-
18h10
Sự gắn bó giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp sẽ giúp hàng không mau phục hồi
Ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Sở du lịch tỉnh Bình Định mong muốn các ban ngành cùng chung tay xây dựng chương trình kích cầu du lịch địa phương như: giảm chi phí cơ sở lưu trú, ẩm thực... nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng dịch vụ. Đồng thời, các công ty lữ hành cũng cần nỗ lực đưa ra các tour, kịch bản du lịch phù hợp. Tỉnh Bình Định hiện có những sản phẩm du lịch như: nghỉ dưỡng biển đảo, tâm linh...
Giám đốc Sở du lịch tỉnh Bình Định mong muốn tất cả ban ngành cần thể hiện sự quan tâm với nhau. Bởi chỗ nào có sự gắn bó của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và hàng không thì sẽ mau hồi phục hơn. Như tại Bình Định, lượng khách sau giãn cách đạt 67%. "Tùy điều kiện thuận lợi, khó khăn, phải có sự chung tay giữa đơn vị hàng không, lữ hành, địa phương để đưa ra giải pháp phù hợp. Bởi nếu giảm giá liên tục sẽ phá nguyên một hệ thống, không thể làm huề vốn vì chi phí đầu tư cho du lịch cũng rất lớn. Chúng ta cần tìm ra tiếng nói chung để có sự hồi phục mạnh nhất", ông nói.
-
17h55
Doanh nghiệp phải đổi mới để đáp ứng nhu cầu nâng cao của khách hàng
Ông Phạm Minh Quang, Tổng giám đốc Công ty Dolphin Tour, cho rằng dịch Covid-19 đã tác động và thay đổi cả thế giới. Với tầm nhìn của nhà kinh doanh, tôi cho rằng thực tế cho chúng ta niềm tin. Quá trình thay đổi của cả thế giới trước và sau dịch cho chúng ta thấy việc phòng tránh dịch của Việt Nam tốt, tạo nên sức nén lò xo của ngành hàng không. Nếu Việt Nam cũng đối mặt với dịch bệnh như Mỹ hay Hàn Quốc, vẫn mở cửa thì không thể thu hút du khách. Du khách không đi vì thấy không an toàn.
Trong bối cảnh này, chúng ta cần có niềm tin là kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục lại. Với mỗi doanh nghiệp cần tập trung phát triển tinh và chất. Tinh là tinh gọn, tinh giản, thiết giảm chi phí, đầu tư vào yếu tố mang lại hiệu quả cao. Chất là đầu tư vào những gì khách hàng cần, những nhu cầu thiết yếu mới của khách hàng. Ngoài ra, nên tập trung vào phát triển thị phần.
Thời gian tới, việc khách quốc tế đến Việt Nam còn phụ thuộc vào nền kinh tế của họ. Một bài viết trên Forbes có nói, nền kinh tế thế giới đang tạm xa toàn cầu hóa, tập trung nội địa hóa. Đơn vị nào nắm bắt được xu thế này có cơ hội sinh tồn tốt hơn, đón sóng cơ hội tiếp sau. Nếu chờ đợi thì sẽ khó bắt kịp xu thế mới.
Tôi cho rằng, việc tái cấu trúc thị trường mang cả nguy cơ và cơ hội. Các hãng hàng không cần tập trung vào nhu cầu của người dân và giảm giá hợp lý. Nếu chỉ giảm giá thì doanh nghiệp không có huyết mạch để sống nên giảm giá chỉ là giải pháp tức thời. Doanh nghiệp muốn phát triển đường dài phải kích thích, thu hút nhu cầu nâng cao của khách hàng. Dịch vụ địa phương, ăn uống, lưu trú phải luôn luôn đổi mới để đáp ứng nhu cầu nâng cao chứ không chỉ nhu cầu cơ bản của khách hàng. Như vậy, ngành hàng không, du lịch mới có sức sống cơ bản trong thị trường nội địa.
