Thông tin được Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP HCM, nêu trong công văn gửi Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM hôm 6/9, đề nghị hỗ trợ lực lượng y tế tại các bệnh viện dã chiến.
Động thái này được đưa ra sau thời gian Bộ phận thường trực đặc biệt kiểm tra và làm việc với một số bệnh viện dã chiến, ghi nhận các điểm bất hợp lý, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần nhân viên y tế. Mỗi y bác sĩ phụ trách số lượng người bệnh quá lớn, 140-150 bệnh nhân, khiến chất lượng điều trị và chăm sóc bị giảm sút, theo Thứ trưởng Sơn.
Bác sĩ và điều dưỡng thường xuyên phải trực cấp cứu 12 giờ mỗi ngày nếu được điều động tăng cường. Khi kết thúc công việc chuyên môn, nhân viên y tế tiếp tục phải làm hồ sơ hành chính, có ngày lên đến 12 giờ. Một số bệnh viện khi rút người đã không đủ nhân sự để thay đổi ca, dồn việc cho các nhân viên còn lại. "Áp lực công việc quá lớn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe nhân viên y tế", công văn nêu.
Hàng ngày nhân viên y tế được phát cơm hộp với suất ăn 120.000 đồng một ngày. Khẩu vị không được điều chỉnh cho lực lượng hỗ trợ đến từ miền Bắc khiến họ khó ăn, không đảm bảo sức khỏe chống dịch. Ngoài ra, những nhân viên y tế nhiễm Covid-19 trong quá trình công tác được điều chuyển lên khu người bệnh thì suất ăn của họ cũng chuyển sang tiêu chuẩn của người bệnh là 80.000 đồng một ngày. Tinh thần nhân viên y tế không may nhiễm bệnh càng thêm suy sụp.
Vấn đề khác cũng được chỉ ra là, lực lượng an ninh, quân sự đã kiểm tra nghiêm khắc với lực lượng y tế mỗi khi họ ra ngoài mua thêm đồ ăn uống bổ sung (yêu cầu nhân viên y tế mở túi đồ để kiểm tra). Điều này ảnh hưởng đến đời tư, tinh thần của nhân viên y tế.
Bộ phận thường trực đặc biệt cho rằng, để đảm bảo sức chiến đấu của nhân viên y tế, phục vụ người bệnh và chất lượng điều trị, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM cần yêu cầu các đơn vị đã rút nhân viên khỏi bệnh viện dã chiến phải lập tức bổ sung người thay thế.
Các bệnh viện đảm bảo thời gian nghỉ sau khi kết thúc ca trực cho nhân viên y tế, không để họ làm việc liên tục trong thời gian dài; hạn chế sử dụng nhân viên y tế vào vị trí hành chính nhằm đảm bảo công tác chuyên môn. Trong tình hình thiếu nhân lực hành chính, Bộ Y tế đề nghị bổ sung lực lượng sinh viên, tình nguyện viên.
Đơn vị cung cấp thực phẩm cần điều chỉnh chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng, thêm món phù hợp khẩu vị mỗi vùng miền. Các trường hợp nhân viên y tế không may mắc Covid-19 phải được đảm bảo chế độ ăn tối thiểu như thường ngày.
Thứ trưởng Y tế cũng lưu ý xét nghiệm kháng thể cho tình nguyện viên là người nhiễm Covid-19 khỏi bệnh, trước khi tham gia hỗ trợ điều trị.
Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải, tại họp báo chiều 7/9, cho biết hiện thành phố có trên 177.300 nhân sự tham gia chống dịch, trong đó hơn 24.000 người từ các Bộ ngành hỗ trợ. Thành phố cũng cử 312 tổ công tác với hơn 1.300 cán bộ hỗ trợ TP Thủ Đức và các quận, huyện.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết thành phố đã thông qua mức chi hỗ trợ một lần cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch (từ 1,5 đến 10 triệu đồng); "thể hiện sự quan tâm, ưu tiên của thành phố đối với lực lượng tuyến đầu", nhất là trong giai đoạn khó khăn như hiện nay.
Theo ông Nam, một số bệnh viện như Bệnh Nhiệt đới, Nhi đồng 1, Bình Dân đã thực hiện chi trả cho lực lượng tuyến đầu. Một số đơn vị khác đang lập danh sách để nhận gói hỗ trợ trong tuần này. Các đơn vị Trung ương như Bệnh viện Chợ Rẫy, Răng Hàm Mặt và một số bệnh viện tham gia công tác phòng chống dịch cũng được chi trả thông qua danh sách tổng hợp của Bệnh viện Ung bướu.