Nhận định này được Cục Hàng không Việt Nam đưa ra khi phân tích nhu cầu vận chuyển hàng khách, tăng trưởng kinh tế Việt Nam so với thời điểm trước dịch Covid-19 và thị trường quốc tế đang hồi phục.
Theo cơ quan này, nhu cầu vận chuyển hành khách năm nay dự kiến hơn 84 triệu, tăng 15% so với năm 2023 và 6% so với năm 2019 - thời điểm trước dịch Covid-19. Trong đó, khách nội địa dự kiến tăng trên 3%, đạt khoảng 41,5 triệu; khách quốc tế gần 43 triệu, tăng 16% so với năm ngoái.
Năm nay, các hãng hàng không Việt Nam dự kiến vận chuyển 61 triệu hành khách, tăng hơn 9% so với năm 2023.
"Thị trường hàng không nội địa sẽ phục hồi vào cuối năm nay khi đón nhận những tín hiệu tích cực, như tăng khả năng khai thác đường bay nội địa, quốc tế nhờ chính sách phát triển du lịch của các địa phương, quốc gia trên thế giới", theo Cục Hàng không Việt Nam. Việc các hãng tính mở thêm đường bay mới cũng là cơ hội cho phát triển thị trường.
Tuy nhiên, theo Cục Hàng không Việt Nam, vẫn còn những nguy cơ tác động tới ngành hàng không trong nước năm 2024, là lạm phát và tỷ giá. Theo đó, tín hiệu nhiều quốc gia duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, giá nhiên liệu có thể tăng do xung đột địa chính trị tại Trung Đông, hay thiếu hụt nhân lực chất lượng cao... là những nhân tố rủi ro cho ngành.
Việc nhà sản xuất Pratt & Whitney triệu hồi động cơ máy bay cũng gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn lực tàu bay, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch khai thác, phục hồi và mở rộng mạng bay của các hãng. Hạ tầng của một số sân bay trong nước cũng chưa đáp ứng sự phát triển của ngành hàng không trong tiến trình phục hồi năm 2024.
Nhiều kế hoạch được các hãng hàng không trong nước đưa ra để đáp ứng nhu cầu khi thị trường hồi phục trở lại. Tại Vietnam Airlines, Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa cho hay năm nay, hãng sẽ tái cơ cấu lại mạng bay phù hợp với tốc độ phục hồi từng khu vực, thị trường. Lịch bay cũng được hãng điều chỉnh để tăng hiệu quả sử dụng tàu bay, đa dạng chương trình bán vé với từng đối tượng khách, nhằm tăng tối đa hệ số sử dụng ghế.
Tuy vậy, Chủ tịch Vietnam Airlines lo ngại hàng không chưa phục hồi hoàn toàn, nhất là những thị trường quốc tế trọng điểm, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc; lãi vay vẫn cao và hạ tầng sân bay nội địa chưa đáp ứng tốc độ phát triển. Năm ngoái, tình trạng quá tải tại sân bay nội địa, nhất là Tân Sơn Nhất, Nội Bài đã gây thiệt hại cho hãng gần 500 tỷ đồng.
Ở góc độ quản lý, Cục Hàng không cho biết đưa ra chính sách ưu tiên phát triển như dự báo nhu cầu thị trường, cùng các hãng có giải pháp thực tế theo điều kiện khai thác của hạ tầng và bổ sung cung ứng trên các đường bay có nhu cầu cao.
"Một số sân bay sẽ được yêu cầu tăng năng lực điều hành, quản lý hoạt động bay để đáp ứng tốt nhất nhu cầu khai thác của các hãng hàng không và nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân", Cục Hàng không cho biết.
Cục này cũng kiến nghị Chính phủ giảm một số loại thuế, phí đến hết 2024, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và làm việc với nhà chức trách hàng không các quốc gia để tăng tải cung ứng, hỗ trợ khai thác tại các sân bay quốc tế.
Theo dự báo của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), thị trường châu Á -Thái Bình Dương, khu vực phục hồi chậm nhất, có thể ngắt mạch lỗ và đạt lợi nhuận khoảng 1,1 tỷ USD trong năm 2024. IATA dự tính, năm nay các hãng hàng không toàn cầu sẽ đạt doanh thu kỷ lục với 964 tỷ USD, trong đó, doanh thu từ vận chuyển hành khách khoảng 717 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2023.