-
17h45
Covid-19 khiến ngành du lịch Việt Nam lộ rõ điểm yếu
Lưu Đức Kế, Phó Giám đốc Công ty Truyền thông Du lịch Việt, cho biết: "Làm kinh doanh, chúng ta phải xác định tự cứu mình trước, nhưng khi dịch bệnh xảy đến, Thủ tướng có rất nhiều chỉ đạo, người dân và doanh nghiệp ấm lòng, rất mong có hỗ trợ. Nhưng tôi thấy hơn 100 ngày là quá lâu, doanh nghiệp du lịch vẫn không biết có được hỗ trợ không. Nói hàng không trỗi dậy thì chỉ dám nói là du lịch gượng dậy. Nếu có cứu trợ thì phải cứu kịp thời, cấp cứu nếu không doanh nghiệp cũng ra đi khi dịch tan".
Ông đánh giá sự phối hợp giữa hàng không và du lịch đang trở lại quỹ đạo tốt. Trước đó, khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra, Hiệp hội Du lịch Việt Nam thành lập CLB Kích cầu Du lịch. Nhưng hiện Bamboo làm tốt hơn thế, bởi FLC còn có cả giải trí, lưu trú... để có sản phẩm trọn gói, kết hợp với công ty du lịch rất tốt. FLC có công ty du lịch, ông Kế đề xuất họ có thể làm đầu mối phân phối sản phẩm cùng các công ty lữ hành để đạt hiệu quả tốt nhất.
"Covid-19 là điều không ai mong muốn. Tuần trước, chúng ta có hội nghị tại Sầm Sơn, Thanh Hoá tiếp theo hội nghị Thời điểm vàng khám phá Việt Nam. Nhưng tôi đánh giá đây là thời điểm vàng để phục hồi năng lượng. Trước đó, áp lực của ngành hàng không là quá lớn, đến mức sân bay nứt không sửa được. Do đó đây là thời điểm để ngành hàng không phục hồi", ông Kế đánh giá.
Giữa Covid-19, ngành du lịch lộ rõ điểm yếu, ví dụ như xác định thị trường, ông Kế nhận định. "Cơ cấu lại thị trường là điều chúng ta bàn nhiều song chưa làm được. Khách Trung Quốc chiếm khoảng 35-40%, năm ngoái là 5,8 triệu lượt. Nhưng không ai tính được tổng doanh thu. Nếu biết cách làm, chỉ cần đón 3 triệu mà doanh thu gấp đôi", ông nói.
Từng nhiều năm làm chủ tịch CLB đón khách Trung Quốc đường bộ, ông Kế nhận thấy nếu các doanh nghiệp Việt Nam biết làm thị trường Trung Quốc thì vẫn có thể giữ quan hệ đôi bên cùng có lợi. "Mình có quyền chọn phân khúc. Chúng tôi nói nôm na có khách Trung Quốc chuẩn, và khách Trung Quốc 0 đồng Nếu hàng không dám sòng phẳng, thì không phải né tránh thị trường Trung Quốc", ông nhấn mạnh.
Khách mời này cho rằng: "Chúng ta đang khởi động lại du lịch nội địa, nhưng muốn sống được phải nhờ thị trường quốc tế. Từ nay đến 1/7 - ngày dự kiến đón khách quốc tế theo Nghị quyết 79, tôi không biết còn gì thay đổi không, nhưng chúng ta phải chuẩn bị, khắc phục những điều chưa tốt để đón tiếp khách quốc tế bài bản. Nội địa mở cửa, rồi đến Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Tây Âu, Australia, Bắc Mỹ và quan trọng nhất là Mỹ - thị trường chúng ta chưa phát triển. Nếu làm được, Bamboo Airways mới có thể khẳng định được vị thế của hàng không Việt Nam".
-
17h35
Công ty lữ hành đưa ra nhiều sản phẩm du lịch 'đẹp' nhờ giá vé máy giảm mạnh
Bà Đoàn Thị Lộc - Phó giám đốc Saigon Tourist cho biết việc các hãng hàng không tung ra nhiều ưu đãi về vé máy bay cũng như kết hợp với nhiều ưu đãi về nghỉ dưỡng, tác động lớn tới việc xây dựng sản phẩm du lịch của các công ty lữ hành.
Bà Đoàn Thị Lộc cho biết giá vé máy bay thường chiếm 1/3 chi phí của tour. Vì vậy, các công ty thường đàm phán giá cả với nhà hàng, khu vui chơi giải trí... nhằm xây dựng những sản phẩm tốt, kích thích nhu cầu du lịch của người dân. Theo đánh giá của bà, người dân thường ngại sử dụng những sản phẩm phải di chuyển bằng máy bay. Tuy nhiên, với việc các hãng hàng không tung vé giá rẻ như hiện nay, khách hàng sẽ được hưởng lợi rất nhiêu.
