Tọa đàm "Hàng không Việt trỗi dậy và sự phục hồi kinh tế" diễn ra ngày 30/5 do Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) phối hợp cùng Công ty Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tổ chức tại FLC Quy Nhơn.
Chương trình có hai phiên chính. Phiên một thảo luận về chủ đề "Hàng không Việt và sức bật của lò xo nén"; Phiên thứ hai là "Hàng không trỗi dậy, hành khách hưởng lợi", phân tích hình thức dịch chuyển thông minh mới sau dịch bệnh.
Đúng 15h, sự kiện bắt đầu với sự tham gia của gần 200 khách mời, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, chính quyền các tỉnh, phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tập đoàn lớn trong lĩnh vực hàng không, lữ hành, khách sạn...
Mở đầu tọa đàm, ông Võ Huy Cường, Cục phó Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành hàng không Việt Nam không chết yểu. Ngành sẵn sàng đối phó với những khó khăn, tập trung vào mặt mạnh để phát triển bền vững, phục vụ du khách.

Ông Võ Huy Cường, Cục phó Cục Hàng không Việt Nam khẳng định ngành hàng không Việt Nam không chết yểu trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Dẫn đề phiên một, giải đáp câu hỏi "Kịch bản nào nằm trong và ngoài những dự kiến của Cục hàng không", ông Cường cho hay, bây giờ chúng ta vẫn duy trì chuyến bay chở hàng đến và đi nhưng khách nhập cảnh còn hạn chế. Quan điểm của Cục Hàng không là tạo điều kiện tối đa cho các hãng hàng không, trừ trường hợp hạn chế về cơ sở hạ tầng. Theo đó, với đường bay Côn Đảo, Cục Hàng không dự định cho máy bay Airbus của Bamboo Airways khai thác đường bay Hà Nội - Côn Đảo, quay về TP HCM. Hiện, vào ngày cao điểm có tới 21 chuyến bay giữa TP HCM và Cần Thơ nối Côn Đảo.
Bàn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa chia sẻ, có thể đưa ra hai kịch bản: phát triển du lịch vùng, du khách sẽ không ra khỏi vùng đó; kịch bản thứ hai là phải kiểm tra y tế với khách quốc tế vào Việt Nam. Khi khách nhập cảnh sẽ kiểm tra sức khỏe lần hai, nếu âm tính thì được nhập cảnh. Sau đó, tiếp tục cách ly 14 ngày và kiếm tra lần ba, nếu làm như vậy thì có thể đón khách Đông Bắc Á, Đông Nam Á.
Hiện tại, ngành vẫn chưa khuyến khích nhập cảnh. Đồng thời, Việt Nam cùng với Pháp nghiên cứu để xây dựng đường bay chở khách an toàn, song song chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng để trở lại mạnh mẽ sau dịch Covid-19. Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, việc mở đường bay quốc tế vẫn còn là dấu châm hỏi, vì vậy, chúng ta nên thúc đẩy hàng không nội địa.
Thực tế, Covid-19 đang gây nhiều khó khăn, thách thức cho các hãng hàng không, các sân bay, hành khách. Vào tháng Hai, số lượng hành khách quốc tế đã bị giảm 10%, chủ yếu liên quan đến sự lưu thông giữa những nước trải qua sự bùng phát sớm của Covid-19. Vào tháng Tư, số lượng hành khách quốc tế tiếp tục giảm sâu đến 95%. Ông Adam Sitkoff, Giám đốc Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) cho rằng, nhờ phản ứng nhanh nhạy của chính phủ, người dân Việt cùng đoàn kết phòng chống dịch mà các ngành công nghiệp có thể tái khởi động, trong đó có hàng không. Trong khi đó, tình hình ở Mỹ không khả quan, xác định mất 25% lượng khách.

Ông Adam Sitkoff, Giám đốc Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) khâm phục tinh thần đoàn kết chống dịch của người dân Việt.
Hiện nay, tại Việt Nam, có những đường bay đã đạt 80% so với cao điểm Tết. Thị trường khách quốc tế chưa đạt 50%. So với 2019, thị trường thị phần trên dưới 50% cho nội địa, còn lại là quốc tế.
