Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) vừa phát đi báo cáo ước tính mức độ thiệt hại của ngành hàng không thế giới trước dịch bệnh Covid -19. Theo IATA, các hãng hàng không toàn cầu thiệt hại 29 tỷ USD, chủ yếu ở thị trường châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, các hãng bay Trung Quốc tổn thất khoảng 12,8 tỷ USD.
Trước đó, hiệp hội này cho rằng, nhu cầu giao thông hàng không toàn cầu sẽ tăng trưởng 4,1% trong năm 2020. Tuy nhiên, theo tổ chức này, thị trường sẽ co lại và lượng hành khách đi lại toàn cầu giảm 0,6%.
Dự báo này dựa trên giả định rằng dịch virus corona chủ yếu tập trung ở Trung Quốc. Nhưng tác động có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu Covid-19 lan rộng tại các thị trường khác ở châu Á - Thái Bình Dương. Do đó, con số thiệt hại có thể còn lớn hơn.
Đây là quãng thời gian đầy thử thách đối với ngành công nghiệp vận tải hàng không toàn cầu. IATA cho rằng, họ không biết chính xác dịnh bệnh sẽ phát triển như thế nào và có tuân thủ theo cùng một sơ đồ như SARS hay không. Tuy nhiên, báo cáo nhìn nhận rằng, có thể Chính phủ sẽ sử dụng chính sách tài khóa và tiền tệ để cố gắng bù đắp các tác động kinh tế bất lợi. Một số biện pháp cứu trợ có thể được nhìn thấy khi giá nhiên liệu được bán thấp hơn cho một số hãng hàng không.
Là quốc gia chịu tổn thất nặng nề nhất, Trung Quốc cũng đang dùng một số biện pháp để "cấp cứu" ngành hàng không của họ. Theo đó, Bắc Kinh sẽ cho phép một số hãng hàng không nhỏ và lao đao vì dịch virus corona sáp nhập vào những hãng bay quy mô lớn.
Theo Bloomberg, chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp quản Tập đoàn HNA Group Co. và bán mảng hàng không của hãng này. Theo kế hoạch, Bắc Kinh sẽ bán mảng hàng không của HNA - bao gồm Hainan Airlines Holding - cho Air China, China Southern và China Eastern. Hay báo cáo của IATA cũng chỉ ra, chính phủ Singapore đang phân bổ 112 triệu SGD để cung cấp cứu trợ tài chính cho các hãng hàng không nhằm cố gắng duy trì kết nối kinh tế.
Hiện, các hãng hàng không đưa ra quyết định khó khăn để cắt giảm công suất. Chi phí nhiên liệu thấp hơn sẽ giúp họ bù đắp một phần doanh thu bị mất. Do đó, nhiều hãng hàng không đang cần Chính phủ của họ giúp sức.
Tại Việt Nam, thống kê của Bộ Giao thông cho thấy, việc dừng các chặng Trung Quốc khiến các hãng bay Việt mất 400.000 khách một tháng, thiệt hại ban đầu hơn 10.000 tỷ đồng.
Trong đó, riêng Vietnam Airlines, hãng này ước tính đến tháng 7, con số thiệt hại lên tới gần 200 triệu USD (tức hơn 4.500 tỷ đồng).
Nói với VnExpress, đại diện Vietnam Airlines cho biết, các đường bay đến điểm du lịch hầu như không có khách. Các đường bay nhiều khách công vụ cũng giảm đến 20-30% như Hà Nội - TP HCM. Với sự sụt yếu về nhu cầu của khách hàng, doanh thu của VNA cũng giảm rất nhanh ở cả mảng hành khách và hàng hóa, ước khoảng 20-25% trong nửa đầu tháng 2. Cứ mỗi tuần dịch bệnh kéo dài thêm thì ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của hãng rơi vào khoảng 200-250 tỷ đồng.
Hồng Châu