Tiếp theo, việc giảm giá vé máy bay mang tới sự phong phú và đa dạng cho các sản phẩm du lịch. Đây là những sản phẩm phù hợp với xu hướng thị trường hiện tại, khi người dân luôn muốn có được một tour nghỉ dưỡng có giá cả hợp túi tiền.
Cuối cùng, khi các hãng hàng không muốn kích cầu du lịch nội địa, họ đưa ra nhiều lựa chọn hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lựa chọn, sắp xếp thời gian bay phù hợp, đa dạng. Trước đây, hàng không thường thiếu chỗ, vì vậy, các công ty lữ hành thường đưa ra những tour có giờ bay không đẹp như đi sớm, về sớm. Bên cạnh đó, các hãng cũng linh động trong điều chỉnh chính sách như trước 10 khách mới được áp dụng vé đoàn thì giờ chỉ cần 6 khách. Những điều này tạo điều kiện cho lữ hành nâng cao phục vụ, hạn chế rủi ro.
-
17h30
Chuyển đổi mô hình vận chuyển cần thời gian
Trả lời câu hỏi: "Việt Nam chuyển đổi thế nào từ vận chuyển hành khách sang vận chuyển hàng hóa?" Ông Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học Hàng không chia sẻ, Việt Nam chống Covid -19 thành công, trở thành điểm đến đáng tin cậy của các nhà đầu tư trên thế giới, các khách du lịch... Thời điểm Việt Nam trỗi dậy cũng là lúc hàng không là ngành được hưởng lợi rất lớn.
Theo ông Châu, mỗi lò xo có sức bật, sức kéo khác nhau, ở những vị trí khác nhau. Trước đó, đi lại bằng hàng không đang bình thường nhưng Covid-19 xảy ra thì hoạt động dừng, ngắt quãng mọi hoạt động. Trong bối cảnh đó, nền kinh tế chịu sức nén rất lớn, sức nén đó tác động vào lò xo. Trong vật lý có câu, khi lò xo bị nén càng mạnh, sức bật càng lớn. Khi dịch tan, nhu cầu vận tải đi lại được thông thoáng, việc đi lại thông thoáng thì ngành hưởng lợi đầu tiên là du lịch, tiếp đến là văn hoá, kinh tế, thể thao...
Trong ngành vận tải hàng không, hiệu quả không chỉ để phát triển ngành này, mà phát triển mọi ngành cần giao thông hàng không. Ngoài ra, còn có chức năng quốc phòng đảm bảo an ninh quốc gia.
Về việc chuyển đổi từ vận chuyển hành khách sang hàng hóa có những đặc thù riêng. Theo đó, máy bay hàng hóa khác máy bay hành khách. Khi vận chuyển hành khách phải tính toán sao để máy bay cất cánh hạ cánh không xê dịch, đảm bảo an toàn cho hành khách. Với vận chuyển hàng hóa, từ khâu đầu vào, kiểm tra, sắp xếp hàng hóa và đầu ra cũng cần đảm bảo an toàn và nguyên vẹn. Việc chuyển đổi như thế cần có thời gian để các nhà kỹ thuật thay đổi hệ thống máy bay phù hợp.
-
17h20
Bamboo Airways sẽ đẩy mạnh dịch vụ chở hàng hóa
Trả lời câu hỏi: "Bamboo làm gì để tạo sức bật cho hãng và những khó khăn gặp phải?", ông Đặng Tất Thắng - CEO của Bamboo Airways cho biết hãng đã đưa ra nhiều phương án thích ứng nhanh khi dịch mới bắt đầu. Đó là dừng các đường bay quốc tế, tập trung vào thị trường nội địa nhằm tạo sự an tâm, tin tưởng cho khách hàng. Trong thời gian giãn cách xã hội, hãng cũng nghiên cứu, tính toán để hết thời gian cách ly, triển khai ít nhất 50 chuyến bay một ngày trên tất cả tuyến đường. "Chúng tôi trở lại mạnh mẽ hơn với các chuyến bay từ Hà Nội tới TP HCM. Riêng TP HCM, chúng tôi có 16 chuyến bay một ngày. Ngoài ra, hãng cũng tăng chuyến bay từ Hà Nội và TP HCM cũng tới các thành phố lớn như Hải Phòng, Đà Nẵng...", ông nói. Thời gian tới, Bamboo Airways cũng tăng các chuyến bay từ những thành phố đông dân cư như Hải Phòng, Vinh, Quy Nhơn...