Khi được hỏi những khó khăn, vướng mắc và bất cập mà Bamboo Airways gặp phải trong và sau khi giãn cách xã hội, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC chia sẻ, trước đó đơn vị đã kiến nghị với Cục Hàng không cùng Bộ Giao thông. Nhìn chung, đến thời điểm này, chính phủ, các bộ ngành hỗ trợ nên khó khăđược tháo gỡ. Hiện tại, Bamboo Airways đã mở lại tới 90% đường bay, tuy nhiên, nếu trước Covid, hãng bay 150 chuyến một ngày thì hiện tại đạt 50%. Tuy nhiên, ông Quyết khẳng định sẽ tăng cường đường bay vào đầu tháng 6.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC, chia sẻ khó khăn với Cục Hàng không cùng Bộ Giao thông.
Nhiều sáng kiến phát triển ngành hàng không hậu Covid-19
Bàn về vấn đề, hàng không và du lịch phải kết hợp với nhau như thế nào để thúc đẩy sự phát triển, chuyên gia kinh tế, Trần Du Lịch cho rằng, du lịch là ngành có tính lan tỏa cao, khi đi du lịch, du khách quan tâm đến ẩm thực, khách sạn... Vì vậy ngành cần sự kết nối giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp du lịch, lưu trú và hàng không. Tiếp theo, chúng ta cần thay đổi trật tự ngành hàng không, sắp xếp lại các đường bay, chuyến bay.
Ông Võ Huy Cường lý giải, trong Covid-19, chở hàng là cứu cánh, các hãng hàng không cũng nắm lấy cơ hội, nảy ra sáng kiến tháo 3-4 hàng ghế. Sáng kiến này nhiều nước phải học hỏi từ Việt Nam. Việc đẩy mạnh khai thác chuyến bay chở hàng sẽ giảm việc tàu bay nằm đất, đồng thời tối đa hoá nhân lực. Các chuyên gia cho rằng, việc chuyển đổi từ vận chuyển hành khách sang hàng hóa có những đặc thù riêng do đó phải nghiên cứu kỹ.
Trong khuôn khổ tọa đàm các đại biểu cho rằng, Việt Nam chống Covid -19 thành công, trở thành điểm đến đáng tin cậy của các nhà đầu tư trên thế giới, khách du lịch.
Cách ngành hàng không kích cầu du lịch
Bà Đoàn Thị Lộc - Phó giám đốc Saigon Tourist cho biết việc các hãng hàng không tung ra nhiều ưu đãi về vé máy bay cũng như kết hợp với nhiều ưu đãi về nghỉ dưỡng, tác động lớn tới việc xây dựng sản phẩm du lịch của các công ty lữ hành.
Giá vé máy bay chiếm 1/3 chi phí tour du lịch, việc giảm giá mang tới sự phong phú và đa dạng cho các sản phẩm du lịch. Hiện nay, xu hướng thị trường luôn muốn có chuyến nghỉ dưỡng giá cả hợp túi tiền.
Khi các hãng hàng không muốn kích cầu du lịch nội địa thì nên đưa ra nhiều lựa chọn như sắp xếp thời gian bay phù hợp, đa dạng. Bên cạnh đó, các hãng cũng linh động trong điều chỉnh chính sách, ví dụ như trước 10 khách mới được áp dụng vé đoàn thì giờ chỉ cần 6 khách. Điều này tạo điều kiện cho lữ hành nâng cao phục vụ, hạn chế rủi ro.
Ông Phạm Minh Quang, Tổng giám đốc Công ty Dolphin Tour cho rằng dịch Covid-19 đã tác động và thay đổi cả thế giới. Với tầm nhìn của nhà kinh doanh, ông Quang cho rằng bối cảnh đòi hỏi doanh nghiệp phải sáng tạo. Với du lịch, hàng không, việc khách quốc tế đến Việt Nam còn phụ thuộc vào nền kinh tế của họ. Đơn vị nào nắm bắt được xu thế này có cơ hội sinh tồn tốt hơn, đón sóng cơ hội tiếp sau, nếu chờ đợi thì sẽ khó bắt kịp xu thế mới.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định mong muốn các ban ngành cùng chung tay xây dựng chương trình kích cầu du lịch địa phương.
Cuối buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định mong muốn các ban ngành cùng chung tay xây dựng chương trình kích cầu du lịch địa phương như: giảm chi phí cơ sở lưu trú, ẩm thực... nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng dịch vụ. Đồng thời, các công ty lữ hành cũng cần nỗ lực đưa ra các tour, kịch bản du lịch phù hợp.
VnExpress
Xem diễn biến chính