Là sinh viên năm hai của trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, Tâm về Hải Phòng nghỉ lễ 30/4-1/5 rồi ở nhà cho đến nay vì dịch bệnh bùng phát, trường chuyển sang học trực tuyến. Nhà trọ bỏ không nhưng Tâm và bạn cùng phòng mỗi người vẫn trả 1,7 triệu đồng tiền thuê hàng tháng, hy vọng sớm trở lại học trực tiếp.
Nhưng nửa năm trôi qua vẫn chưa nhận thông báo trở lại trường, Tâm sốt ruột. Về nhà đồng nghĩa với việc em không thể đi làm thêm như ở Hà Nội, số tiền nhà hơn mười triệu đồng trong sáu tháng đều do bố mẹ hỗ trợ. Không muốn kéo dài tình trạng nộp tiền mà không biết khi nào quay lại, Tâm và bạn trả phòng vào tháng 11/2021.
Khi có thông báo học trực tiếp, Tâm cùng năm bạn học rủ nhau tìm một chung cư hai phòng ngủ, giá khoảng 6-7 triệu đồng mỗi tháng. Bắt đầu tìm kiếm từ trong Tết Nguyên đán nhưng Tâm vẫn chưa chọn được chỗ ở ưng ý, trong khi ngày trở lại trường đã rất gần.
Cả nhóm đều không ở Hà Nội, mỗi lần tìm được chỗ ưng ý không thể đến xem và đặt cọc ngay nên chủ nhà không giữ phòng. "Bỏ lỡ liên tiếp 3-4 chỗ, em và các bạn dự định trở lại Hà Nội vào 20/2, sau đó chia nhau đi xem nhà, nếu ổn sẽ đặt cọc luôn", Tâm nói. Trong trường hợp không thể thuê được chỗ ở trước "deadline" 28/2, nữ sinh sẽ ở nhờ bạn bè hoặc người quen, rồi tiếp tục tìm kiếm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết liệt đề nghị các địa phương đưa học sinh, sinh viên trở lại trường sau Tết. Theo thống kê của Bộ, 100% đại học, cao đẳng lên kế hoạch mở cửa trong tháng 2. Một số trường chưa công bố thời điểm cụ thể. Dẫu vậy, những sinh viên chưa có lịch học trực tiếp cũng cấp tập tìm nhà. Từ trước Tết Nguyên đán, Mai Hương, sinh viên năm cuối Đại học Luật Hà Nội, đã "rục rịch" tìm chỗ ở. Em cho rằng khi các đại học khác có lịch trở lại trường, kế hoạch của trường Luật "chắc sẽ được thông báo trong nay mai".
Trước khi đợt dịch thứ tư bùng phát, Hương cùng hai bạn thuê một căn chung cư mini, giá hơn năm triệu đồng mỗi tháng. Phòng bỏ trống từ dịp 30/4-1/5 nhưng Hương và bạn bè vẫn phải nộp tiền hàng tháng. Đến tháng 10/2021, một bạn chuyển chỗ ở, bạn còn lại đã học xong, Hương trả phòng vì không thể một mình gánh toàn bộ chi phí.
Nữ sinh Quảng Ninh đang tìm phòng trọ mức 3,2-3,5 triệu đồng và rủ một bạn khác ở cùng để chia sẻ chi phí. "Vài hôm nữa, bạn em trở lại Hà Nội. Em sẽ nhờ bạn đến xem phòng trực tiếp giúp, chốt sớm được lúc nào hay lúc đó", Hương nói.
Khi Covid-19 kéo dài, không chỉ Tâm và Hương, phần lớn sinh trả phòng trọ để về quê. Anh Hà Trọng Hiếu, 35 tuổi, chủ của hệ thống nhà ở cho thuê với gần 300 phòng, cho biết những tháng cuối năm ngoái, tỷ lệ sinh viên trả phòng lên tới 80%.