Thêm vào đó, để kích cầu du lịch, bên cạnh việc đưa ra gói combo nghỉ dưỡng hấp dẫn, Bamboo Airways cũng nghiên cứu ra nhiều sản phẩm bay, trong đó có thẻ bay không giới hạn cho hành khách, đáp ứng nhu cầu đi lại và rất thành công. Hãng cũng rà soát lại hệ thống, tinh gọn bộ máy nhằm cắt giảm chi phí để nâng cao khả năng cạnh tranh. Qua đợt dịch, Bamboo cũng số hóa tất cả giao dịch với khách hàng với mục tiêu dẫn đầu công nghệ số hóa. Đây cũng là một trong những dịch vụ nhằm mang lại sự tiện ích cho khách hàng.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh khai thác những chuyến bay chở hàng hoá sẽ giảm việc tàu bay nằm đất, đồng thời tối đa hoá nhân lực. Chúng ta có nhu cầu tăng đột biến là nhu cầu chở hàng hoá xuất khẩu như khẩu trang, đồ bảo hộ y tế từ Việt Nam tới các quốc gia. Tới nay, Cục Hàng không đã phê duyệt cho Bamboo Airways triển khai các chuyến bay quốc tế tới khắp nơi trên thế giới như Praha, Anh, Pháp... Ông Đặng Tất Thắng nghĩ đến tương lai lâu dài, chưa hãng nào có một cách riêng để vận chuyển hàng hóa. Hiện tại, nhu cầu shopping online cũng tăng, vì vậy, Bamboo Airways sẽ phát triển những máy bay chuyên dụng chở hàng hoá và cho ra đời Bamboo Airways Cargo.
-
17h10
Các hãng hàng không Mỹ đang cố gắng cầm cự
Đề cập đến ngành hàng không Mỹ, ông Adam Sitkoff, Giám đốc Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) cho biết tình hình hiện tại ở nước Mỹ không mấy khả quan. United Airlines, một hãng hàng không lớn tại Mỹ, trước đây phục vụ 500.000 hành khách một ngày. Nhưng hiện tại hãng chỉ có 10.000 khách một ngày, giảm 98%.
"Một trong những sự kiện mọi người nhắc lại gần đây là cuộc khủng bố ngày 11/9 của 20 năm trước. Chúng ta sẽ bắt đầu từ ngày 10/9/2001, khi thị trường hàng không vẫn rất ổn định. Chỉ một ngày sau đó, mọi thứ đã khác. Trong vòng 4 tháng sau đó, lượng hành khách đi máy bay giảm còn 35%. Ngay cả khi tâm lý của hành khách về an toàn bay đã ổn định hơn, chúng tôi vẫn mất 3 năm để đạt lại lượng hành khách như trước thảm họa", ông Sitkoff kể lại.
Theo ông, không có sân bay nào tại Mỹ thực sự đóng cửa, các hãng hàng không vẫn hoạt động. Các CEO trong ngành nói rằng họ vẫn mở chuyến bay nếu khách có nhu cầu nhưng hiện tại, hành khách không có nhu cầu bay. Đến nay, sau 62 ngày kể từ khi Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, lượng khách trung chuyển bằng đường hàng không giảm 90%, thị trường đang khôi phục trở lại nhưng mức độ sụt giảm vẫn là 85-88%, tốc độ hồi phục rất chậm.
"Chúng tôi chưa biết bao giờ ngành hàng không mới khôi phục trở lại. Hiện tại, hành khách vẫn có nhu cầu di chuyển nhưng nhu cầu di chuyển bằng máy bay đã giảm", ông Sitkoff nói.
CEO của hãng Airbus gần đây đã phát biểu rằng, chúng ta đang ở giữa một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất từng được biết đến trong ngành hàng không vũ trụ. Trong khi đó, Boeing không có đơn đặt hàng nào mới trong tháng Tư vừa qua và công ty sẽ cắt giảm sản xuất trên gần như toàn bộ danh mục máy bay phản lực trong thời gian tới.
