở lại học tập trung, các trường cần liên hệ với chính quyền địa phương để có thể tổ chức tiêm mũi hai, ba cho sinh viên, sớm đưa đời sống, học tập trở lại bình thường.
Dương Tâm - Mạnh Tùng