Hiện nay hầu hết đại học đã có lịch học trực tiếp, mỗi ngày anh nhận được 50-60 cuộc gọi, tin nhắn hỏi thuê nhà. "Sinh viên chủ yếu tìm chỗ ở với mức giá 2-3,5 triệu đồng mỗi tháng, phòng 2-3 người", anh Hiếu cho hay. Lần đầu tiên trong sáu năm kinh doanh chỗ ở, anh chứng kiến nhu cầu thuê nhà tăng cao vào tháng 2.
Trên nhiều hội nhóm nhà trọ sinh viên, những ngày sau Tết có hàng trăm câu hỏi tìm nhà trọ tốt, gần trường. Nhà ở cho sinh viên thường có ba nguồn chính: các dãy trọ gần trường; nhà người quen, căn hộ cho thuê; ký túc xá. Nắm bắt nhu cầu của sinh viên, nhiều trường như Đại học Thủy lợi dành một không gian trên fanpage chính thức cho sinh viên và chủ trọ chia sẻ và tìm kiếm thông tin, thu hút 1.000 bình luận chỉ trong ít ngày.
Tại TP HCM, khi hầu hết đại học, cao đẳng thông báo học trực tiếp từ cuối tháng 2, hàng triệu sinh viên cũng tất bật tìm chỗ ở để trở lại thành phố.
Ngày 11/2, hai cha con Minh Tuấn, sinh viên năm ba Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM rảo qua sáu dãy trọ ở khu đô thị Đại học Quốc gia (TP Thủ Đức, TP HCM). Quê ở Đồng Nai, Tuấn trọ với hai bạn tại căn hộ chung cư cách trường hơn 8 km suốt hai năm. Do học trực tuyến suốt kỳ I, nhóm bạn Tuấn trả phòng, trở về quê. Cuối tháng này, lớp Tuấn học trực tiếp nên em phải tìm gấp nhà trọ.
Biết tin một sinh viên đang tìm người ở ghép tại khu đô thị Đại học Quốc gia, Tuấn cùng bố đến thăm phòng. Quan sát phòng, khu vệ sinh và khuôn viên khu trọ, người cha lắc đầu. Phòng hẹp, tối, cửa không đảm bảo an ninh. "Phòng ở đây khá rẻ, mỗi tháng chỉ mất 1,4 triệu đồng chia hai người, nhưng chật chội quá, ở lâu rất khó chịu và ảnh hưởng tới việc học", Tuấn nói.
Hai cha con tiếp tục đến một số khu trọ xung quanh, giá phòng khoảng 1-1,5 triệu đồng. Mỗi khu có 15-20 phòng, chung cổng ra vào, hầu hết đã xuống cấp. Không tìm được phòng, Tuấn bàn với bố thuê căn hộ.
Đến chiều, họ thuê được căn hộ tại chung cư mini cách trường 5 km với giá ba triệu đồng một tháng. "Giá cao hơn nhưng gia đình có thể trả được. Tốn thêm một chút nhưng thoải mái, học hành sẽ tốt hơn. Bây giờ kén chọn quá sẽ không kịp để vào học", nam sinh nói.
Với gần mười trường xung quanh, hai khu ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM ở TP Thủ Đức (TP HCM) và TP Dĩ An (Bình Dương) có hơn 40.000 chỗ. Ở gần trung tâm thành phố, các đại học Y dược, Bách khoa, Công nghiệp Thực phẩm, Đại học Kinh tế, Giao thông Vận tải, Sư phạm Kỹ thuật, Nông Lâm đều có ký túc xá 1.500-3.000 chỗ ở.
Hiện, các trường đều có đội hỗ trợ sinh viên tìm chỗ ở tại ký túc xá hoặc nhà trọ. "Nhu cầu nhà trọ sau Tết của sinh viên rất lớn, ký túc xá đã gần kín. Trường đã lên danh sách các khu trọ tốt, giá rẻ cho sinh viên. Các em cần, chúng tôi sẽ hỗ trợ để kịp vào học", Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Hỗ trợ sinh viên, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM cho biết.
Thanh Hằng - Mạnh Tùng