Ông Sitkoff cũng cho biết tại Mỹ, một trong những nguồn hành khách lớn, chiếm phần đáng kể là doanh nhân, nhưng trong tình hình hiện nay, mọi người có thể họp online, hoặc làm việc tại nhà. "Chúng tôi xác định là 25% lượng hành khách sẽ không còn. Thị trường hàng không tại Mỹ là một trong những thị trường lớn nhất trên thế giới nhưng các hãng đều chọn cách là cắt giảm chi phí, cầm cự cho tới khi thị trường hoạt động trở lại".
-
16h40
Truyền thông để du khách không thấy sợ khi tới Việt Nam
Trả lời câu hỏi tình hình ngành hàng không thế giới hoạt động như thế nào đặc biệt tại các nước châu Mỹ, châu Âu, Ngô Minh Đức, Chủ tịch Hội đòng thành viên HG Holdings và Gotadi cho biết, hàng không đóng góp cho GDP toàn cầu và ngành kinh tế của tất cả các nước.
Ở Mỹ, hàng không được đánh giá là ngành có đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP thường xuyên cho đất nước. Hiện nay, các hãng hàng không Mỹ tạo ra hơn 5% GDP và kích thích ngành kinh tế khác. Ông Ngô Minh Đức làm việc tại sân bay Đà Nẵng từ năm 1994. Thời điểm đó, có 3 chuyến bay hàng ngày đến nay đã có khoảng hơn 100 chuyến nội địa cộng với quốc tế, trường bay Đà Nẵng quá tải. Bên cạnh đó, lượng chuyến bay từ Việt Nam đi Mỹ lớn nhất trong Asian.
Cách đây 15 năm, chúng ta ít người biết về Thổ Nhĩ Kỳ nhưng hiện nay đã có hơn 100.000 lượt hành khách đi lại giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ trong đó có hàng chục nghìn khách Việt. Hàng không đã góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, việc xin visa cũng dễ dàng hơn. Những con số cho thấy các hãng hàng không sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển.
Thời gian qua, các hãng hàng không gặp nhiều rủi ro, có hãng dừng bay mấy chục ngày, có hãng nhập tầu bay mới nhưng đưa thẳng vào kho chứ không được cất cánh. Đó là nỗi buồn chung của ngành hàng không. Thời gian tới, ngành hàng không cần được thúc đẩy trỗi dậy. Chúng ta ngồi đây mong muốn tìm ra giải pháp.
Trong thời điểm khó khăn, để hỗ trợ ngành hàng không, chúng tôi cùng VnExpress đưa ra nhiều khảo sát và kiến nghị lên chính phủ. Rất may chính phủ quan tâm, nghiên cứu. Kích cầu du lịch là một trong những kiến nghị của chúng tôi. Tôi mong báo chí đưa ra các thông điệp tích cử. Chúng ta hãy truyền thông sao cho du khách không còn thấy sợ khi tới Việt Nam, đó cũng là cách giúp ngành hàng không phát triển.
-
16h30
Hướng đến thị trường Đông Nam Á và Đông Bắc Á
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa chia sẻ thị trường du lịch nội địa đã khai thác ở mức độ nào đó. Khi giảm giá hàng không, du lịch sẽ kích cầu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không nên giảm giá vô hạn. Ngoài giảm giá, ngành du lịch còn phụ thuộc vào lịch học sinh nghỉ hè dài vì người Việt đi du lịch theo lịch học của trẻ con, nhiều gia đình đi du lịch vì chiều con là chính. Trong khi đó, du lịch với khách quốc tế gắn với di sản văn hóa. Hiện nay, những điểm đến du lịch di sản dành cho khách quốc tế vắng khách. Ngành du lịch cần nhu cầu lớn từ du khách nước ngoài mới phục hồi được.
Dự đoán tăng trưởng doanh thu du lịch năm nay tăng 1,6-1,9%, năm sau tăng 9% như vậy chúng ta không khủng hoảng. Nhưng chuyên gia kinh tế thế giới cho rằng mất ba đến 10 năm đễ phục hồi kinh tế thế giới.
