Ông Hà bị rối loạn cương hơn một năm nay, được người bạn giới thiệu phòng khám của bác sĩ Tân, Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân, lên mạng tìm kiếm và liên hệ khám. Trên trang "Bác sĩ nam khoa Lê Vũ Tân" giới thiệu "fanpage chính thức của bác sĩ Lê Vũ Tân, giải đáp các thắc mắc về các vấn đề sức khỏe của nam giới", có ảnh bác sĩ và đơn vị công tác. Ngoài ra, trang này cũng đăng các video bác sĩ chia sẻ về những vấn đề sức khỏe cùng email, số điện thoại liên hệ cụ thể.
Tuy nhiên, khi đến phòng khám, ông được nhân viên ở đây giải thích "bác sĩ Tân bận đi chống dịch, đồng nghiệp cùng bệnh viện bác sĩ Tân sẽ làm thay". Ông được cắt da quy đầu và chiếu đèn, thay băng, tốn gần 20 triệu đồng nhưng sau đó bệnh vẫn không cải thiện. Tìm đến Bệnh viện Bình Dân hỏi bác sĩ Lê Vũ Tân, ông mới biết "đó là trang giả mạo".
Bác sĩ Lê Vũ Tân (thật) cho biết ông chỉ có phòng khám làm ngoài giờ tại địa chỉ ở quận 10. Trang giả mạo lấy hình đại diện từ trang cá nhân và fanpage trên mạng xã hội của bác sĩ Tân (thật) đưa vào.
Một số bác sĩ tại bệnh viện Bình Dân cũng bị mạo danh, với hình thức tương tự. Trước đây có bệnh nhân phản ánh bị lừa bởi trang "Bác sĩ Trưởng khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân", trong khi bác sĩ trưởng khoa Mai Bá Tiến Dũng cho biết ông không lập trang này, cũng không có phòng khám tại địa chỉ như trang đăng tải.
Không chỉ dùng tên tuổi của bác sĩ nổi tiếng để lôi kéo bệnh nhân, một số phòng khám có "chiêu trò" quảng cáo chuyên gia khám tại đây là bác sĩ đang công tác tại những bệnh viện có uy tín. Mới đây, một phụ nữ mang thai 24 tuần tử vong sau một thời gian điều trị tại hai phòng khám ở quận 5 và quận 10. Quá trình điều trị, bệnh nhân được hướng dẫn bởi một người tự giới thiệu mình là "bác sĩ trưởng khoa của Bệnh viện Hùng Vương, tên Hồng". Thanh tra Sở Y tế TP HCM đang phối hợp Công an TP HCM và lực lượng chức năng điều tra nguyên nhân tử vong. Trong khi đó lãnh đạo Bệnh viện Hùng Vương khẳng định nơi này không có bác sĩ trưởng khoa nào tên Hồng.
Thời điểm cuối năm, tình trạng mạo danh bác sĩ cũng xuất hiện nhiều trong ngành dịch vụ làm đẹp. Chị Hương Chi (ngụ quận Tân Bình), quan tâm dịch vụ "tái sinh đa tầng" tại một phòng khám thẩm mỹ ở quận 3. Phòng khám quảng cáo là có thể khắc phục các khuyết điểm trên gương mặt trong một lần duy nhất, thực hiện bằng các máy móc hiện đại trong 60 phút, không xâm lấn, không dao kéo phẫu thuật, không tiêm truyền chất lạ vào cơ thể, cam kết hiệu quả kéo dài 10-15 năm.
Nhân viên phòng khám giới thiệu đây là nơi làm việc ngoài giờ của bác sĩ Phùng Nhật Kim, đang là trưởng khoa tại Bệnh viện Da liễu TP HCM. Tuy nhiên, trả lời VnExpress, một lãnh đạo Bệnh viện Da liễu TP HCM cho biết nơi đây không có bác sĩ hay trưởng khoa tên Phùng Nhật Kim.
Trên Cổng tra cứu thông tin hoạt động khám chữa bệnh ngành y tế TP HCM của Sở Y tế thành phố, gõ tìm kiếm tên Phùng Nhật Kim cũng không hiển thị các thông tin về số chứng chỉ hành nghề và phạm vi hành nghề.
Ngoài giả mạo tên tuổi bác sĩ, nhiều nơi còn sử dụng thương hiệu của bệnh viện lớn. Trên mạng, bạn có thể dễ dàng tìm kiếm nhiều phòng khám thẩm mỹ gắn với tên Bệnh viện Chợ Rẫy như Viện Thẩm mỹ C.Rẫy Sài Gòn (đường Trường Chinh, quận Tân Bình), Viện Thẩm mỹ Chợ Rẫy (đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp), Viện Thẩm mỹ Chợ Rẫy - Cơ sở Cần Thơ, Thẩm mỹ viện Chợ Rẫy... Những nơi này giới thiệu có bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy, thực hiện những dịch vụ như nâng mũi, nâng cung mày, cắt mí, độn cằm, căng da mặt, tạo má lúm, hạ thấp gò má, cắt cười hở lợi...
