Thông tin này được Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết tại hội nghị tổng kết, chiều 5/1.
Theo ông Linh, cung đường vận chuyển hàng lậu, giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ thay đổi, chuyển hướng và lắt léo hơn. Tình trạng hàng lậu vận chuyển qua đường mòn, lối mở khu vực đồi núi giáp biên ở các tỉnh phía Bắc hầu như không còn. Thay vào đó, các hàng này chuyển hướng đi theo các cửa khẩu tại miền Trung, Tây Nam Bộ, thậm chí còn vận chuyển ngược ra phía Bắc.
Trong nội địa, tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, giả vẫn diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện.
Hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được bày bán tại các tuyến phố, cửa hàng kinh doanh của người nổi tiếng, chợ truyền thống và tại các trung tâm thương mại lớn, như Sài Gòn Square, chợ Tân Thành (TP HCM)... Hành vi kinh doanh này, theo Tổng cục Quản lý thị trường, đã ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước, người tiêu dùng.
Do đó, phòng chống và xử lý hàng giả, gian lận thương mại trên thương mại điện tử vẫn là trọng tâm nhiệm vụ năm nay của quản lý thị trường.
Tuy vậy, ông nhìn nhận, lực lượng này còn nhiều hạn chế, nhất là phối hợp giữa các Cục Quản lý thị trường địa phương trong chia sẻ thông tin, giám sát hàng hoá trên địa bàn...
Mặt khác, vẫn còn tình trạng công chức vi phạm nội quy, quy chế của cơ quan, vi phạm đạo đức nghề nghiệp... trong thực thi công vụ. Những hạn chế yếu kém này, ông Linh nhận xét, đã ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của lực lượng.
"Quản lý thị trường gần như là 'cảnh sát khu vực', quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khi đó lực lượng mỏng, địa bàn rộng, dẫn đến kiểm soát chưa hiệu quả", Tổng cục trưởng nói.
Năm 2023 dự báo thị trường hàng hoá diễn biến phức tạp, nhất là trên môi trường thương mại điện tử, ông Linh cho hay, lực lượng này sẽ thay đổi cách thức, phương thức làm việc, đặt mục tiêu thành lực lượng phản ứng nhanh.
Với công tác cán bộ, Tổng cục trưởng cho biết sẽ siết chặt kỷ luật kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, giới thiệu bổ nhiệm luân chuyển cán bộ không phải người của địa phương, nhất là những địa bàn nóng, phức tạp.
Năm ngoái, quản lý thị trường triệt phá, ngăn chặn và xử lý gần 43.990 vụ vi phạm, tăng 6% so với 2021. Trong đó, 127 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được quản lý thị trường chuyển cơ quan điều tra.
Tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước trên 490 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ 2021. Trị giá hàng tịch thu gần 96 tỷ đồng, hàng hoá buộc tiêu huỷ hơn 19 tỷ đồng.