Chúng ta có thể hướng đến thị trường Đông Bắc Á trước, sau đó là Đông Nam Á, tiếp theo là châu Âu để phát triển du lịch. Chúng ta có thể đưa ra hai kịch bản: Kịch bản thứ nhất là phát triển du lịch vùng, du khách sẽ không ra khỏi vùng đó; Kịch bản thứ hai là phải kiểm tra y tế với khách quốc tế vào Việt Nam. Khách quốc tế trước khi đi du lịch cần kiểm tra sức khỏe, nếu âm tính với Covid-19 tại thời điểm đi thì được đăng ký đi du lịch. Khi khách nhập cảnh sẽ kiểm tra sức khỏe lần hai, nếu âm tính thì được nhập cảnh. Sau đó, tiếp tục cách ly 14 ngày và kiếm tra lần ba. Nếu làm được như vậy thì có thể đón khách Đông Bắc Á, Đông Nam Á và đảm bảo an toàn. Nhưng khách du lịch nước ngoài liệu có chấp nhận quy trình kiểm tra như vậy? Vì họ phải được tự do di chuyển, muốn đi để thăm thú di sản, tìm hiểu văn hóa. Hiện nay, Chính phủ đang tìm phương án để lọc dần và tìm cách đón khách ngoại quốc vào Việt Nam.
-
16h25
Ngành hàng không thể hiện 'sức khỏe' của nền kinh tế
Ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Sở du lịch tỉnh Bình Định đặt câu hỏi cho các diễn giả tham gia: "Điểm mấu chốt giúp những người làm quản lý có thể kết hợp với nhau để tạo nên sức bật cho ngành hàng không là gì?".
Tiến sĩ Trần Du Lịch cho biết để "lò xo" nền kinh tế trở lại, nhất là trong thời kỳ bình thường mới, xét về vĩ mô, đây không chỉ là vấn đề của riêng ngành hàng không. Theo ông, tất cả các bộ ngành đều phải phối hợp với nhau. Bên cạnh đó, xét về kinh tế, tất cả những lĩnh vực liên quan tới du lịch như hàng không, lưu trú, các nhà hàng, quán ăn... cũng phải chung tay tạo ra sự lan tỏa để bật dậy cả nền kinh tế. Vấn đề này đã được bàn luận rất kỹ tại các hội thảo trong thời gian gần đây.
Ông Trịnh Văn Quyết khen ngợi câu hỏi của ông Nguyễn Văn Dũng rất đúng và trúng, đây cũng là câu hỏi của những người tham gia hội thảo. Theo ông Quyết, buổi hội thảo hôm nay thể hiện thực tế mà xã hội đang chứng kiến sức bật của ngành hàng không. Bởi nếu không có hàng không, kết nối quan hệ kinh tế giữa địa phương, tỉnh thành, nhà kinh doanh, các tuyến tour du lịch sẽ chậm. Ngành hàng không thể hiện sức khỏe của nền kinh tế. Nếu đi ra sân bay vắng bóng người, sức khỏe của nền kinh tế cũng như chống dịch của chúng ta chưa thành công. Ông cho biết hai tuần nay, lối ra - vào của khu vực nội địa sân bay phải dùng còi để chỉ đạo các phương tiện, sảnh sân bay cũng tấp nập.
Ông Võ Huy Cường chia sẻ xuất phát từ thực tiễn, trước ngày 8/5, Việt Nam chưa nới lỏng toàn bộ các đường bay cũng như đường bộ trong nước nhưng các khu resort, đặc biệt là FLC ở Sầm Sơn Thanh Hóa, Hạ Long, Vĩnh Phúc rất đông. Từ ngày 8/5, chính phủ bỏ giãn cách trên tàu bay, số lượng người đi lại chưa nhiều nên việc mở lại số lượng chuyến bay rất khó. Nhưng chỉ 2 - 3 ngày sau, số lượng người gia tăng. Theo ông, hàng không phát triển, tạo cơ hội cho ngành du lịch, thu hút được nhân công trở lại, khôi phục bình thường trong giai đoạn mới.
Ông Võ Huy Cường không dám chắc về thời gian phục hồi ngành du lịch cũng như nền kinh tế khi mọi người vẫn còn lo sợ về dịch bệnh. Ngoài ra, mọi người cũng cần khôi phục lại thu nhập sau khi giãn cách xã hội, một số người còn bị mất việc. Theo ông, nền kinh tế có thể trở lại như năm 2019 cần khoảng 2-3 năm tới. Ông hy vọng, với nỗ lực của mọi người trên toàn cầu, có thể sớm khống chế hoặc tiêu trừ được dịch bệnh.