Trả lời VnExpress, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết không lập bất kỳ phòng khám, chi nhánh nào có những tên trên và các bác sĩ của bệnh viện cũng không làm việc tại những nơi này. Bệnh viện cũng không cho phép cán bộ, công nhân viên, bác sĩ, điều dưỡng sử dụng thương hiệu Bệnh viện Chợ Rẫy đi làm ăn, hợp tác bên ngoài. Năm ngoái, Bệnh viện Chợ Rẫy từng gửi đơn đến Công an TP HCM và một số cơ quan chức năng yêu cầu can thiệp sau khi ghi nhận một số trang mạng xã hội giả mạo, sử dụng thương hiệu, uy tín bệnh viện này để đánh lừa người dân.
Tại Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, từng cảnh báo nhiều trang fanpage sử dụng logo và đăng lại các hình ảnh của bệnh viện để tạo lòng tin, sau đó đăng thông tin bán thuốc online. Nơi này cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị tai biến sau phẫu thuật thẩm mỹ ở các cơ sở mạo danh bệnh viện. Hầu hết nạn nhân trong tình trạng nặng, khắc phục rất khó khăn, để lại tai biến lâu dài.
Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết đơn vị chỉ khám, điều trị bệnh, thực hiện dịch vụ thẩm mỹ, phẫu thuật theo yêu cầu trong khuôn viên bệnh viện tại Hà Nội. Tất cả cơ sở khám chữa bệnh ghi Viện 108, ngoài khuôn viên bệnh viện ở Hà Nội và các tỉnh thành khác đều là giả mạo. Nơi này cũng chỉ bán thuốc trực tiếp tại các nhà thuốc nằm trong khuôn viên bệnh viện, nhân viên tại quầy đều có đồng phục in tên, logo bệnh viện.
Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cũng bị giả danh bán thuốc dạ dày để lấy tiền. Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng từng đưa ra cảnh báo về việc một số tổ chức, cá nhân mạo danh cán bộ nhân viên y tế đang làm việc tại bệnh viện để lôi kéo bệnh nhân, giả số điện thoại tổng đài bệnh viện gọi cho người bệnh.
Trước những chiêu trò mạo danh để dẫn dụ người bệnh, bác sĩ Nguyễn Hồ Vĩnh Phước (Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân) khuyến cáo mọi người cần tỉnh táo, cảnh giác khi sử dụng công cụ tìm kiếm trên mạng. Những bệnh nhân từng bị lừa kể rằng khi tìm kiếm thông tin về tình trạng bệnh, họ nhìn thấy hàng loạt những thông tin về bệnh đó hiển thị lên đầu tiên, đều theo hướng tư vấn, dẫn dắt người bệnh đến các phòng khám.
Bác sĩ Phước chia sẻ kinh nghiệm, thông tin tìm kiếm trên Google hiện ký hiệu có hình vuông ghi [Ad] hoặc [QC] là tin tức quảng cáo (Ad là viết tắt tiếng Anh của chữ Advertising - quảng cáo). "Link này hiện lên đầu đơn giản vì phòng khám đó đã bỏ tiền mua quảng cáo chứ không phải vì có nhiều người xem", bác sĩ Phước cho biết. Ngoài ra, phát hiện website không phải là chính thức của bệnh viện thì người dùng không nên vào xem. Chẳng hạn, nhấn vào xem thấy hiện ra website của một phòng khám nào đó (không phải bệnh viện đang tìm kiếm) thì bạn nên thoát ngay ra.
Một vài dấu hiệu khác người bệnh cần cảnh giác là những phòng khám mạo danh, lừa đảo thường yêu cầu để lại số điện thoại, có nhân viên gọi lại tư vấn nói bệnh này nguy hiểm, cần chữa tức thời, dù mới chỉ trao đổi qua điện thoại chứ chưa thăm khám. Bên cạnh đó, nhân viên trực tổng đài thường tự xưng là bác sĩ nhưng nếu hỏi kỹ về bệnh lý thường trả lời tránh né.
"Đặc điểm chung những nơi này thường là bảng giá chào mời nghe rất rẻ, thậm chí khám miễn phí nhưng sau đó yêu cầu hàng loạt chi phí phát sinh lên đến vài chục triệu đồng", bác sĩ Phước chia sẻ và cho rằng "mấu chốt trong y khoa là niềm tin, người bệnh tin bệnh viện thì nên vào bệnh viện".